Làng đoàn kết nơi căn cứ kháng chiến Đăk Ui, Kon tum:

Đổi thay vùng đất mới

Thứ Hai, 29/09/2008, 09:51
Làng nằm lọt thỏm dưới chân bốn ngọn núi thiêng rất hùng vĩ, nơi đây từng một thời là khu căn cứ cách mạng che chở bao lớp người đánh thắng giặc Mỹ. Vùng địa linh ấy là di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Năm xưa, căn cứ kháng chiến Đăk Ui đã làm nên bao chiến thắng lẫy lừng, và hôm nay cũng đang từng ngày "thay da đổi thịt" trên một vùng đất mới anh hùng.

Những mối tình đẹp thời chiến tranh

Tôi đến thôn 8, xã Đăk Ui hỏi thăm nhà cựu chiến binh Trần Xuân Lành vào lúc đã quá buổi trưa 11-9, nhưng cả gia đình vẫn chưa nghỉ ngơi. Một người đàn ông nhỏ ốm ở tuổi thất thập nhưng trông rất nhanh nhẹn chạy ra xưng tên bác Lành và bảo: "Tôi đang lo bữa trưa, chờ bà xã về".

Nhìn đồng hồ đến quá 12h, cô Y Xã mới cuốc bộ về đến nhà trong sự niềm nở của chồng con. Bữa cơm trưa đạm bạc rau dưa nhưng rất hạnh phúc. Rồi cả nhà cười râm ran trong không khí gia đình đầm ấm. Bác Lành, cô Y Xã kể cho tôi nghe chuyện tình của hai người một thời đạn bom trong chiến tranh và một thời hòa bình hôm nay.

Năm nay bác Trần Xuân Lành tròn 68 tuổi, cô Y Xã cũng cận kề tuổi chồng. Nhớ lại ngày nhập ngũ 3/2/1962, bác Lành xúc động: "Quê Thanh Hóa tôi hồi ấy ai cũng xung phong vào Nam đánh Mỹ". Thế rồi sau 2 năm nhập ngũ, tháng 10/1964, tân binh Trần Xuân Lành cùng nhiều đồng đội được vào chiến trường Tây Nguyên.

Bác Lành kể những ngày tháng ấy thật khốc liệt, quanh năm ở rừng sâu, hang đá, lúc bên Lào, khi bên Campuchia rồi mở từng đợt tấn công đánh trận ở Tây Nguyên. Năm 1972, bác Lành có lần đi công tác ở cơ sở xã Đăk Pét, Đăk Glei, Kon Tum bây giờ tình cờ gặp Y Xã cũng đang công tác ở đó. Lúc bấy giờ Y Xã là giáo viên huấn luyện Trường Quân chính B3. "Không hiểu sao đôi mắt ấy, tiếng nói ấy đã khiến lòng tôi ngất ngây".

Bác Lành kể tiếp: Rồi người con gái dân tộc Sơ Hrá mang tên Y Xã ấy cũng hiểu lòng chàng trai Trần Xuân Lành và họ thành nghĩa vợ chồng. Sau 2 ngày về làng làm lễ ra mắt bà con theo phong tục người Sơ Hrá ở Kon Tum, hai người dắt nhau lên đơn vị rồi chia tay biền biệt cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới được ở bên nhau. Bây giờ cả 10 người con của vợ chồng bác Lành, cô Y Xã đều trưởng thành gồm 5 giáo viên, 2 bác sĩ, 1 kỹ sư, 1 sỹ quan Quân đội và 1 cán bộ Công an xã.

Cũng giống như bác Lành, cô Y Xã, chuyện tình cựu chiến binh Nguyễn Chí Kiệm với Y Bom cũng đẹp đẽ và tự nhiên như những bông hoa rừng. Thuở ấy chàng trai gốc Nghệ An Nguyễn Chí Kiệm và cô gái Xơ Đăng mang tên Y Bom cũng gặp nhau trong tình cờ đi công tác. Người lính ở rừng gặp cô giáo Trường Quân chính B3 đã quyến luyến nhau thật nhanh trong những phút giây lãng mạn một thời trai trẻ và nên duyên chồng vợ trọn đời.

Bây giờ họ đã là ông, là bà của gần chục đứa cháu nội ngoại nhưng họ vẫn luôn gần gũi, tôn trọng và thương yêu nhau như ngày nào. "Tình yêu và sự cống hiến cho cách mạng chính là khoảng đời đẹp nhất của những người lính chúng tôi", vợ chồng Y Bom, Nguyễn Chí Kiệm nói.

Làng ghi công những người lính Cụ Hồ

Đăk Ui xưa là địa bàn chiến lược quân sự quan trọng, làm bàn đạp để đánh ra các vùng Đăk Tô-Tân Cảnh, Măng Đen, Măng Bút… Năm 1960, vùng đất này đã trở thành căn cứ kháng chiến chống Mỹ và sau đó trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của H6. Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ và nhân dân Đăk Ui đã tổ chức 289 trận đánh, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, tiêu diệt nhiều xe tăng, máy bay địch... Năm 1971, cán bộ và nhân dân Đăk Ui được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hôm nay về Đăk Ui, ai ai cũng thừa nhận những đổi thay khởi sắc ở đây. Con đường nhựa phẳng lì từ trung tâm thị trấn Đăk Hà chạy dài hàng chục cây số về tận xã Đăk Ui như một huyền thoại trong tâm trí của bà con dân làng.

"Trước đây đi bộ về huyện mất cả buổi còn bây giờ chạy 15 phút là xong", một người dân ở đây nói. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây ai cũng phấn khởi: "Có được sự đổi thay hôm nay ở làng, ở xã mình là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là sự góp công sức của những người lính Cụ Hồ".

Bác Trần Xuân Lành kể rằng, ngày đầu giải phóng cả thảy có 42 cặp chồng là bộ đội lấy vợ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên dắt nhau về lập nghiệp ở thôn 8, xã Đăk Ui (Đăk Hà, Kon Tum) bây giờ. Xưa ở đây bốn bề bao quanh núi, thuận lợi cho hoạt động cách mạng nhưng sau giải phóng thì nghèo và hoang tàn lắm.

Bấy giờ, những đôi vợ chồng lính như Nguyễn Chí Kiệm, Trần Xuân Lành, Nguyễn Văn Hào... đã tiên phong trong phong trào khai hoang, lập nghiệp. Một mặt củng cố, xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở, mặt khác thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Từng gia đình cá nhân những người lính làm giàu thì không khó nhưng quan trọng là phải làm gương, giúp đỡ bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn làng biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vì thế những người lính phải 3 cùng với đồng bào. Ở xã Đăk Ui bây giờ không còn phân biệt các hộ gia đình Kinh - Thượng nữa mà gọi là làng "Đại đoàn kết", cùng giúp nhau phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, Vũ Ngọc Quang cho biết, Đăk Ui bây giờ không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 20% và đặc biệt là bà con Đăk Ui trước sau một lòng sắt son theo Đảng, Bác Hồ, đoàn kết một lòng giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương.

Ở thôn 8, xã Đăk Ui, nơi mang tên làng "Đại đoàn kết", khi xưa có 42 cặp vợ chồng đầu tiên về làng lập nghiệp và đến nay có tới 151 hộ. Trên mảnh đất tươi đẹp này, những mối tình, những cuộc hôn nhân "Đại đoàn kết" tiếp tục đơm hoa, kết trái

Ngọc Như
.
.
.