Đổi mới công tác đào tạo sư phạm: Hiến kế của các nhà quản lý

Thứ Sáu, 16/09/2011, 16:18
Chậm còn hơn không có cuộc hội thảo này”, đó là nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc hội thảo gần đây xung quanh việc đổi mới chất lượng đào tạo trong ngành Sư phạm...

Đây cũng là lần thứ 2 kể từ năm 2006 hơn 300 nhà quản lý các trường ĐH-CĐ sư phạm trong toàn quốc cùng ngồi lại với nhau đưa ra những ý kiến thẳng thắn về vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành Sư phạm. Tại sao có tình trạng đào tạo mất cân đối, có ngành thiếu có ngành thừa, việc quy hoạch nhân lực cho ngành Sư phạm chậm cũng như chưa có các giải pháp cụ thể để qui hoạch nhân lực cho ngành Sư phạm.

Đến nay toàn quốc có 133 cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục, với hơn 100 trường ĐH, CĐ sư phạm thì so với năm 2006, có thêm 11 trường ĐH được đào tạo mã ngành Sư phạm, bên cạnh một số trường CĐSP nâng cấp thành trường ĐH đa ngành, tính đến năm học 2010-2011, tổng số GV của các trường ĐH sư phạm gần 4.400 người, trong đó có 5% là GS, PGS; khoảng 13% TS và TS khoa học và hơn 46% thạc sĩ.

Tuy nhiên xung quanh vấn đề hình thức đào tạo trong trường ĐH sư phạm theo PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng ĐH SP Hà Nội thì việc đa dạng hóa hình thức đào tạo GV hiện có xu hướng chuyển sang mô hình đào tạo đa ngành rất cần thiết phải đầu tư về mọi mặt nhất là cho 2 trường ĐH trọng điểm ở 2 đầu đất nước.

Theo Th.S Cao Văn Hoà Trân, Phó Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Kiên Giang, nhìn chung các trường ở ĐBSCL khó khăn về CSVC do ngân sách của từng địa phương khác nhau, hiện còn rất thiếu phòng học, thiếu Ký túc xá cho sinh viên đặc biệt là thiếu trang thiết bị cho việc nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học. Về nguồn lực tài chính, mỗi năm đều cấp mức kinh phí ổn định dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng lương GV tăng thêm không đáng kể, thu nhập GV khoảng 48 triệu/năm so với tình hình giá cả hiện gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống.

Bộ GD&ĐT cùng Bộ Tài chính nên đề ra hạn mức kinh phí đào tạo cho hệ ĐH, CĐ về sư phạm. Mức học phí của SV Sư phạm một năm là bao nhiêu để lấy cơ sở thực hiện cấp bù kinh phí cho các trường sư phạm miễn thu học phí sinh viên.

Thu nhập của giáo viên không tăng là một trong những nguyên nhân khó cho nguồn tuyển sinh ngành Sư phạm hàng năm.

TS Nguyễn Văn Bảng, Phó hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp cho biết, trường này hiện có 14 khoa 32 ngành, trong đó có 17 ngành đào tạo GV… Dù đã là mô hình đào tạo đa ngành nhưng ĐH Đồng Tháp vẫn lấy đào tạo GV làm cốt lõi.

Mô hình tổ chức bộ máy, không thực hiện như các trường đa ngành khác, vẫn giữ nguyên các khoa sư phạm trước đây. Nhưng khó là “đầu vào” tuyển sinh thấp hơn các trường khu vực khác, tâm lý học sinh không thích học ngành Sư phạm, sợ không có việc làm, trong khi địa phương chưa có quy hoạch nguồn nhân lực chi tiết, đội ngũ GV chưa có, dẫn tới đào tạo GV mất cân đối, ngành thừa ngành thiếu. Do vậy các địa phương cung cấp cho nhà trường số liệu cần thiết, dự báo sự phát triển để làm cơ sở cho việc đào tạo.

TS Tôn Thất Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ĐHSP Huế  cho rằng: nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm ngoài việc cần xây dựng chương trình khung, chuẩn đầu ra cho ngành thì cần quan tâm đến kỹ năng thực hành của sinh viên. Khảo sát năm 2006 trên 44 Sở GD&ĐT, khoảng 77% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp nhưng yếu kém nhất của SV sư phạm là thực hành.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận thực trạng yếu kém trong đào tạo sư phạm thời gian qua do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển đội ngũ GV. Trong khi đổi mới quản lý về giáo dục chính là khâu đột phá. Muốn phát triển các ngành Sư phạm, chúng ta tạo ra phương châm đào tạo theo nhu cầu xã hội, phải làm công tác dự báo nhu cầu GV các bậc học. Các Bộ trưởng phải quy hoạch nguồn nhân lực của ngành mình, trong tháng 9/2011 phải công bố số liệu này.

Chủ tịch UBND các tỉnh phải công bố quy hoạch nhân lực các ngành nghề, trong đó có nhu cầu GV của địa phương. Từ công bố quy hoạch nhân lực cho sư phạm trên cả nước, rà soát lại các ngành, khoa sư phạm các trường. Các trường là trung tâm đào tạo kiến thức nhưng các trường phổ thông mới chính là vệ tinh đào tạo, các trường phổ thông chính là vệ tinh đào tạo của các trường sư phạm, chiến lược quy hoạch trường phổ thông là vệ tinh của trường sư phạm, là cơ sở thực hành tuyệt vời nhất để hệ thống sư phạm. Không bó hẹp trong trường sư phạm thì mới mong có hiệu quả trong đào tạo sư phạm hiện nay

Huyền Nga
.
.
.