Đời "du mục" vùng sông nước

Thứ Sáu, 16/11/2012, 01:21
Năm nay “lũ kiệt”, khiến cuộc sống của những hộ dân mưu sinh mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng trở nên khó khăn hơn. Để có được “chén cơm manh áo”, họ phải chịu đựng cái lạnh tê người của thời tiết, hay vật lộn với con nước giữa đêm khuya với bao nhiêu hiểm nguy rình rập...

Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), còn được gọi với cái tên khá mỹ miều “mùa nước nổi”. Từ đầu tháng 7 (AL), dòng nước phù sa đỏ ngầu từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mang theo nhiều cá tôm, sản vật mùa lũ. Đây cũng là mùa mưu sinh của người dân nghèo, tận dụng khai thác lợi thế từ mùa lũ mang lại. Nguồn lợi thủy hải sản từ mùa lũ đã giúp bao gia đình cải thiện cuộc sống trong những ngày nước dâng cao.

Những mảnh đời bám lũ

Một ngày đầu tháng 11, nhờ người quen giới thiệu, chúng tôi theo ghe của anh Lăm Văn Bốn (ngụ huyện Tịnh Biên, An Giang) lênh đênh đánh bắt thủy sản trên dòng kênh Vĩnh Tế. Khi những giọt nắng cuối ngày dần tắt, cũng là lúc gia đình anh Bốn cùng 3 thanh niên trong xóm, lỉnh kỉnh mang dụng cụ lên 3 chiếc ghe, chuẩn bị cho một đêm đánh lưới bao. Anh Bốn tâm sự: “Nghề đánh lưới bao rất vất vả, một người làm không nổi nên tôi tập hợp anh em trong xóm được 3 chiếc ghe cùng đi đánh bắt ban đêm”. Nói xong, anh Bốn lớn tiếng bảo vợ là chị Lê Thị Lành đem nồi cơm nguội và chảo cá lóc kho xuống ghe, để ăn dằn bụng lúc đói.

Chiếc ghe chạy phăng phăng, thẳng tiến ra kênh Vĩnh Tế trong trời tối đen kịt. Chạy gần một giờ đồng hồ, ghe của anh Bốn cũng đến dòng kênh Vĩnh Tế. Trên cánh đồng, nước lũ ngập mênh mông. Anh Lê Văn Năm, người đi chung bảo: “Dừng ở đây thả lưới được rồi!”. Nói xong, chiếc ghe của anh Năm mang theo một đầu lưới đi về phía bên trái. Chiếc ghe của anh Bốn đậu tại chỗ, chị Lành cùng một người em trai tên Thành xổ lưới để chiếc ghe thứ 3 do anh Phạm Văn Minh điều khiển kéo lưới chạy thành hình vòng cung bờ bên phải và tạo thành “ma trận” để chài cá.

Năm nay “lũ kiệt” ít cá tôm, khiến đời sống của những ngư dân nghèo càng vất vả hơn.

Càng về khuya, gió càng thổi lạnh, trời không trăng nên chỉ có ánh sáng le lói của ánh đèn pin giữa đồng nước mênh mông. Được một lúc, anh Thành nhảy xuống nước trầm mình khoảng 1 tiếng đồng hồ để kéo 2 viền lưới lại gần nhau, không cho cá thoát ra ngoài. Sau khi xong nhiệm vụ, anh Thành vội vàng lên ghe đốt điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, những người còn lại hì hục kéo lưới lên ghe. Mẻ lưới đầu tiên ai cũng ngậm ngùi vì tôm cá ít ỏi. Chị Lành dùng rổ xúc cua, cá… đựng vào thùng, ước khoảng 5kg. Họ tiếp tục chài mẻ lưới thứ hai, cũng với những động tác như thế.

Nhưng lần này thì khá hơn, được khoảng 20kg tôm, cá, cua các loại. Anh Bốn bày tỏ: “Một đêm có thể chài 4-5 mẻ lưới, mà ngày nào hên thì được vài chục kilôgam, có khi được hơn 100kg. Còn nếu không, hôm nào ít cá quá thì ngậm ngùi đành lỗ tiền xăng”. Đến 2h sáng, kết thúc một đêm đánh bắt, nhóm của anh Bốn thu được gần 60kg tôm cá.

Những phận đời ở chợ cá "âm phủ”

Sau khi chài được tôm, cá, nhóm của anh Bốn đã đem chiến lợi phẩm đến chợ dưới chân cầu Tha La (huyện Tịnh Biên, An Giang) để bán cho bạn hàng. Chợ cá này được người dân gọi là chợ cá “âm phủ” vì chợ chỉ hoạt động từ 2-5h sáng. Chợ đã tồn tại hơn 12 năm nay, nhiều người dân đi đánh bắt vào mùa nước nổi ở khắp nơi trong tỉnh An Giang mang đến đây bán. Mới 3h sáng, nhưng chợ khá đông đúc. Trên bờ, nhiều bạn hàng đã rôm rả chào mua.

Nhộn nhịp chợ cá “âm phủ” lúc nửa đêm về sáng.

Dưới bờ kênh, ngoài chiếc ghe của anh Bốn, còn đến hơn 30 chiếc ghe, xuồng khác cũng đến đây bán cá. Chị Lành vội vàng xúc cá từ thùng bỏ ra thau đem lên bờ bán thu được gần 600.000 đồng, chia cho 2 người tham gia trong chuyến đánh lưới bao, anh Bốn còn giữ lại gần 300.000 đồng. “Đi đánh cá đêm tuy cực, nhưng miễn có tiền cho 2 đứa nhỏ ăn học thì vợ chồng tôi không nản. Có hôm đi đánh bắt gặp mưa to, gió lớn cũng phải quyết tâm kiếm con tôm, con cá để có tiền nuôi sắp nhỏ”, anh Bốn tâm sự. Nghe kể, chúng tôi không khỏi bùi ngùi hoàn cảnh của anh: vợ chồng đi bán cá để 2 đứa con trong căn nhà giữa đồng. “Sáng về sớm dắt đứa nhỏ đi học, mọi vất vả đều tan biến hết”, anh Bốn vui vẻ nói.

Những tia nắng đầu tiên của ngày mới in xuống dòng kênh Tha La, làm đỏ rực cả dòng sông. Cặp chiếc cầu Tha La, một người đàn ông đang nằm võng chờ kéo vó. Xa xa giữa dòng nước, vài chiếc xuồng của người dân địa phương bắt đầu đi chài lưới. Chiếc ghe của vợ chồng anh Bốn cũng rời bến, xuôi theo dòng nước về nhà sau một đêm đánh bắt vất vả. Mùa lũ, mùa đánh bắt, mùa mưu sinh của hàng trăm gia đình. Tôi chợt nghĩ, những người này sẽ sống ra sao khi những tháng ngày lũ không về

Văn Vĩnh
.
.
.