Đôi chân kỳ diệu và cái đầu biết tư duy

Thứ Bảy, 20/05/2006, 13:56

Cậu học trò thiếu 2 cánh tay đã làm được những điều mà một người bình thường, lành lặn cũng khó có thể làm được: Năm lớp 3 được dự thi và đạt giải "Vở sạch chữ đẹp", lớp 5 đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, 7 năm liền là học sinh tiên tiến và giữ chức vụ lớp trưởng.

Tôi tìm về Trường THCS Hồ Tông Thốc (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An) gặp cậu học trò Nguyễn Minh Phú là một trong "10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2005". Tiếp xúc với Phú, chúng tôi mới thấy điều kỳ diệu ở cậu học trò nghèo, tật nguyền này.

Tiếng khóc của đôi vợ chồng trẻ

Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, song gia đình anh Nguyễn Quỳnh Lộc (52 tuổi, tại Yên Thành, Nghệ An) vẫn còn mang nặng nỗi đau chiến tranh. Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, anh lại một lần nữa nhận nhiệm vụ quốc tế cao cả. Mười năm sau (1985), anh trở về quê hương với đầy thương tật trên mình.

Anh Lộc kết duyên với chị Nguyễn Thị Bình, năm 1988, niềm vui đầu tiên đến với anh chị trong căn nhà bé nhỏ khi có tiếng khóc chào đời của cô con gái đầu lòng. Tuy nhiên, đó cũng là lúc anh phát hiện ra trong cơ thể mình đang ẩn chứa thứ "chất độc hủy diệt" mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh. Những tiếng khóc của đôi vợ chồng trẻ tưởng rồi được thay bằng nụ cười khi vào năm 1993 chị Bình sinh đứa con thứ hai. Song nước mắt lại chảy tràn bờ mi của họ khi đứa con sinh ra đã không có hai cánh tay. Anh Lộc tự dằn vặt mình trong nhiều ngày liền vì nghĩ rằng, nếu biết dừng lại thì đâu đến nỗi...

Như cảm được nỗi đau của mẹ cha, đứa con tật nguyền Nguyễn Minh Phú luôn biết vượt lên số phận của mình để sống có ích cho đời. Đó cũng là niềm an ủi, là hạnh phúc lớn lao mà anh chị đáng được nhận về mình.

Điều kỳ diệu từ đôi chân

Tuổi thơ của Phú không giống như các bạn cùng trang lứa khác. Không có những buổi chăn trâu, cắt cỏ; không có những ngày chạy nhảy chơi đùa cùng bạn bè, không được chơi những trò chơi yêu thích như đá bóng, thả diều... mà phần lớn thời gian của em phải nằm điều trị trên giường bệnh. Có lúc tưởng chừng như Phú không thể vượt qua và tồn tại trên cõi đời được vì bệnh viện đã bất lực bó tay.

Năm lên 4 tuổi, ý thức được nỗi bất hạnh của mình khi không có hai bàn tay, Phú vẫn một mực đòi bố mẹ cho đi học. Nghĩ con không có tay thì làm sao mà viết được nên anh chị đành dằn lòng mình lại khuyên con ở nhà. Không nghe theo lời của cha mẹ, hằng ngày Phú vẫn thường lẻn đi xem các bạn học ở trường làng. Được một thời gian, bố mẹ Phú phát hiện thấy sự say mê học tập của con nên cũng chiều lòng và ra sức cùng con lấy chân tập viết.

Những chữ cái sơ đẳng đầu tiên được Phú thể hiện giữa sân, trên nền nhà hoặc bất cứ chỗ nào miễn là có thể viết được. Do bố mẹ phải đi làm đồng nên đa số thời gian Phú tự tập viết ở nhà. Dụng cụ để viết ban đầu của Phú không phải là những chiếc bút bình thường như các bạn, mà là những hòn than, những viên gạch đỏ được kẹp ở giữa hai ngón chân. Vì vậy, có những lúc bàn chân của Phú bị lở loét, đau rát do than, gạch đỏ ăn vào. Nhiều lúc đi làm về, thấy bàn chân của con rớm máu, anh chị Lộc - Bình lại không cầm được lòng mình đành tránh đi chỗ khác và nhìn nhau khóc!

Năm học 1999-2000, Phú bước vào lớp 1. Lúc đầu, bạn bè, các thầy, cô giáo cũng hoài nghi về khả năng theo học của Phú nhưng khi thấy em thể hiện những dòng chữ lên giấy, tất cả mới tin rằng đã có "điều kỳ diệu" xảy ra. Và từ đó đến nay, cậu học trò khuyết tật ấy đã làm được những điều mà một người bình thường, lành lặn cũng khó có thể làm được: Năm lớp 3 được dự thi và đạt giải "Vở sạch chữ đẹp", lớp 5 đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, 7 năm liền là học sinh tiên tiến và giữ chức vụ lớp trưởng; năm 2002 được dự Hội nghị "Thanh niên tình nguyện tiêu biểu vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn"... Đặc biệt, trong năm 2005, Phú lại mang về cho bản thân và gia đình nhiều thành tích xuất sắc như "Cháu ngoan Bác Hồ" 3 cấp, là đại biểu danh dự của chương trình tôn vinh "Hiệp sĩ công nghệ thông tin", được mời tham dự chương trình "Người đương thời"...

Khi chúng tôi đến thăm gia đình Phú thì hai bố con đang chuẩn bị hành lý về Thủ đô để Phú đón nhận danh hiệu một trong "10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2005" do Trung ương Đoàn bầu chọn. Chia tay chúng tôi, Phú thủ thỉ: Số phận đã lấy đi của em đôi bàn tay nhưng lại tặng cho em một đôi chân kỳ diệu và cái đầu biết tư duy

Dương Sông Lam
.
.
.