Đọc tin mới nhớ chuyện cũ 43 năm trước

Chủ Nhật, 23/11/2008, 16:55
Quá khứ Việt Nam là quá khứ hào hùng, oanh liệt, luôn luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa, biết ta, biết địch, biết đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chiến đấu và chiến thắng. Ta biết quá khứ của ta nhưng cũng phải biết cái quá khứ - cả hai mặt - nhất là phải biết trân trọng mặt tích cực, và những nghĩa cử anh hùng của phía bên kia trận tuyến. Vậy nên, tôi xin kể lại chuyện này - thuộc quá khứ của phía bên kia cách nay 43 năm vào thế kỷ trước.

Chiều 2/7/2008, khi tiếp nhóm phóng viên Báo Tiền phong, bình luận về việc Tổng thống Mỹ W.Bush cam kết: "Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…", Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Tôi đánh giá cao điều này. Nhân dịp này, tôi gửi lời chào đến Tổng thống Bush".

Về chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là thành công. Tuyên bố chung có nhiều điều rất cụ thể, rất thiết thực và rất quan trọng… Mong rằng Việt Nam tiếp tục tăng cường mối quan hệ với nhân dân Mỹ, nhìn về tương lai nhưng đừng quên quá khứ…".

(BBC. Vietnamess Com. 3/9/2008).

Lời khuyên của Đại tướng thật uyên thâm, thấm đượm quan điểm toàn diện, lịch sử và phát triển. Quá khứ Việt Nam là quá khứ hào hùng, oanh liệt, luôn luôn giương cao ngọn cờ đại nghĩa, biết ta, biết địch, biết đoàn kết tập hợp mọi lực lượng để chiến đấu và chiến thắng. Ta biết quá khứ của ta nhưng cũng phải biết cái quá khứ - cả hai mặt - nhất là phải biết trân trọng mặt tích cực, và những nghĩa cử anh hùng của phía bên kia trận tuyến. Vậy nên, tôi xin kể lại chuyện này - thuộc quá khứ của phía bên kia cách nay 43 năm vào thế kỷ trước.

Khoảng đầu năm 1965, Cục Chính trị BTL CANDVT biệt phái tôi sang buổi phát thanh Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ soạn bài, viết bài, góp phần tuyên truyền, cổ vũ về gương người tốt việc tốt, về thành tích chiến đấu, công tác của CAVT trên buổi phát thanh Quân đội nhân dân... Đó là một tập thể rực lửa chiến đấu, làm việc xông xáo hết mình, thương yêu nhau như anh em ruột thịt. "Thủ quân" là anh Ngô Thế Kỷ, tác phong điềm đạm, chững chạc, nhưng rất sắc sảo khi duyệt bài.

Pháo đài bay B52 bị bắn rơi.

Buổi sáng, bất thình lình anh gọi tôi đến phòng làm việc của anh: "Cậu chuẩn bị mai đi sân bay Nội Bài. Mọi việc mình đã gọi điện trao đổi với Ban chỉ huy Trung đoàn Không quân ở đó rồi. Các anh ấy nhất trí để Phi đội trưởng Trần Hanh phát biểu về sự kiện một thanh niên Mỹ - Noman Morixơn đã tẩm dầu tự thiêu tại khuôn viên Lầu Năm Góc, trước phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Đây là một hành động dũng cảm tuyệt vời.

Ngọn lửa tự thiêu của một thanh niên Mỹ chân chính đã thổi bùng lên ngọn lửa phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ, làm náo động cả Lầu Năm Góc, cả nước Mỹ và làm xôn xao cả dư luận tiến bộ thế giới.

Bài cần gấp nhưng vì anh Trần Hanh đang trực chiến, tinh thần rất căng thẳng, không có thì giờ để chuẩn bị bài. Mình giao cho cậu dự thảo bài này. Chiều nay, 3h mình xem lại. Nên lưu ý, anh Trần Hanh là một sĩ quan không quân, có trình độ trí thức nhất định. Bài chuẩn bị của ta phải chu đáo dù chỉ là một bản viết nháp. Cần có thời gian để anh ấy suy nghĩ, bổ sung, sửa chữa và quyết định đó là phát biểu chính thức của mình. Rồi khi ghi âm xong, mở máy để anh ấy nghe lại, sửa chữa thêm…

Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, cầm chắc 50% thắng lợi, tôi "cưỡi" chiếc ôtô Liên Xô, có gắn máy ghi âm cỡ bự cũng của Liên Xô tới sân bay Nội Bài. Không phải kiểm tra giấy tờ, sĩ quan trực ban đã chờ sẵn và đưa chúng tôi đến chiếc lều bạt của phi đội trưởng Trần Hanh, cạnh sườn chiếc MiG 17 - bạn chiến đấu của anh. Lính bay có khác. Anh xem đi xem lại bản thảo rất nhanh. Suy nghĩ lung lắm. Đánh dấu, sửa chữa những đoạn cần thiết. Rồi anh bảo tôi: "Ghi âm được rồi".

Máy chạy rất ngon. Giọng anh trong sáng, cách diễn đạt hùng hồn, tình cảm. Anh tự bỏ những chỗ cần sửa trong bản nháp và bổ sung những chỗ đánh dấu, nói vo nhưng rất logic, mạch lạc, không vấp váp. Khi nghe lại, chỉ "sửa chữa nhỏ" đôi chỗ. Anh rất thoải mái, hài lòng.

Trời cho chúng tôi cơ may thật hiếm có. Từ Sở chỉ huy phát lệnh báo động cất cánh. Chỉ một thoáng tôi không kịp nhìn, đã thấy anh Trần Hanh vào ca bin máy bay. Không biết anh lên đường nào? Người thợ máy đóng cabin và nhảy xuống nhẹ như chim. Như một con én bạc, máy bay của anh và của đồng đội lần lượt lao vun vút lên cao xanh.

Xe chúng tôi dừng lại bên Sở chỉ huy dã chiến một lát rồi về cơ quan. Anh Ngô Thế Kỷ nghe lại bài ghi âm, ký duyệt. Tôi sang ngay phòng bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam thu in. Chị Lan Hương giọng Nam Bộ đọc lời giới thiệu. Tiếp đến là phát biểu của Phi đội trưởng Trần Hanh. Đây là một chương trình rực lửa tình đoàn kết chiến đấu. Buổi phát thanh Quân đội nhân dân lúc 21h ngày 9/11/1965 bắt đầu lên sóng…

Phát biểu của đồng chí Trần Hanh, phi công Việt Nam đã bắn rơi "thần sấm Mỹ"

(Phát trong buổi phát thanh QĐND trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 21h ngày 9/11/1965)

Phi đội trưởng Trần Hanh.
Trong những ngày gần đây, cùng với sự náo nức phấn khởi đón mừng tin chiến thắng liên tiếp ở khắp nơi trên đất nước ta, chúng tôi không quên theo dõi phong trào của nhân dân Mỹ đấu tranh chống tập đoàn Giôn Xơn - Mắc Namara đang đeo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy hai cuộc đấu tranh này có quan hệ khăng khít với nhau. Những chiến thắng của nhân dân ta trên chiến trường Việt Nam thúc đẩy sự phát triển phong trào đấu tranh ở bên nước Mỹ. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ cổ vũ chúng ta chiến thắng và làm bọn xâm lược lúng túng, suy yếu.

Tôi chưa hiểu nhiều về nhân dân Mỹ. Qua báo chí, tôi biết người Mỹ chân chính đầu tiên là bà Ana Lu-i-xtrông, lúc bà sang họp hội nghị công đoàn quốc tế chống Mỹ xâm lược Việt Nam.

Nước mắt lưng tròng khi bà ôm hôn một em bé gái Việt Nam sau lúc nghe em tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đối với thiếu nhi. Rồi trên diễn đàn hội nghị, bà Ana Lu-i-xtrông đã hứa với hội nghị sẽ làm cho nhân dân Mỹ nhận rõ tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam để đấu tranh chặn tay chúng lại.

Tôi biết cụ bà Henga Hócgiơ tám tháng trước đây tự đốt mình làm rực cháy trên nước Mỹ ngọn lửa căm thù chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Tôi biết nhân dân Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi: "Quân Mỹ rút về nước, để mặc cho Giônxơn đi đánh nhau".

Và gần đây, trong ngày "Quốc tế phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam" trong 60 thành phố khắp nước Mỹ đã có trên 10 vạn nhân dân Mỹ tham gia đấu tranh. Con số đó đại diện cho dư luận của đông đảo nhân dân Mỹ phản đối Chính phủ Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược ở Việt Nam và càng chứng tỏ rõ ràng rằng chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã bị đánh ngay từ sân nhà của chúng.

Cũng trong phong trào đấu tranh này, tôi rất khâm phục hành động dũng cảm của anh Đavít Milơ, bất chấp cả phạt tù, phạt tiền - đã đốt thẻ động viên đi lính của Chính phủ Mỹ. Nhìn tấm ảnh của anh đăng trên báo nhân dân với nét mặt điềm tĩnh, tự tin, tôi có ý nghĩ không phải Đavít đốt thẻ động viên đi lính mà chính anh đã đốt cái "Đạo luật 30-8" của bọn tài phiệt Mỹ nhằm bắt thanh niên Mỹ đi chết cho túi tham của chúng. Rồi còn biết bao nhiêu thanh niên Mỹ đã, sẽ làm như Đavít Milơ…

Đang theo dõi phong trào này thì ngày 3/11/1965, tôi được đài của ta đưa một tin vô cùng xúc động:

- Anh Moman Morixơn - một thanh niên Mỹ đã tự thiêu để phản đối bọn cầm quyền Mỹ đang tiến hành chiến tranh xâm lược ở Việt Nam!

Tôi được biết Morixơn đã có vợ và 3 con nhỏ. Gia đình anh sống rất hạnh phúc. Anh đã hai lần tham gia đoàn người đi biểu tình trước Bộ Quốc phòng Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và lần này - dũng cảm tuyệt vời - anh đến tự thiêu trước Bộ Quốc phòng Mỹ!

Trong trí tưởng tượng của tôi hằn sâu mãi hình ảnh Morixơn, tay bế cháu nhỏ 18 tháng tuổi, tay xách thùng dầu, chờ đến lúc hàng nghìn nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ tan việc ra về, anh đặt cháu nhỏ ở nơi an toàn, rồi đến trước cửa sổ phòng làm việc của tên trùm đao phủ Mắc Namara, tẩm dầu tự đốt mình!

Tôi đã có vợ, có con, nên tôi hiểu được phần nào nỗi lòng của Morixơn lúc đó. Ở trong anh có tiếng gọi âu yếm của người vợ và tiếng gọi nũng nịu của những đứa con thơ. Nhưng có một tiếng gọi khác lớn hơn, có sức mạnh về sức thuyết phục cao cả hơn: Đó là tiếng gọi của chính nghĩa, tiếng gọi vì danh dự của nước Mỹ: "Hãy chặn bàn tay đẫm máu của bọn giết người", tiếng gọi vì tình hữu nghị giữa nhân dân Mỹ với nhân dân Việt Nam!

Ngọn lửa Morixơn đã rực cháy! Ngọn lửa đó đã nhóm lên từ ngọn lửa Henga Hécgiơ, bừng bừng khí thế đấu tranh quyết liệt, đồng thời chứa đựng nội dung tư tưởng sâu sắc của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngọn lửa Morixơn làm tôi nhớ đến phong trào của nhân dân Pháp chống bọn thực dân Pháp đã xâm lược Việt Nam trước đây, và nghĩ rằng, lịch sử đã diễn lại những Raymôngđiêng, Hăng-ri Máctanh của nước Mỹ trong thời đại ngày nay. Và ngọn lửa đó càng nung nấu lòng tin của tôi, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ không có một kết thúc nào khác ngoài sự thất bại nhục nhã như bọn thực dân Pháp ngày trước vậy.

Là một cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam trong Quân chủng Không quân, tôi đã nhiều lần trực tiếp chiến đấu với máy bay Mỹ và đã hạ được "thần sấm Mỹ", những lần chiến đấu trước đây, tôi đã chiến đấu bằng sức mạnh của lý tưởng, của lòng yêu Tổ quốc và lòng căm thù địch đã gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Những lần chiến đấu sau này, tôi còn có thêm sức mạnh của anh Morixơn nên quyết cùng anh em đồng đội bắn hạ máy bay của giặc Mỹ xâm lược nhiều hơn nữa.

Nhân dịp này, tôi xin gửi đến chị Morixơn lòng kính phục sâu sắc của một phi công quân đội nhân dân Việt Nam trước sự hy sinh cao cả của anh Morixơn cho cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ.

* Hiện nay, đồng chí Trần Hanh là Trung tướng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Trần Liêu (Nguyên Tổng Biên tập Báo CAND)
.
.
.