Độc đáo lễ hội đập trống

Chủ Nhật, 28/02/2010, 16:15
Đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, sau Tết Nguyên tiêu, bản làng của đồng bào Ma-coong ở xã vùng cao Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lại rộn ràng không khí chuẩn bị cho lễ hội đập trống.

Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, mang đậm bản sắc của người dân Ma coong - một tộc người đã từng sống lay lắt ở vùng núi xa xôi, heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn. Từ trong cuộc sống đầy khó khăn gian khổ, đói rét và chịu sự đe dọa của thú dữ, của nhiều thế lực siêu thiên nhiên, người dân Ma coong đã sáng tạo ra những giá trị tinh thần bền vững.

Truyền thuyết kể rằng, xưa lắm rồi, thuở ấy con người cần cù làm rẫy, làm nương, nhưng đến mùa thu hoạch, ngô lúa lại bị loài khỉ cướp mất. Khỉ có một cái trống thần và mỗi lần khỉ đánh trống thì ngô lúa từ ngoài đồng đua nhau chạy về nhà khỉ. Con người đã tìm cách lấy trống thần của khỉ. Không có trống, khỉ không còn cướp ngô, lúa của người được nữa. Còn người đánh trống để cầu lúa ngô về đầy nhà mình.

Còn theo các già làng thì, ngày xưa nơi đây núi rừng heo hút và nhiều thú dữ. Người Ma coong sống rải rác dọc dãy Trường Sơn, phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và với thú dữ nên họ cần có cộng đồng. Tiếng trống sẽ xua thú dữ, xua đi sự sợ hãi và kêu gọi những người Ma coong anh em đoàn kết cùng nhau chống chọi với thiên nhiên.

Lễ hội đập trống được tổ chức sau Tết Nguyên tiêu, khi bà con vừa thu hoạch mùa màng xong và chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới cũng mang ý nguyện cầu mùa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, ngô, lúa đầy đồng, tôm cá sinh sôi…

Để bắt đầu lễ hội, người dân Ma coong phải chuẩn bị công việc quan trọng đó là làm trống. Chỉ vào cái trống đang làm, ông Đinh Cửu, bản Cà Roòng 1 cho biết: Cái trống này làm từ năm ngoái, trước đó có một cái trống bị đập bể, giờ thay lại da mới. Năm trước làm thịt bò, lấy da phơi khô, bỏ da cũ, thay da mới cho trống.

Để làm được cái trống hội, những người đàn ông phải vào rừng kiếm cho được cây gỗ Bộp để làm tang trống. Gỗ Bộp bền, không bị nứt nên tang trống có thể dùng được trong nhiều năm. Còn mặt trống phải thay mỗi năm một lần nên từ Tết năm trước, dân bản đã mổ bò, lấy da, phơi khô để làm mặt trống. Trống đánh càng lâu bể, lễ hội càng kéo dài, càng vui. Vì vậy mà phải chọn con bò già để làm thịt, bò càng già da càng tốt. Thường thì bò phải 12 năm tuổi trở lên mới đạt yêu cầu. Riêng làm mặt trống phải có 6 người đàn ông khỏe mạnh, làm trong 2 ngày mới xong.

Sau khi bịt da trống xong, họ dùng dây mây kéo căng mặt trống. Dây mây được luộc rất công phu; phải cho nước thấm đều, đảm bảo độ bền và dẻo để khi kéo căng không bị đứt. Tiếp đó người ta dùng những đoạn tre để chêm vào dây néo. Tre cũng phải chọn cây già, có độ cứng. Cái trống hội sau khi làm xong có hình một quả cầu gai. Công đoạn cuối cùng là những người làm trống phải hoàn tất là lấy miếng da cũ bịt kín mặt trống mới và treo trống lên. Chỉ có già bản mới được kiểm tra, dân làng không ai được đụng vào mặt trống cho đến giờ khai cuộc.

Công việc chuẩn bị tiếp theo cho lễ hội thuộc về những người phụ nữ. Đồ cúng ngoài thịt gà, xôi, cá còn có thêm món chả được làm từ bắp chuối rừng. Các cô gái sau khi phụ mẹ làm bếp xong thì lo chuẩn bị váy áo để đi hội.

Già bản Đinh Keo cũng xúng xính váy áo. Ông là linh hồn của lễ hội. Năm nay, già bản Đinh Keo đã tròn 84 mùa rẫy và ông có trên 40 năm tuổi Đảng. Ông là niềm tự hào của đồng bào Ma coong. Ông tâm sự: "Lễ hội này là lễ hội lớn của dân tộc. Không tổ chức được lễ này là nó bị mất mùa, bị mót, bị úng, bị cái này, cái khác. Khi trỉa rẫy được mùa dân bản nói là do sử dụng tập quán này, mất mùa thì họ nói là do không có đập trống".

Mặt trời chưa khuất núi, đồng bào ở khắp 18 bản trong vùng đã nô nức kéo về bản Cà Roòng 1, nơi sẽ diễn ra lễ hội đập trống. Bà con là đồng bào Ma coong từ nước bạn Lào phải đi từ sáng sớm. Các bản xa như Cồn Roàng, A Ki, Cờ Đỏ phải đi bộ hơn nửa ngày đường mới tới nơi. Khi mặt trời vừa tắt, trăng lên cũng là lúc lễ hội bắt đầu.

Lễ hội đập trống đã trở thành linh hồn của người Ma coong. Hàng năm, cứ đến ngày 20 tháng 4 âm lịch, khi mùa trỉa rẫy kết thúc, một khúc trên con sông A Ki chảy quanh bản được lấy làm sông cấm. Trên khúc sông ấy, không ai được phép bắt cá. Trước ngày diễn ra lễ hội đập trống, chỉ già làng được đánh cá trên khúc sông đó để mang về cúng Giàng. Nếu ai vi phạm thì bị phạt 2 đôốc rượu, 1 con heo …

Lễ tế được diễn ra hết sức linh thiêng. Chủ lễ ngoài già làng Đinh Keo còn có ông Mờ Năng ở bản Cốc và ông Cả ở Arem. Đó là những người đại diện cho 3 dòng họ đầu tiên đặt chân đến vùng đất này.

Lời tế của già bản Đinh Keo rằng: "Khấn mời Giàng, mời con ma Mót về ăn nắm xôi, uống rượu cần, coi lễ hội để phù hộ cho người Ma coong được mùa, được cái ăn sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như suối trước bản. Mời về, mời về".

Ngày xưa, theo tập tục của người Ma coong, chỉ thanh niên nam nữ và đàn ông mới được đập trống. Phụ nữ đã có chồng không được đập trống. Nhưng ngày nay, tập tục đó được bãi bỏ. Không phân biệt nam nữ, chủ khách, bất cứ ai tham gia lễ hội nếu thích cũng có thể vào đập trống. Đêm càng về khuya, không khí của lễ hội càng nóng lên. Lúc này, ai cũng nói là "Vui lắm trời ơi! Sướng lắm trời ơi!".

Lễ hội đập trống là sự tôn vinh sức mạnh, tinh thần đoàn kết, ý chí và khát vọng sống mãnh liệt của người dân Ma coong. Lễ hội đập trống đã được người dân Ma coong lưu giữ từ đời này sang đời khác. Đó là điều rất đáng trân trọng

Trần Ánh
.
.
.