Doanh nhân Đài Loan mang chổi đót Việt Nam ra thế giới

Thứ Năm, 18/01/2007, 09:22
Đến Việt Nam như một cơ duyên, hơn 15 năm, Eric Wang (người Đài Loan) xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Wang cưới vợ, sinh con và mở cơ sở sản xuất chổi đót ở Quảng Nam rồi tìm đường xuất hàng ra Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu.

Năm 1991, Eric Wang đến Việt Nam để du lịch, những ngày lang thang ở các tỉnh vùng cao miền Trung, Wang nhận thấy những mặt hàng và nguyên liệu sẵn có ở đây nếu biết khai thác tốt sẽ đưa lại nguồn thu nhập giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.

Nghĩ là làm, Eric Wang đến các huyện núi cao như Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên - Huế) mua vải thổ cẩm rồi đem về nước bán. Một thời gian sau, những buổi sáng lân la đến các phiên chợ quê, thấy nhiều khách du lịch Nhật Bản, Đức... cầm từng chiếc chổi đót rồi thầm thì thán phục và thích thú. Chỉ từng đó thôi cũng đủ để Eric Wang suy nghĩ rồi đổi nghề buôn bán.

Tình yêu bên bờ sông Hàn

Tìm hiểu kỹ, Wang càng ngạc nhiên hơn khi thấy hầu hết phụ nữ nông thôn ở các huyện miền núi Quảng Nam đều biết làm chổi. Cây đót để làm chổi và cây nứa để làm cán chổi thì thiên nhiên các tỉnh miền núi ưu đãi nhiều vô kể. Ý tưởng mở cơ sở sản xuất chổi đót nhen nhóm trong Wang. Nhưng rồi hàng loạt câu hỏi đặt ra làm Eric Wang mất ăn, mất ngủ: Wang là người nước ngoài, nói tiếng Việt chưa chuẩn, các thủ tục để mở cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thế nào...?

Phải mất gần chục năm sau, khi đã bôn ba nhiều nơi trên thế giới, Wang quyết định quay trở lại Việt Nam để thực hiện ý tưởng của mình. Quay trở về các phiên chợ quê núi cao miền Trung, Wang thấy cuộc sống của người dân đã hoàn toàn thay đổi. "Nhìn vào phiên chợ quê, tôi biết người dân đã sung túc hơn nhiều" - Wang nhận xét.

Những ngày xuống Đà Nẵng để dò hỏi các thủ tục mở cơ sở sản xuất, Wang gặp chị Nguyễn Thị Kim Thoa. Những bất đồng về tập quán, những khó khăn khi giao tiếp dần bị xóa bỏ khi ngọn lửa tình yêu gắn kết họ lại với nhau. Eric Wang đem suy nghĩ mở cơ sở sản xuất chổi bàn với vợ, vợ gật đầu cái rụp và họ bắt tay vào thực hiện ước mơ.

Làm được chổi thì dễ, nhưng làm chổi để đáp ứng đúng kỹ thuật, chất lượng để xuất khẩu lại là trở ngại với nhân công vốn chỉ quen chân lấm, tay bùn.

Những ngày đầu, hai vợ chồng Wang lân la đi học cách làm khắp các cơ sở làm chổi để rút ra kinh nghiệm cho mình. Cứ vậy, chỉ trong vòng ít tháng sau, hàng trăm ngàn chiếc chổi của họ đã có mặt ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan và châu Âu.

Chọn mặt hàng hội nhập WTO

Ngày Việt Nam gia nhập WTO, Wang cười nói với hơn 100 công nhân của mình: "Chổi đót Phong Bắc đã gia nhập WTO rồi đó". Theo Eric Wang, khi đã xác định vào làm ăn chung với thị trường thế giới, các cơ sở sản xuất dù nhỏ nhưng biết tìm lối đi riêng như lựa chọn mặt hàng để sản xuất, nắm bắt tốt thị trường lại dễ sinh lãi và ít gặp rủi ro trong kinh doanh.

Chữ tín trong kinh doanh, trong làm việc luôn được Wang nhắc nhở các công nhân của mình: "Yêu cầu mẫu mã và chất lượng để xuất khẩu ở chổi đót đòi hỏi rất cao. Đối tác cầm chiếc chổi quét thử, chỉ cần rớt ra vài sợi bông họ sẽ lập tức trả lại toàn bộ lô hàng".

Cơ sở sản xuất chổi đót Phong Bắc của vợ chồng Eric Wang đóng tại phường Cẩm Lệ, Đà Nẵng, trên một diện tích không lớn nhưng với doanh thu hàng năm gần 10 tỷ đồng, Wang đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động là chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết thêm: "Toàn bộ chị em công nhân đều thuộc 2 xã Hòa Phong và Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang và phường Hòa Thọ Tây. Lương được tính theo sản phẩm chị em làm ra, bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Và thời gian làm việc rất linh hoạt, nếu có việc cần hay gặp mùa gặt, chị em đăng ký để nghỉ và cơ sở tự sắp xếp để sản xuất".

Điều làm cho Eric Wang buồn khi tâm sự với chúng tôi là: Hiện trên thị trường xuất hiện những chiếc chổi có mẫu mã như của cơ sở Phong Bắc nhưng chất lượng kém. Nguyên nhân do một số người đến cơ sở Phong Bắc làm việc, sau một thời gian đã bỏ ra ngoài tự nhái lại mẫu mã, mạo thương hiệu Phong Bắc để bán ngoài chợ.

Việc làm thủ tục đăng ký bản quyền mẫu mã kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm chổi đót cũng không dễ. Bởi vì chổi đót xuất khẩu làm theo yêu cầu của đối tác, từ kích thước đến màu sắc do đối tác chọn cho từng lô hàng...

Tuy nhiên, Wang cho biết, sắp tới chổi đót Phong Bắc cũng đưa ra một số kiểu cơ bản để làm thủ tục đăng ký độc quyền. Hiện nay cơ sở sản xuất chổi đót của Eric Wang đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Sở Công nghiệp Đà Nẵng mở các lớp đào tạo làm chổi cho chị em thuộc các xã khó khăn của huyện Hòa Vang để tạo việc làm cho họ khi cơ sở Phong Bắc mở rộng xưởng sản xuất và thị trường tiêu thụ

Sông Lam
.
.
.