Cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng:

Doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau

Thứ Bảy, 23/04/2011, 13:03
Cảng cá Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu (Nghệ An) đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Đã từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân nơi đây phải chịu đựng sự "hành hạ" của cảng cá này...

Người dân khốn đốn

Cảng cá Lạch Vạn là một trong ba đơn vị của BQL cảng cá Nghệ An (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An), cảng này có diện tích khoảng 8ha, hằng ngày đón khoảng 50 cặp tàu thuyền ra vào nhập cá cho hàng trăm tiểu thương buôn bán rất tấp nập tại khu vực cảng này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với lượng tàu cá như trên nên số lượng rác thải rất lớn, chủ yếu là túi nilon.

Hơn nữa, mùi hôi thối của cá khiến cho không khí tại khu vực này hết sức ngột ngạt, bao trùm toàn bộ khu dân cư xóm Đông Lộc, Đồng Lập... Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân hai xóm nói trên và nhiều xóm lân cận cảng cá thì nhiều năm nay họ phải sống trong môi trường bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Khi thấy chúng tôi có mặt, rất nhiều ngư dân "trình bày" với vẻ rất bất bình: “Chúng tôi sống bằng nghề đi biển, cuộc sống lênh đênh, trôi nổi khắp mọi nơi nhưng hằng ngày vẫn quy tụ tại cảng cá này. Đã từ nhiều năm nay cảng cá này không có hệ thống xử lý rác thải nên mỗi lần tàu thuyền về đổ cá, ngư dân và những người buôn bán hải sản đều xử lý tại chỗ. Hơn nữa, mỗi khi tàu thuyền về nhập cá là một lượng nước thải rất lớn lênh láng khắp khu vực dành cho các hộ kinh doanh, tan chợ là nhân viên vệ sinh cảng cá lại xịt nước tẩy rửa để đẩy chất xú uế trực tiếp xuống Lạch Vạn khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng".

Rác thải sinh hoạt, rác thải chợ cá đổ xuống lạch gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quan sát của chúng tôi khu vực ngoài khuôn viên quản lý của cảng cá, tình hình ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn. Rác thải của ngư dân, rác sinh hoạt của người dân đều tập trung đổ tại khu vực sát hàng rào bảo vệ của cảng cá tràn xuống lạch nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối. Đặc biệt tại khu vực này xuất hiện 3 nhà máy.

Đó là Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản xuri Việt Trung - Nhà máy sản xuất bột cá và đơn vị chế biến cá phi lê được Cảng cá Lạch Vạn cho thuê đất sản xuất; Công ty Thủy sản Diễn Châu - Nước mắm Vạn Phần không phải thuê đất cảng cá. Theo phản ánh, cả ba đơn vị nói trên đều không có hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ nước thải được xả thẳng xuống lạch tại một cống chung khiến cho nguồn nước tại lạch bị chuyển màu, bốc mùi hôi thối, cá chết nổi hàng loạt...

Bèo, rác nổi lềnh bềnh trong cảng cá Lạch Vạn.

Doanh nghiệp đổ lỗi cho nhau

Ông Trần Văn Bảy, ngư dân tại Lạch Vạn, chỉ tay về hướng ống xả thải thở dài: "Các chú thấy đó, nước thải cứ chảy cả ngày lẫn đêm thế này thì không ô nhiễm sao được? Trước đây từng đàn cá bơi sát bờ kiếm ăn nhưng giờ không có con nào dám đến gần, số khác bị chết vì ô nhiễm. Mùa ni còn đỡ chứ mùa hè gió Nam thổi là ngư dân chúng tôi bị mùi hôi thối "hành" cho ra bã...".

Ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty Thủy sản Diễn Châu - Nước mắm Vạn Phần lại đổ lỗi cho Công ty Việt Trung: "Chúng tôi chỉ sản xuất mắm tôm nên không có nước thải, chỉ có vài lít nước rửa tay của công nhân thôi. Còn người dân phản ánh là do Trung Trinh gây ra thôi (Công ty Việt Trung - PV)"(!?).

Ông Đậu Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Thực trạng ô nhiễm ở Diễn Ngọc người dân phản ánh là có cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi gặp cái khó là không được quản lý trực tiếp vì cảng này thuộc bên Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An quản lý. Hơn nữa, cảng cá Lạch Vạn thu lợi nhuận lớn nhưng lại bỏ ra rất ít kinh phí để vệ sinh môi trường".

Trưởng phòng TN&MT huyện Diễn Châu, ông Lê Văn Thuận cho biết: "Vấn đề ô nhiễm ở cảng cá Lạch Vạn nhức nhối từ bấy lâu. Thế nhưng để xử lý là rất khó khăn vì cảng này do BQL cảng cá Nghệ An quản lý và thu phí, riêng xã chỉ là người "đứng mũi chịu sào". Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, bên BQL cảng cá nên có sự phối hợp hài hòa với xã thì mới mong ngăn chặn được hiện tượng xả rác thải, nước thải xuống lạch".

Nói như vậy có nghĩa là để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm ở cảng cá Lạch Vạn vẫn còn rất nan giải, trong khi các đơn vị gây ô nhiễm lại đổ lỗi cho nhau. Hàng trăm hộ dân xóm Đông Lộc, Đồng Lập và nhiều xóm sống gần cảng cá Lạch Vạn đang ngày đêm sống chung với ô nhiễm nguồn nước và không khí rất nghiêm trọng

Tùng Nguyễn
.
.
.