Việc chuyển rừng sang trồng cây cao su ở Đắk Lắk:

Doanh nghiệp đắc lợi, rừng xanh mất dần

Thứ Ba, 25/05/2010, 09:38
Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở Tây Nguyên là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Trong năm 2008 và 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 6 quyết định giao đất cho các đơn vị, doanh nghiệp với tổng diện tích 4.524ha thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Chư Phả và Công ty Lâm nghiệp Ea Hleo, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk, thực hiện các dự án trồng cao su.

Đáng nói là trong diện tích giao cho các đơn vị chuyển đổi trồng cao su có cả diện tích đất dự kiến quy hoạch của UBND các xã, một số diện tích đất của người dân canh tác từ lâu năm, có diện tích không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng trồng cây cao su, hoặc có mật độ cây rừng dày đặc chứ không phải rừng nghèo…

Đi sâu vào những cánh rừng tươi tốt ở Ea Hleo, Đắk Lắk hôm nay ai cũng cảm thấy đau xót và tiếc lắm. Một người dân ở địa phương tâm sự: "Rừng ở đây không phải rừng nghèo". Việc UBND tỉnh Đắk Lắk giao thẳng những dự án chuyển rừng sang trồng cao su cho các doanh nghiệp: Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk (2 dự án), Công ty Thuận Thiên, Công ty Đắc Nguyên, Công ty Hoàng Nguyễn… là một sự ưu ái lớn mà không ai dễ "nhảy" vào xin được.

Bởi thực tế, để mua được một hécta đất trồng cây cao su giá không dưới 50 triệu đồng, nhưng ở đây các doanh nghiệp được cấp đất dài hạn nên thật tiện lợi. Theo báo cáo đến cuối tháng 1/2010 đã có 3 doanh nghiệp được triển khai 4 dự án gồm Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk (2 dự án), Công ty Thuận Thiên và Công ty Đắc Nguyên (mỗi đơn vị 1 dự án) nhưng đã xảy ra mâu thuẫn tranh chấp nghiêm trọng với các hộ dân địa phương.

Từ thực tế bức xúc này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế việc triển khai các dự án và nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân địa phương bức xúc.

Ngoài các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương, còn có những bất cập khác như quá trình triển khai xây dựng, thẩm định dự án không có sự bàn bạc, lấy ý kiến tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Việc "đi tắt" từ trên này đã mắc phải những bất cập từ thực tế cơ sở khi triển khai dự án và dẫn đến tranh chấp với người dân.

Đáng nói nữa là dự án trồng cao su tại tiểu khu 7, 11 và 14 của Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk, các thành viên hội đồng thẩm định đã lưu ý nhiều về căn cứ pháp lý của dự án, tình trạng tranh chấp đất đai đang rất nóng tại địa phương và việc quy hoạch diện tích đất sản xuất cho các hộ thiếu đất khi triển khai dự án nhưng các ý kiến đó chưa được những người có trách nhiệm quan tâm giải quyết một cách thấu tình đạt lý.

Còn dự án của Công ty Hoàng Nguyễn khi họp hội đồng thẩm định đã kết luận yêu cầu phải thực hiện đúng tinh thần Thông tư 39/2008/TT-BNN ngày 3/3/2008 về hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng báo cáo thẩm định của dự án này lại không đề cập tới tiêu chuẩn về trữ lượng gỗ đối với diện tích đất có rừng.

Mặt khác, khi thu hồi đất của người dân, doanh nghiệp thỏa thuận hỗ trợ kinh phí khai hoang và cam kết tuyển lao động vào làm công nhân cao su nhưng phần lớn các hộ dân không chấp nhận vì không đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển dụng mà doanh nghiệp đưa ra.

Ngược lại, những diện tích đất đồng bào canh tác hàng chục năm, trồng cây nông nghiệp dài ngày giá trị lớn nhưng doanh nghiệp không chịu đền bù thỏa đáng. Phía Công ty Lâm nghiệp Chư Phả thì cho rằng, việc giao rừng như trên để chuyển đổi trồng cao su là bất cập vì phần lớn rừng xanh tốt, chỉ có khoảng 30% là rừng nghèo.

Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su là một chủ trương lớn của Chính phủ với ý nghĩa cao cả nhằm phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên.

Vì vậy việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ yêu cầu các địa phương cần phải chấp hành đúng pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng thực hiện dự án để trục lợi cá nhân

Ngọc Như
.
.
.