Diện mạo mới cho cơ chế "một cửa"

Thứ Sáu, 08/12/2006, 15:13

Bộ Nội vụ trong tháng 12/2006 sẽ trình Thủ tướng đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định 181/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế "một cửa". Theo đó, cơ chế này sẽ được triển khai ở tất cả mọi cấp, mọi ngành.

Theo đề án của Bộ Nội vụ, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã đều phải tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa". Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm vùng miền, cơ chế "một cửa" sẽ được tổ chức thực hiện cho phù hợp với một số huyện, xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên cơ sở công khai các thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian làm việc của cán bộ, công chức theo quy định.

Đãi ngộ để thu hút cán bộ làm "một cửa"

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số điều trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 181/QĐ-TTg, quy định rõ chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức làm việc tại "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả", chế độ tài chính đặc thù cho thực hiện cơ chế "một cửa" ở các cấp chính quyền và chế độ khen thưởng cũng như kỷ luật đối với cơ quan, đơn vị và cá nhân có hành vi cản trở hoặc không thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Thang Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, cho biết, sẽ phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, không để tình trạng đùn đẩy việc. "Một cửa sẽ trở thành công cụ phục vụ dân tốt nhất, đó là mục tiêu của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ".

Với mục tiêu đó, theo ông Thang Văn Phúc, đội ngũ cán bộ làm ở bộ phận "một cửa" cũng sẽ được tuyển chọn lấy những cán bộ tinh hoa, giỏi nhất. Để những cán bộ "chất lượng cao" này yên tâm phục vụ "một cửa", chế độ đãi ngộ cho họ cũng sẽ được quan tâm chú trọng. Thực tế, tuy hiện nay chưa có cơ chế chung, nhưng một số địa phương đã chủ động tạo sự đãi ngộ riêng để động viên, khuyến khích cán bộ tham gia, làm tốt công việc.

Ông Thang Văn Phúc cho biết, trước mắt sẽ đề xuất Chính phủ quyết định cho cán bộ ở bộ phận "một cửa" hưởng chế độ phụ cấp. Ngoài ra, cũng sẽ hoàn thiện dần cơ cở vật chất, phương tiện làm việc hiện đại đáp ứng yêu cầu mới về cải cách "một cửa", tiến tới thực hiện "một cửa" liên thông ở nhiều ngành, nhiều cấp.

Và kỷ luật nghiêm

Cơ chế "một cửa" được triển khai thí điểm và nhân rộng trong 3 năm qua theo Quyết định 181/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giảm được nhiều phiền hà cho tổ chức, công dân. Thay vì phải "gõ" nhiều cửa, tiếp xúc nhiều đầu mối hành chính để giải quyết việc thì người dân chỉ cần đến "Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" để đưa ra yêu cầu và chờ nhận kết quả.

Cán bộ "một cửa" sẽ có trách nhiệm phối hợp với các đầu mối hành chính liên quan để giải quyết việc theo yêu cầu của tổ chức, công dân trong phạm vi thời gian đã được quy định và niêm yết công khai.

Nhưng bên cạnh đó cũng còn những tồn tại. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng xác định: Một trong những giải pháp để đẩy mạnh việc này là cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý, chấn chỉnh những hành vi, thái độ trì trệ, không thực hiện, thậm chí cản trở cơ chế "một cửa" vì lợi ích cục bộ. Một số địa phương cũng đã đề ra kỷ luật rất nghiêm, cán bộ "một cửa" nào bị dân phàn nàn, đều bị xem xét trách nhiệm, nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật.

Theo ông Phúc, tới đây Bộ Nội vụ sẽ tổ chức thanh tra công vụ giám sát, xử lý thật nghiêm để "một cửa" thực sự là công cụ đắc lực và hiệu quả phục vụ dân

Bá Tuấn
.
.
.