Điểm di tích Đặng Thuỳ Trâm sắp "trống trải"

Thứ Năm, 19/04/2007, 19:02

Rừng khu Đông huyện Ba Tơ đang từng ngày bị "chảy máu". Cứ theo đà này, không bao lâu nữa nguồn rừng tại điểm di tích Đặng Thùy Trâm sẽ bị bọn lâm tặc khai thác cạn kiệt.

Qua nguồn tin của một số người dân ở huyện Ba Tơ cung cấp, chiều 15/4, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng phòng hộ Liệt Sơn thuộc xã Ba Trang và xã Ba Khâm.

Từ thi nhau chặt phá rừng

Trên tuyến đường từ xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ đi qua 2 xã Ba Khâm, Ba Trang, huyện Ba Tơ, phải vượt qua hàng chục con dốc và đèo, chúng tôi bắt gặp nhiều lối đường mòn do lâm tặc kéo gỗ tạo nên.

Ngoài những gốc cây nằm lại trơ trụi có đường kính từ 60 đến 70cm đã bị lâm tặc khai thác trước đó, còn có giàn giáo kê xẻ gỗ của lâm tặc  sót lại. Bọn chúng lựa những loại cây tốt như chò, lim… có đường kính lớn và già thì cưa lấy gỗ, còn những thân cây có đường kính nhỏ trả về với rừng.  

Đang có mặt tại thôn Nước Đan, bất ngờ chúng tôi phát hiện tiếng cây gỗ bị đốn ngã vang dội cả một góc rừng. Lén tìm đến khu vực có cây đổ thì chứng kiến tận mắt hơn chục người đang tổ chức đốn hạ các loại cây gỗ. Nhiều cây lớn bị đốn ngã tiếp tục đè gẫy hàng loạt cây lớn nhỏ khác. Xác cây gỗ còn lá xanh nằm la liệt cả một vùng rộng lớn.

Nhìn từ xa, trông khu rừng già thật nham nhở, bị bọn phá rừng khoét nhiều lỗ trống hoác, lởm chởm. Phát hiện chúng tôi sử dụng camera ghi hình, những người phá rừng này vẫn tiếp tục công việc đốn hạ cây, bình thản như không hề có sự hiện diện của người lạ mặt.

Một góc rừng bị chặt phá.

Đến... xưởng gỗ trong rừng

Trong lúc tác nghiệp tại khu vực rừng thôn Đồng Răm 2, xã Ba Khâm, chúng tôi phát hiện một xưởng gỗ trang bị nhiều loại máy cưa lớn hoạt động rầm rộ suốt ngày của một người dân ở huyện Đức Phổ.

Thắc mắc điều này thì được ông Trần Công Sương - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: Đó là xưởng gỗ được chính quyền huyện Ba Tơ cấp giấy phép hoạt động hẳn hoi nên ông đành phải… chịu.

Ông Sương bộc bạch: "Việc các cơ quan chức năng cho phép xưởng cưa này hoạt động đã gây nhiều khó khăn cho Công ty Lâm nghiệp trong việc bảo vệ quản lý rừng khu Đông".

Tìm hiểu sâu hơn về xưởng cưa này thì một người dân tên C. ở thôn Đồng Răm 2 cho biết, đa số gỗ trong xưởng cưa đều được ông chủ mua lại từ những tên lâm tặc khác. Sau đó đem về xưởng cưa xẻ ra thành sản phẩm gỗ theo kích cỡ.

Với việc hình thành một xưởng gỗ giữa rừng, không hiểu sao chính quyền huyện Ba Tơ lại cấp giấy phép cho xưởng gỗ này hoạt động?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc quản lý, xử lý khi gỗ rừng của Công ty Lâm trường Ba Tơ quản lý lại được tuồn vào xưởng cưa ở thôn Đồng Răm 2, ông Sương giãi bày: Nếu gỗ đang vận chuyển trong phạm vi thuộc Công ty quản lý thì cán bộ, nhân viên các trạm sẽ bắt giữ, điều tra số gỗ trên. Vì vậy số gỗ nằm trong xưởng cưa trên Công ty Lâm trường không có quyền vào xưởng kiểm tra. Chỉ có lực lượng Kiểm lâm mới có quyền vào xưởng kiểm tra.

Như vậy, gần một năm nay, xưởng gỗ hoạt động rầm rộ cưa xẻ suốt cả ngày, nhưng Công ty Lâm nghiệp  chỉ thấy gỗ liên tục xuất hiện trong xưởng chứ không biết gỗ nhập vào xưởng bằng cách nào để mà bắt, kiểm tra? Còn lực lượng Kiểm lâm Ba Tơ trong một thời gian dài vẫn không tìm thấy sự mờ ám của cái xưởng gỗ giữa rừng. Điều này cũng dễ hiểu vì sao "máu rừng" vẫn chảy về xuôi!

… Và lời cầu cứu từ di tích Đặng Thùy Trâm

Rừng khu Đông huyện Ba Tơ đang từng ngày bị "chảy máu", trong đó có rừng đầu nguồn Liệt Sơn. Điều đặc biệt, khu vực rừng phòng hộ Liệt Sơn đang bị tàn phá nằm vị trí cùng thôn Nước Đan, xã Ba Trang, nơi nữ liệt sỹ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm hoạt động cách mạng và hi sinh.

Cứ theo đà này, không bao lâu nữa nguồn rừng tại điểm di tích Đặng Thùy Trâm sẽ bị bọn lâm tặc khai thác cạn kiệt.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng huyện Ba Tơ phải vào cuộc, ngăn chặn tình trạng rừng khu Đông đang bị tàn phá nghiêm trọng, đồng thời nghiêm trị thích đáng những kẻ tham gia lấy máu rừng.

Có như thế mới giữ được rừng phòng hộ Liệt Sơn, giữ được tấm lá chắn đã bao đời ngăn chặn lũ nguồn, giữ nguồn nước hồ Liệt Sơn phục vụ tưới tiêu hoa màu cho người dân huyện Đức Phổ. Và chắc chắn lòng chị Trâm trong lòng đất Nước Đan sẽ trở nên ấm áp hơn…

Thành Sự
.
.
.