"Dịch vụ trọn gói" thi bằng lái xe

Thứ Hai, 01/08/2011, 16:45
Lợi dụng tâm lý ngại làm hồ sơ, thủ tục, sợ thi trượt… của một số người có nhu cầu lấy bằng ôtô, xe máy nên các đối tượng đã tung ra đủ các loại dịch vụ để móc túi khách hàng. Một trong những nguyên nhân khiến cho "dịch vụ" này có chiều hướng "lây lan" và phát triển chính là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, sát hạch của không ít trung tâm sát hạch giấy phép lái xe.

Dịch vụ làm bằng lái xe trọn gói...

Dạo một vòng qua một số trường đại học ở Hà Nội có thể bắt gặp nhan nhản quảng cáo chào mời thi bằng lái xe máy. Những quảng cáo này được dán khắp nơi từ bờ tường ký túc xá đến tận khu vực giảng đường. Những thông tin đại loại như: "Làm bằng lái xe máy (chống trượt, bao lý thuyết) đảm bảo đỗ 100%"… được dán công khai ngay tại lối đi để thu hút sự chú ý của sinh viên. Chủ nhân các mẩu tin rao vặt này cũng là những sinh viên tại trường và những đối tượng này trực tiếp đứng ra thu tiền, hồ sơ để làm dịch vụ. Không chỉ quảng cáo tiếp thị tận nơi mà ngay trên nhiều trang rao vặt thông tin về dịch vụ này cũng rôm rả không kém.

Có quảng cáo gây “sốc” như: "Tớ nhận làm bằng lái xe A1 trọn gói (cả giấy khám sức khỏe, hồ sơ…) giáo viên dạy lý thuyết có cách dạy để ai cũng làm được bài dù chả hiểu mình đang làm cái gì. Tỉ lệ đỗ lý thuyết cao 99%. Giá cả trọn gói cho bằng lái xe A1 là 220k (220 nghìn đồng - PV) cho sinh viên"…

Xe máy đã vậy, nhưng quảng cáo thi lấy giấy phép lái xe ôtô còn nhiễu nhương hơn. Ngay trên một trang rao vặt của một công ty còn đăng hẳn thông báo nhận hồ sơ thi giấy phép lái xe, nói rõ: Nếu như thi giấy phép lái xe B2 ngoài lệ phí hồ sơ 6,5 triệu (thi bình thường) còn nếu chi 8,5 triệu sẽ được "bao luật". Hoặc đơn giản hơn là các lời rao như "nhận lo bằng lái xe hạng B2 từ A-Z" đến ngày thi có trách nhiệm đưa vào trường thi đợi đến khi thi xong (không phải học luật + không phải khám sức khỏe)… giá 10 triệu đồng (có chống trượt)…

Tình trạng xuất hiện tràn lan các dịch vụ làm bằng lái ôtô, xe máy đang là một thực tế đáng báo động. Lợi dụng tâm lý ngại làm hồ sơ, thủ tục, sợ thi trượt… của một số người có nhu cầu lấy bằng ôtô, xe máy nên các đối tượng đã tung ra đủ các loại dịch vụ để móc túi khách hàng. Một trong những nguyên nhân khiến cho "dịch vụ" này có chiều hướng "lây lan" và phát triển chính là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, sát hạch của không ít trung tâm sát hạch giấy phép lái xe.

Cần quản lý chặt các trung tâm sát hạch lái xe.

Dư luận vẫn còn nhớ cách đây chưa lâu, cơ quan Công an đã phát hiện và bắt quả tang tại Trung tâm sát hạch lái xe loại I thuộc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai một số sát hạch viên, giáo viên đang nhận hối lộ của thí sinh sát hạch lái xe hạng B1 và B2.

Theo quy trình thi bằng lái xe hạng B1 và B2 thì thí sinh phải trải qua ba phần thi gồm lý thuyết, thi trong hình và thi chạy đường trường. Tuy nhiên những thí sinh nào không muốn thi phần lý thuyết và chạy đường trường thì phải chung chi 200-300 ngàn đồng cho việc không phải chạy đường trường và 2 triệu đồng cho việc bỏ qua phần thi lý thuyết…

Xiết chặt quản lý, người học cũng phải nâng cao ý thức

Sự xuất hiện tràn lan của các loại dịch vụ làm giấy phép lái xe đang là vấn đề đáng báo động. Hậu quả của những tấm bằng kém chất lượng đó là hàng loạt vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân chủ quan từ người điều khiển phương tiện do không nắm rõ luật, thiếu chú ý quan sát. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý là công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ôtô đang là vấn đề cần phải chú trọng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại cả nước có 250 cơ sở đào tạo lái xe ôtô. Bên cạnh đó cả nước cũng có 72 trung tâm sát hạch lái xe ôtô do địa phương quản lý. Số lượng cơ sở sát hạch lớn và theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ thì hiện con số này cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu cho người học. Tuy nhiên, thực tế thì tình trạng sai phạm vẫn xảy ra.

Đầu năm 2011, Bộ GTVT cũng đã tiến hành thanh tra và chỉ ra một loạt các sai phạm liên quan đến đào tạo, sát hạch lái xe tại một số địa phương như Đồng Nai, Cần Thơ, Đắk Lắk…

"Phía trước bánh xe là sự sống" - Không phải bất cứ ai khi ngồi sau tay lái cũng ý thức đầy đủ trách nhiệm của người cầm lái. Học lái xe là học để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho xã hội. Với việc xuất hiện ngày càng nhiều các địa chỉ, trung tâm "đào tạo trọn gói", "chống trượt"… nếu không có sự lựa chọn đúng người theo học không chỉ vừa phải mất khoản tiền nhiều hơn quy định mà còn rước họa vào thân.

Khi trao đổi với chúng tôi về tình trạng này, Thượng tá Phạm Lương Bằng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe của Học viện An ninh nhân dân cho biết: Có nhiều trường hợp vì quá tin vào các đối tượng môi giới nên đã mất 8 -10 triệu đồng cho một lần học lái xe. Trong khi đó như mức thu quy định đơn cử như tại trung tâm của đơn vị này chỉ 4,8 triệu đồng/người bao gồm tất cả các chi phí xăng xe, thực hành, lý thuyết… Bên cạnh đó, hiện nay thủ tục học cũng rất đơn giản, người học chỉ cần đến trung tâm đăng ký, nộp tiền sẽ được phục vụ rất chu đáo, đầy đủ.

Thượng tá Phạm Lương Bằng cũng đưa ra lời khuyên cho những ai có nhu cầu học lái xe nên trực tiếp đến đăng ký tại các trung tâm uy tín, tránh tình trạng đưa tiền cho cò mồi để rồi "tiền mất, tật mang"

Nhóm PV Pháp Luật
.
.
.