Dịch vụ "đòi nợ thuê": Cần có sự quản lý để hoạt động lành mạnh

Thứ Bảy, 27/08/2005, 07:29

Dịch vụ "đòi nợ thuê" đã hình thành và âm ỉ lan dần nhiều năm nay trên địa bàn Tp. Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ đến khi một công ty tổ chức đòi nợ bằng hình thức lạ đời, thì những vấn đề mới phát sinh cần phải đưa lên b

Thực tế vụ việc đòi nợ bằng hình thức băng rôn, khẩu hiệu vừa xảy ra tại Hà Nội, nhiều ý kiến của các chuyên gia làm luật đều thống nhất cần phải có những chế tài, quy định cụ thể để hạn chế sự biến tướng và các "sáng tạo" thái quá về các hình thức đòi nợ kỳ quặc của loại hình dịch vụ này. Nếu cứ lập luận rằng, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm thì sẽ rất nguy hiểm.

Một số ý kiến cho rằng: Nếu vậy thì để thu hồi được nợ, mỗi ngày các công ty này lại gửi một vòng hoa đến cho con nợ, thậm chí là gửi cả quan tài đến trước cổng công ty, nhà riêng của đơn vị, cá nhân đang có nợ hoặc gửi về nhà riêng thì xử lý ra sao? Với mục tiêu đòi được nợ bằng bất cứ giá nào, dịch vụ này đã và đang có những dấu hiệu biến tướng, không lành mạnh.

Những hình thức đòi nợ "khác người" được thực hiện không chỉ gây bất bình trong dư luận mà còn làm méo mó một hoạt động kinh doanh đã được Nhà nước cấp phép. Với sự phát triển khá nhanh của loại dịch vụ này và với số lượng vụ việc những công ty này xử lý hàng năm lên đến hàng trăm vụ, rất cần có những quy định cụ thể để giúp cho dịch vụ thu hồi nợ trở nên lành mạnh, đúng luật và phù hợp với các quy chuẩn đạo đức của xã hội.

Thẩm phán Phạm Tuấn Anh, Chánh án Tòa án Kinh tế Tp. Hà Nội, nói: Theo tôi, mọi tranh chấp hiện đều đã có các cơ quan tài phán mà cụ thể là cơ quan nhân danh Nhà nước (tòa án) và cơ quan phi chính phủ (Trung tâm trọng tài kinh tế) đứng ra giải quyết. Nếu tự tiến hành đòi nợ bằng các hình thức như trên (dùng băng rôn khẩu hiệu - PV) là không đúng luật và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị khác. Hiện tại, thủ tục giải quyết các tranh chấp về kinh tế tại tòa án cũng rất đơn giản, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn (với đầy đủ hồ sơ giấy tờ), Tòa phải xem xét để đưa ra quyết định thụ lý hay không thụ lý vụ kiện.

Luật sư Nguyễn Huy Phong, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn và liên danh (Công ty Nguyễn và cộng sự): Dịch vụ thu nợ không phải là giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế, dân sự, cụ thể là điều khoản thanh toán. Dịch vụ thu nợ phải là xác định khi có khoản nợ và thời hạn để thanh toán khoản nợ đó. Nếu không làm đúng sẽ gây sự nhầm lẫn, tạo cảm giác đây là một hoạt động đòi nợ thuê không lành mạnh. Việc giải quyết tranh chấp các điều khoản của hợp đồng kinh tế, dân sự, cụ thể là điều khoản thanh toán bằng hình thức đòi nợ chẳng khác nào làm thay chức năng của các cơ quan tài phán và thi hành án. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát thì loại hình dịch vụ này rất dễ vượt qua ranh giới, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy không nhất thiết phải có thêm văn bản điều chỉnh loại hình dịch vụ này mà chỉ cần sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với các quan hệ kinh tế, thương mại mà hai bên đã có cam kết chung thì phải giải quyết vụ việc theo các cơ quan tài phán

Xuân Luận - Việt Hà
.
.
.