Dịch vụ cho điện thoại di động: Độc hại và thiếu văn hóa

Thứ Tư, 12/12/2007, 08:17
Tại nhiều trang quảng cáo các dịch vụ tin nhắn trên báo với lời lẽ rất khiêu khích: "Chuyện người lớn. Cấm trẻ em dưới 18 tuổi". Đây là cách mà các nhà dịch vụ áp dụng theo kiểu của các nhà sản xuất phim "cấm trẻ em dưới 18 tuổi". Thế nhưng trẻ em vào rạp thì có thể ngăn lại, còn trẻ em tìm tin nhắn dịch vụ thì ai ngăn được?

Buổi sáng, lần giở trang quảng cáo trên các tờ báo, bạn đọc sẽ thấy cả mảng quảng cáo các dịch vụ tin nhắn chiếm lĩnh diện tích không nhỏ, từ 1/2 đến cả trang khổ A3. Loại dịch vụ này đã từng được nhắc đến nhiều bởi những loại tin nhắn, nhạc chuông phản cảm, gây ảnh hưởng xấu tới người sử dụng.

Mặc dù thời gian qua, sau những phản ứng gay gắt của dư luận, nội dung kích dục đã giảm, nhưng nó biến tướng sang hình thức mới khiến chúng ta lại phải đặt vấn đề cần sự xiết chặt hơn trong quản lý dịch vụ tin nhắn.

Tin nhắn vu vơ cấm trẻ em dưới 18 tuổi

Tại nhiều trang quảng cáo các dịch vụ tin nhắn dành riêng một góc với lời quảng cáo kích thích trí tò mò của người đọc: "Chuyện người lớn. Cấm trẻ em dưới 18 tuổi". Chỉ riêng dòng chữ đó đã cho thấy sự mâu thuẫn bởi nhà cung cấp dịch vụ đâu biết chủ nhân của số điện thoại tải dịch vụ này là ai, bao nhiêu tuổi.

Đây là cách mà các nhà dịch vụ áp dụng theo kiểu của các nhà sản xuất phim "cấm trẻ em dưới 18 tuổi". Nhưng trẻ em vào rạp thì có thể ngăn lại, còn trẻ em tìm tin nhắn dịch vụ thì ai ngăn được?

Chúng tôi đã thử tải dịch vụ tin nhắn này qua tổng đài 8368 và kết quả thu được chỉ là những lời khuyên hay những kinh nghiệm hết sức đơn giản nhưng lại gây trí tò mò của người sử dụng về chuyện chăn gối.

Dịch vụ cho điện thoại di động tiếp cận bạn đọc với tần suất lớn.

Nhà cung cấp dịch vụ còn biết cách câu khách bằng lời dẫn "mở" dẫn đến một tổng đài khác để "móc túi" khách hàng: "Đặc biệt để biết sâu rộng hơn, soạn... gửi 8768". Tuy nhiên, khi chúng tôi làm theo hướng dẫn này thì chỉ nhận được một đường dẫn kết nối mà ngay lúc gửi tin đi, chúng tôi không thể tải nội dung được nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản.

Song song với dịch vụ này, các dịch vụ tải hình ảnh của tổng đài 8xxx đưa ra những hình ảnh phản cảm, đi ngược với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Dày đặc trang quảng cáo là những tấm ảnh của các cô gái mặc thiếu vải, hở điểm nhạy cảm hoặc trong các tư thế kích dục...

Theo như cách nhìn nhận của dịch vụ này thì những ảnh khiêu dâm, kích dục như thế được coi là ảnh đẹp để cho mọi người "sưu tập trọn bộ".

Cũng bởi dịch vụ cung cấp cho điện thoại di động tiện lợi và thông thoáng nên trong điện thoại di động của các cô cậu học sinh đầy rẫy hình ảnh không thích hợp với lứa tuổi và ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và cách nhìn về giới tính, tình dục. Đó là chưa kể đến điện thoại hiện đại, kết nối Internet, tải được phim sex và những chuyện có nội dung đồi trụy.

Nhạc chuông thiếu văn hóa, dịch vụ vô bổ

Một vấn đề nữa cũng cần phải nói là sự xuất hiện của dịch vụ nhạc chuông đặc biệt, khác lạ cũng làm thay đổi thị hiếu người sử dụng điện thoại di động. Một thời, nhạc như tiếng gà kêu, mèo kêu, chó sủa đã lùi xa thì loại nhạc chế, bài hát xuyên tạc cũng được chuyển tải.

Các câu nói làm nhạc chuông, nhạc tin nhắn bằng lời nở rộ khiến người nghe cảm thấy khó chịu với các nội dung: "Đại ca có tin nhắn. Có tin nhắn kìa, điếc à? Tất cả im lặng cho đại ca nghe điện thoại. Đang làm việc, gọi lắm thế. Trời ơi, điện thoại kìa ông nội. Thuê bao trong vùng phủ chăn...". Thử hỏi, nếu tiếng chuông với nội dung đó phát ra thì người xung quanh sẽ cảm thấy thế nào?

Cung cấp dịch vụ như vậy đã là phản văn hóa, nhưng những tờ báo cho đăng tải nội dung quảng cáo như vậy thì cũng càng không đúng. Bởi báo chí phục vụ đông đảo bạn đọc nên ảnh hưởng của nó đến phong cách sống của giới trẻ, tạo trào lưu không lành mạnh trong văn hóa sử dụng điện thoại là rất lớn.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ còn cung cấp hàng loạt dịch vụ tải tin nhắn ở nhiều lĩnh vực khác nhau với nội dung vô bổ, thậm chí cả mê tín dị đoan khi giới thiệu hình thức xem bói qua số điện thoại, xem ngày sinh đoán tính cách... mà không dựa trên cơ sở khoa học nào.

Đừng tất cả vì lợi nhuận

Làm dịch vụ không để ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá và thay đổi trào lưu trong giới trẻ theo chiều hướng tiêu cực là điều mà các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động nên hướng tới. Thực ra, xu hướng của giới trẻ thông thường là càng thấy chuyện lạ lại càng quan tâm, thích độc đáo, khác người.

Vậy nên, thực tế đã diễn ra, khi ý tưởng mới của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đưa ra thì thường được giới trẻ hưởng ứng ngay. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mang về cho điện thoại của mình âm thanh mới hơn, độc đáo hơn. Bởi vậy mà các nhà cung cấp dịch vụ đương nhiên sẽ hốt bạc từ loại hình kinh doanh này.

Trước những ảnh hưởng của dịch vụ tin nhắn không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và có quy chế xiết chặt quản lý. Từ điện thoại di động có thể tải những bài hát hay, những hình ảnh đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội thì cũng đủ để thu hút sự quan tâm của giới trẻ chứ không nhất thiết phải cần tới thủ thuật dùng tin nhắn không lành mạnh hoặc nhạy cảm để thu hút khách hàng.

Ngay từ năm 2006, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cũng đã có thông báo về việc xử phạt doanh nghiệp nếu phát tán tin nhắn có nội dung không lành mạnh, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Mong rằng việc xử lý vi phạm sẽ có quy chế chi tiết và được thực hiện nghiêm

Nhóm PVPL
.
.
.