Dịch giả Vũ Liêm - Một người chiến sĩ Công an chân chính

Chủ Nhật, 25/05/2008, 20:05
Người đàn ông từng đi qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu của dân tộc, từng là phóng viên chiến trường của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng bị bắt giam vào nhóm "tù binh nguy hiểm" ở nhà tù Hỏa Lò, ròng rã suốt 27 tháng. Từng vào chiến trường B Quảng Trị, và trở về sau hai cuộc chiến, ông kinh qua không biết bao nhiêu công việc để mong tìm được một sự bình yên trong tâm hồn.

Nhiều năm nay, khi rời công sở, ông trở thành một dịch giả với vài chục đầu sách nhiều lần được tái bản. Ông sống lặng lẽ, ngủ trên chiếc giường inox thường thấy ở bệnh viện, tiếp bạn văn chương trên bộ sô pha "nát tươm", cuộc sống quá thanh bần đạm bạc trong căn hộ tầng 2 của Khu tập thể Thanh Xuân Bắc đã cũ nát.

Đã qua tuổi bát thập, ngày ngày ông vẫn thuê xe ôm tẩn mẩn tìm đến các quầy sách ngoại văn, lọ mọ tìm được một cuốn sách hay, trở về nhà gò mình trên chiếc bàn cũ kỳ cạch dịch ra tiếng Việt cho một số nhà xuất bản.

Cuộc đời ông là cả một câu chuyện dài không ít những thăng trầm.

Dịch giả Vũ Liêm sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông may mắn được học hết bậc phổ thông trung học ở trường tư thục Thăng Long, nơi ông được các thầy giáo trực tiếp dạy học đó là Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Xuân Diệu.

Rời ghế phổ thông, Vũ Liêm tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1945 ông chính là một trong những chiến sỹ tự vệ thành đứng trong hàng ngũ bảo vệ tại Quảng trường Ba Đình trong Ngày Quốc khánh 2-9, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đó cũng là lần đầu tiên, chàng thanh niên trai tráng Vũ Liêm được nhìn thấy Bác Hồ bằng xương bằng thịt lần thứ nhất.

Học hành xuất sắc, có tài viết lách, Vũ Liêm nhanh chóng được nhận vào làm phóng viên chiến trường của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Năm 1947, trong khi đang tác nghiệp ông đã bị giặc Pháp phục kích và bắt giam tại nhà giam Hỏa Lò. Tại đây, giặc Pháp đánh đập tra khảo rất dã man, do ông Liêm kiên quyết không khai báo, chúng không thể lập được hồ sơ nên đã chuyển ông sang căng số 1 dành cho "Tù binh nguy hiểm". Tất cả các tù binh khi bị giam ở căng số 1 đều phải mặc quần áo khắc sơn chữ D lên trước và sau ngực áo. Cứ một tuần hai lần, những tù binh ở đây phải lên cho Pháp hỏi cung, tra khảo và dùng cực hình.

Thời đấy, một bạn tù đã viết thơ tặng ông Liêm: "Chú sang mật thám để khai cung/ Anh ở đề lao luống chạnh lòng/ Gián điệp Việt Minh quân tố bậy/ Bí thư Huy Liệu lũ tiêu xưng/ Găng da tẩm quất xơi ngon nhỉ/ Điện máy truyền tung giật thích không/ Thong thả khi về xin hỏi chú/ Văn thơ còn hứng nữa hay tong".

Ròng rã bị giam ở Hỏa Lò 27 tháng trời. Một may mắn đã đến với ông. Ông có một người bạn tù cùng căng số 1 là ông Lê Văn Lăng, sau này làm đến chức Thanh tra Công an vụ. Ông Lăng đã vượt ngục thành công trong một lần đi lao động khổ sai.

Từ ngày người bạn tù trốn thoát, không lúc nào ông Liêm không nghĩ nát óc để tìm cách thoát khỏi Hỏa Lò. Rồi may mắn đã đến, năm 1949, trong một lần tù nhân Hỏa Lò bị xua đi làm đường số 6 Hoà Bình cùng với công binh của Pháp để chuẩn bị cho đợt tấn công Việt Bắc.

Ông Liêm còn nhớ đoạn đi qua bốt Tân Trượng thì có một con sông, nhưng ông không nhớ là tên sông gì. Bọn Pháp thả mìn xuống sông để đánh cá, tù binh Việt Nam kẻ bơi xuống sông vớt cá lên, kẻ ở trên bờ nhặt cá vào giỏ. Ông Liêm ở trên bờ nhặt cá, lúc đi đến một khúc ngoặt của con sông có một lùm cây rậm rạp, ông Liêm trốn vào đó và quay ngược đường trở lại để trốn.

Suốt một ngày một đêm ròng rã đi qua vùng tề, rồi qua vùng tự do. Đến vùng tự do, đói quá vì đã 1 ngày đêm không ăn gì, ông Liêm vào một quán cơm ở ven đường và nói rõ với chủ quán, mình là tù binh Hỏa Lò vừa vượt ngục, đói quá xin bát cơm lót dạ. Ông chủ quán dọn cho ông Liêm cơm, đậu phụ kho và còn kèm theo một chén rượu nhỏ.

Trong lúc ông Liêm đang ăn cơm thì ông chủ quán đi đâu mất. Một lúc sau, ông chủ quán trở về dẫn theo một đồng chí Công an viên. Sau khi trình bày với Công an là tù nhân vượt ngục, trên mình không có giấy tờ gì, ông Liêm được anh Công an dẫn về một căn nhà và tạm giữ lại suốt mấy ngày để điều tra làm rõ.

Chính anh Công an viên đã khuyên nếu bác quen ai có thể bảo lãnh cho thì sẽ được trở về nhà. Ông Liêm nhớ ngay ra ông Lê Văn Lăng. Khi nhắc đến tên anh Lăng, đồng chí Công an viên reo lên: May quá anh Lăng đang là Thanh tra Công an vụ, anh viết thư ngay để tôi chuyển cho. Mừng quá, ông Liêm viết thư kể rõ sự tình. Thư đi buổi sáng, ngay buổi chiều ông Lăng đã cho xe ôtô và người đến đón ông Liêm trở về nhà.

Ông Lăng đã khuyên ông Liêm sang công tác ở Công an. Lúc này, anh trai ông Liêm đang làm Trưởng Công an Hải Phòng, nên ông Liêm xuống Hải Phòng làm việc. Chính trong thời gian làm ở Công an, ông Liêm được cử đi học lớp Công an trung cấp khoá Tổng phản công năm 1950 tại ATK ở xã Yên Nguyên, Chiêm Hoá, Tuyên Quang.

Tại trường Công an trung cấp, có một sự kiện đặc biệt đã xảy ra ảnh hưởng lớn lao đến Vũ Liêm và tất cả các học sinh ở trường. Trường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Thời ấy, được nhìn thấy Bác Hồ, được gặp Bác là một vinh hạnh lớn lao của mọi người.

Cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động, Bác đến nhưng không đi theo thầy hiệu trưởng trên con đường chuẩn bị sẵn mà Bác vào ngay nhà ăn, câu hỏi đầu tiên là: "Các cháu ăn có đủ no không". Sau đó Bác mới lên hội trường, tất cả thầy giáo và học sinh ngồi chen kín trên những chiếc bàn học đóng bằng tre, xung quanh tường là phên nứa nghe như nuốt lấy từng lời của Bác.

Khi tiễn Bác ra về, toàn trường đồng thanh hát bài hát ngợi ca Hồ Chí Minh. Ông còn nhớ có hai câu: "Hồ Chí Minh xuất hiện như ánh sao/ Xuất hiện đi cứu dân khổ đau". Bác nghe xong góp ý: “Bác là từ nhân dân mà ra, đi từ nhân dân chứ không phải là thần thánh trên trời. Các cháu hát như vậy là không đúng đâu. Bác cũng giống như các cháu, đều là người trần gian các cháu ạ".

Quá xúc động vì lần thứ hai được gặp Bác, được nhìn thấy Bác bằng da bằng thịt. Ngay đêm tiễn Bác về, ông Vũ Liêm đã xúc động làm bài thơ: "Cha đã đến" với lời đề (Thành kính dâng Cha già thân mến): Cha sắp đến! Và kia! Cha đã đến/ Dáng khom khom mái tóc sương pha/ Người chúng con rung lên như gió chuyển/ Và rưng rưng khoé mắt lặng nhìn Cha/ Cha ngồi xuống và tiếng Cha chậm rãi/ Với vẻ nhìn trìu mến hỏi đàn con/ Ăn đủ không, nhà xiêu hay hở mái/ Có tăng gia được nhiều ít rau non/ Cha khuyên nhủ: "Phải là người kiểu mẫu/ Nêu cao gương Cần, Kiệm, Chính và Liêm/ Phải gần dân và được dân yêu dấu/ Phải yêu dân và giáo dục tuyên truyền/ Phải thực sát với dân là người bạn/ Phải trung thành làm đầy tớ cho dân/ Phải phê bình tự phê bình thẳng thắn/ Khuyến khích dân nhận xét việc ta làm/ Phải đoàn kết dưới trên trong nội bộ/ Với các ngành với bộ đội dân quân/ để sửa chữa cho nhau cùng tiến bộ/ Để cùng nhau cùng phụng sự nhân dân/ Trong công tác quyết tâm nhưng cẩn thận/ Phải phá tan bệnh chủ nghĩa anh hùng/ Nhìn chúng con Cha dịu dàng căn dặn:/ "Nhớ và làm như thế để thành công...".

Bài thơ ngay sáng hôm sau được đưa lên trang báo liếp của trường. Sau đó một số nội san tạp chí đăng lại bài thơ trong đó có tờ báo R.L (hình như là Rèn Luyện) đã lấy lại và in trọn vẹn trang trọng cả bài thơ của ông lên mặt báo. Với Vũ Liêm, đó là kỷ niệm đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất trong những ngày tháng làm Công an.

Ông tâm sự: Những lời Bác nói từ năm 1950 ấy được ông ghi lại nguyên văn bằng thơ, ngày nay đã trở thành 6 điều Bác Hồ dạy ngành Công an nhân dân, đã được phổ biến và học tập rộng rãi trong ngành.

Mặc dù đã từng làm việc trong ngành Công an, nhưng do hoàn cảnh éo le và những lý do nghiệp vụ dễ hiểu, Vũ Liêm vẫn bị đưa vào danh sách các đối tượng cần phải để mắt tới. Mệt mỏi bởi những hệ lụy từ cuộc vượt ngục, ông chuyển sang đi dạy học và làm Hiệu trưởng ở trường cấp 1 Hà Nam.

Vũ Liêm làm nghề dạy học được ít lâu, trong tâm thế của một người lý lịch có dấu hiệu nghi ngờ, mỗi một lần chuyển công tác là một lần Vũ Liêm hy vọng sẽ không bị quá khứ truy đuổi. Song sự cảnh giác của tổ chức thời bấy giờ là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Vũ Liêm lại chuyển sang làm Giám đốc Thư viện tỉnh Hà Nam.

Trong một lần Thư viện tỉnh đón đoàn đại biểu Rumania sang thăm thị xã Phủ Lý vừa bị bom tàn phá, đoàn đã hỏi chuyện Vũ Liêm, ông nói chuyện và trao đổi với họ bằng tiếng Pháp rất say sưa rôm rả, kể về cuộc sống chiến đấu của những người dân nơi đây. Không ngờ trong đoàn có một Công an viên bí mật theo dõi và về báo cáo lại với tổ chức việc Vũ Liêm đối thoại bằng tiếng Pháp. Vũ Liêm bị tổ chức phê bình và kỷ luật cảnh cáo. Từ đó ông không bao giờ dám hé lộ ra việc mình biết tiếng Pháp.

Buồn bã, Vũ Liêm quyết định xung phong đi vào chiến trường B ở Quảng Trị để nhận nhiệm vụ đặt cơ sở và xây dựng Đài Phát thanh Quảng Trị phục vụ đưa tin tức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trước khi đi B, Vũ Liêm đã viết bài thơ: "Chẳng oán chẳng ân chẳng ngọt cay/ Chục năm nước ốc trắng bàn tay/ Cá sa lạch cạn khôn vùng vẫy/ Chim mắc lồng nan chẳng liệng bay/ Sông rộng chèo khua mơ dạo ấy/ Khơi xa gió lộng thỏa từ nay/ Tình riêng còn chút riêng riêng để/ Trọn vẹn chung riêng ắt có ngày".

Tham gia chiến trường B ở Quảng Trị từ năm 1972 cho đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, Vũ Liêm trở ra Bắc nhận công tác ở Cục Thông tin cổ động thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin. Mãi đến những năm 1980, ông về hưu. Nỗi ám ảnh bị nghi ngờ trong quá khứ cuối cùng đã được giải thoát. Ông vinh dự nhận được nhiều bằng khen, huân huy chương tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, và quan trọng nhất với ông là chiếc Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Từ đấy, ông bắt đầu được sống một cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Cũng chính lúc này, khi mọi chuyện đã trắng đen, dù phải đi qua hết một đời người mới có thể chứng minh được, ông mới dám sử dụng vốn tiếng Pháp siêu đẳng của mình, các kiến thức văn hoá xã hội sâu sắc mà ông luôn mê mải tìm kiếm. Ông bắt đầu công việc yêu thích là dịch sách Pháp văn.

Số lượng sách dịch và đã được xuất bản rộng rãi ra công chúng của ông lên tới 20 đầu sách, chưa kể gần chục đầu sách hiện nay đang nằm ở các nhà xuất bản và chuẩn bị phát hành. Trong đó có những cuốn tái bản hàng chục lần như: “Yoga thực hành cho mọi lứa tuổi”, “Ở sao cho vừa lòng người", "Rèn luyện tâm linh trí tuệ để nâng cao sức sáng tạo", "Những chuyện hay nhất trong nghìn lẻ một đêm", "Giải mã trí tuệ phát huy khả năng bí ẩn của con người", và vô số các tác phẩm văn học khác

Như Bình
.
.
.