Đi tìm tên cho... rau

Thứ Năm, 24/02/2005, 08:44

Đầu thế kỷ XX, thi sĩ Tản Đà đã viết: "Muốn ăn rau sắng chùa Hương / Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa...". Gần một trăm năm sau, có những người không ngại đường xa, đò giang cách trở, lặn lội lên núi ươm trồng rau sắng và xúc tiến xây dựng thương hiệu cho thứ rau đặc sản này.

Theo lời một anh cán bộ UBND xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Tây, tôi tìm đến nhà ông Tiết ở thôn Đục Khê, người đầu tiên ở Hương Sơn trồng rau sắng. “Ông nhà tôi ở trại trên núi. Anh có cần thì tôi dẫn đường. Gần thôi mà...”. Vừa nói bà Phương, vợ ông Tiết, vừa dẫn tôi đi.

Mới mưa, xứ đồng ngập trắng băng. Gửi xe máy ở một nhà người quen, tôi cởi phăng giày, lẽo đẽo theo chân bà Phương. Cái mà bà gọi là “gần thôi mà” chúng tôi cũng phải bì bõm lội nước cả tiếng đồng hồ, chân bợt bạt hết.

Nem nép dưới cầu Cổng Vại là ngôi nhà mái ngói xám mốc, bé như tổ chim cu - nơi ông Tiết lập trại. Gọi ồi ồi nhưng nhà cửa vắng hoe, chỉ có anh Phong cập rập từ sau vườn chạy lại thông báo: “Bố em đang trồng cây trên vườn...”.

Đường vào vườn vách đá dựng đứng dây leo chằng chịt. Leo được chừng 30 phút, người dẫn đường bỗng tót lên một tảng đá, cất tiếng hú dài vang động cả núi rừng. “Hú ú ú...” - một tiếng hú trầm đục từ xa đáp lại. Lại lần hồi, bám đá, đu cây tiến lên. Luồn qua hai phiến đá dựng đứng, trước mắt tôi hiện ra một thung lũng nhỏ và ông Tiết đang lụi hụi trồng cây ở đó.

Người đầu tiên ươm trồng rau sắng

Trang phục của người đàn ông này rất lạ. Đầu ông quấn cái khăn mặt hai vạt vắt vẻo che kín tai, chân dận đôi dép tổ ong nhưng lại có... quai làm bằng mấy sợi dây rừng còn tươi màu vỏ. Ông trầm ngâm kể cho tôi nghe huyền thoại của cây rau sắng bắt đầu bằng hai từ “ngày xửa, ngày xưa...”.

Hồi đó do giặc giã liên miên, nên có một nhóm người chạy loạn vào chân Hương Sơn lập làng, lập xóm. Ngày ngày họ chăm chỉ vào rừng kiếm con hươu, con nai, trồng cây ngô, cây sắn. Nhưng “ăn được của rừng, rưng rưng nước mắt”. Sự khắc nghiệt của núi, của đá, của thú dữ đã khiến cho rất nhiều người phải bỏ mạng, gục ngã chốn rừng sâu.

Thương dân lành vô tội, Thần - Phật đã ban cho người dân Hương Sơn cây thuốc tiên. Lá của cây này nấu ăn có vị ngọt thanh, mát, nhai kỹ thấy bùi bùi, ngầy ngậy giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Vị thuốc đó chính là rau sắng - đặc sản chùa Hương. Lúc đầu, tôi nghe nói là rau nên cứ tưởng nó cũng là thân thảo mềm như bao loại rau khác, nhưng đến khi chứng kiến mới ngớ người ra là cây rau sắng thân mộc, cao to đến 5 - 7 m.

Chính rau sắng nuôi sống đàn con lộc ngộc trứng gà, trứng vịt đến 8 đứa của ông Tiết. Thời buổi “gạo châu” đem đổi vài kilôgam rau sắng mới được một cân gạo về nấu cháo độn, cả mười miệng ăn nhà ông Tiết cùng xì xụp. Thời buổi khó khăn, người Hương Sơn rủ nhau vào rừng kiếm rau sắng càng nhiều. Họ sẵn sàng bẻ trụi cả cành, chặt gốc cây để thu hái cho nhanh. Bòn mãi, rau sắng rừng cũng hết dần... “Không lấy được rau thì mình thử ươm xem sao” - Ông Tiết nghĩ vậy rồi vào rừng nhét đầy một túi áo quả rau sắng đỏ hồng, to như hạt mít đem về vạt đất ven nhà ươm thử. Ai ngờ cây nở trăm phần trăm. Hỏi có bí quyết gì không, ông lão chỉ khơ khớ cười một cách đầy bí ẩn.

Thế hệ rau sắng đời đầu trong vườn nay đã được trên 20 năm tuổi, trong đó đã có những cây cho quả để ông tiếp tục gây giống (tỉ lệ cây cái - hay còn gọi là sắng nếp rất ít, chỉ chiếm 1/100). Cây nhân cây, hiện ông Tiết có khoảng 2 ha rau sắng với trên 6.000 cây lớn nhỏ trồng rải rác ở những thung núi có độ cao từ 100 đến 200m. Cái đặc biệt là rau sắng chỉ sống được ở núi, trồng chừng 5 năm thì có thể thu hái lá, rồng rồng (nụ hoa) mà cũng chỉ được đôi ba lần vì hái nhiều cây sẽ chột. Có lẽ vì độ quý hiếm mà đây là loại rau đắt nhất vào dịp lễ hội chùa Hương, rau sắng trở thành thứ quà cao cấp và giá cả thì vô chừng. “Vụ vừa rồi, tôi kiếm được gần 10 triệu đồng tiền bán lá với rồng rồng. Còn vườn giống hàng ngàn cây, nhiều người đến gạ mua, tôi chưa bán mà để nhân tiếp...”. Ông Tiết khoe.

Chuyện thương hiệu rau sắng chùa Hương

Do giá cả cao nên vài năm trở lại đây, ở Hương Sơn đã nhen nhóm phong trào trồng rau sắng tập trung ở thôn Yến với tổng số gần 15 ha. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch xã Hương Sơn, so với nhiều loại cây trồng bản địa khác như mơ, na... thì rau sắng đạt hiệu quả kinh tế hơn nhiều.

Rau sắng đóng hộp.

Mới đây, rau sắng chùa Hương đã “qua mặt” được tất cả các loài rau khác, ẵm Huy chương vàng thực phẩm an toàn tại Hội chợ IFC 2004, làm nức lòng những người dân sở tại. Và càng vui mừng hơn, khi Công ty Cổ phần và Phát triển du lịch quốc tế mà Giám đốc Công ty, anh Nguyễn Chí Long - đồng thời cũng là một người con của chùa Hương, đang trình một dự án để xây dựng thương hiệu riêng cho rau sắng. Bước đầu, theo dự án sẽ có 7 ha rau sắng được trồng mới. Thời gian tiếp theo sẽ có khoảng 300 hộ dân địa phương tham gia dự án. Những hộ này sẽ hợp đồng với công ty để được bao tiêu sản phẩm ổn định với giá phù hợp nhất. Hiện tại, công ty của anh Long vào vụ, mỗi ngày cơ sở anh thu mua vài chục kilôgam đến cả tạ rau để đóng hộp, bảo quản lạnh (sản phẩm để được chừng 15 ngày). Mỗi hộp (khẩu phần cho 5 người ăn) được bán với giá 17.500 đồng. Rau sắng đã len vào được siêu thị Tràng Tiền Plaza và bán rất chạy, có bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Nhiều khách nghe tiếng đã đặt hàng với số lượng lớn nhưng anh không dám nhận bởi sợ cung không đủ cầu...

Trong tương lai không xa, người tiêu dùng vào bất cứ siêu thị nào đều có thể dễ dàng mua những hộp rau sắng với nhãn mác được in rõ rau sắng chùa Hương. Điều đó tại sao lại không thành hiện thực khi mà chúng ta đã có thương hiệu bưởi Năm Roi, rau sạch năm sao, nước mắm Phú Quốc?

Dương Đình Tường
.
.
.