Đi tìm những ngọn núi lửa ở Tây Nguyên

Thứ Tư, 22/12/2004, 07:17
Bà con trong vùng gọi ngọn Chư M'Gar - ngọn núi mọc ngược, là Núi Hoa. Một cái tên có lẽ có từ cách đây gần một triệu năm - khi núi lửa Chư M'Gar phun trào bắn ra vô số các thảm hoa lửa - được tổ tiên người Tây Nguyên truyền lại.

Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi có được, thì dấu tích núi lửa ở Việt Nam quả là không nhiều; số người quan tâm nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề này lại càng như... không có. Trong cuốn Thiên nhiên Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật, năm 1977), cố GS Địa lý Lê Bá Thảo có nhắc tới các di tích núi lửa ở hai vùng: đó là vùng miền tây Thanh - Nghệ và vùng Tây Nguyên.

Xin trích đoạn viết về “Vùng cao nguyên Kon Tum, Pleiku”: “Đó là một vùng cao nguyên rộng lớn hình khum mai rùa gồm có hai bộ phận, cao nguyên Kon Tum ở phía bắc cao chừng 400m và cao nguyên Pleiku cao vào khoảng 800m ở phía nam. Người ta có thể quan sát thấy nhiều di tích núi lửa ở 12km nam Pleiku: ngọn Chư Hơ Đrông ngày nay đã tắt ngấm nhưng vẫn còn giữ được dạng đỉnh hình nón cụt, những hồ miệng núi lửa tròn vành vạnh như hồ La Bang và Tô Nu Eng Prông và những trũng hình hơi tròn mà người Gia Lai gọi là “Đô nau” (trang 178, sđd)...

Nếu tính trong sách vở, dấu tích núi lửa được nhắc đến không nhiều. Nhưng, nếu về Đắk Nông, Đắk Lắk hay Gia Lai, hỏi bất cứ cư dân nào, bạn cũng có thể được nghe kể về núi lửa đã đi vào dân gian, câu chuyện nào cũng là lạ, thinh thích. Chúng tôi đã kỳ công có mặt ở 5 di tích núi lửa khác nhau trên một vùng rộng lớn của Tây Nguyên rồi trở về ao ước có một tua du lịch lãng mạn cùng núi lửa cao nguyên!

Ngó núi lửa và các “bọt khí” núi lửa ở Tây Nguyên!

Lãnh đạo Đài PTTH Gia Lai cho tôi “mượn” một chiếc ôtô con để có thể vượt mười mấy cây số ra rìa TP Pleiku, rồi ngoằn ngoèo leo lên tận đỉnh Hàm Rồng một cách hợp pháp. Nếu Việt Nam ta có nơi nào hoa cúc quỳ nở nhiều, nở rộ và vàng rực đẹp nhất thì nhất định đó là đỉnh Hàm Rồng. Trên đỉnh Hàm Rồng, miệng núi loe tròn, có góc núi hình chữ U.

Dấu tích một núi lửa ở làng Ốp, Tp. Pleiku.

Bất cứ cư dân nào ở Pleiku cũng có thể ngửa mặt lên Hàm Rồng kể cho khách xa nghe về những ngọn núi lửa quê mình. Song, ít người Gia Lai nào lên tới đó một lần để ngắm nhìn ngọn núi lạ có đỉnh bằng như cây măng bị phạt ngọn.

Trên đỉnh ấy, mặt núi hõm xuống thân núi như trôn bát. Một hình tròn kỳ dị, giống như từ thuở hỗn mang, khi núi còn mềm oặt, có một vị thiên thần bay qua đỉnh Hàm Rồng rồi dùng cây chày lớn nện một nhát khiến đỉnh núi hõm xuống như lòng tròn của cỗ cối đá!

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, núi lửa, sau khi hoạt động, dẫu ngủ hay đã chết thì nó đều để lại dấu tích trên mặt đất, dấu tích ấy có thể là một ngọn núi cao (được gọi là dương) như Hàm Rồng, cũng có thể là một vùng hồ như Biển Hồ (được gọi là âm) ở Gia Lai.

Nếu Chư Hơ Đrông có miệng tròn loe hình nón cụt ở trên độ cao hơn 1.000m thì Biển Hồ cũng có bờ cong đều và tròn xoe xoe từng khúc, cũng là dấu tích của một miệng núi lửa, chỉ có điều “ngọn” của núi đã thụt sâu xuống mặt đất tạo thành hồ nước trong xanh.

Đã Biển lại còn Hồ, ý rằng con hồ này thông ra tới tận biển, người ta bảo Biển Hồ rất đẹp và rất sâu, sâu tới mức người Gia Lai tin rằng, nếu thả một quả bòng (bưởi) có khắc chữ Biển Hồ xuống biển thì một ngày sau xuống bãi biển Nha Trang tắm thể nào cũng tìm thấy chính vật đánh dấu đó (?).

Giống như ở Hàm Rồng, tại vùng đồi thuộc huyện Đắk Min (tỉnh Đắk Nông) cách Pleiku khoảng 300km về phía nam còn có một ngọn núi lửa rất đẹp khác. Đỉnh núi lửa cũ Đắk Min nằm ở cách quốc lộ chỉ hơn một cây số đường ven quốc lộ 14. Lịch sử đấu tranh cách mạng vùng Đắk Lắk (cũ) không thể quên được những trận chiến tiêu diệt Mỹ - ngụy, giành nhau từng mét đất ngay trên miệng núi lửa vùng Đắk Min.

Và bây giờ, người dân trong vùng đã quá quen và rất tự hào mỗi lần ngước mắt nhìn lên núi lửa Đắk Min với phần đỉnh tròn hõm như lòng chén (người trong vùng gọi là ly) uống nước. Khách nước ngoài biết chuyện núi lửa Đắk Min tìm đến đó ngó trông rất nhiều.--PageBreak--

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai có anh Phạm Minh Mẫn chuyên gia tìm hiểu về núi lửa ở Pleiku! Còn nhớ, tháng 1/2003, Báo Gia Lai đăng loạt bài da diết và rất chi tiết của nhà văn Phạm Minh Mẫn về Những mảnh đời bên miệng núi lửa ở xung quanh Pleiku. Với anh Minh Mẫn, hễ mỗi lần leo lên đỉnh núi phóng tầm mắt qua vàng rải rác dã quỳ để bao quát những cái hình tròn kỳ lạ của hoạt động núi lửa phun dung nham nóng cách đây cả triệu năm, anh lại thấy âm âm trong thinh không một lời nguyền bí ẩn của trời đất.

Anh Mẫn giới thiệu: “Không ở đâu như Pleiku, TP nằm bên miệng cả chục cái núi lửa. Đường Phạm Văn Đồng, đường Tô Vĩnh Diện, đường Lý Thái Tổ, đường 19 nối dài... đường nào cũng nằm bên cạnh và chạy xuyên qua lòng các dấu tích núi lửa! Quán Thiên Thanh hôm qua chúng ta “nhậu” cũng nằm trong lòng một núi lửa”.

Núi lửa trong tâm thức người cao nguyên

Theo chúng tôi, việc núi lửa đi vào tới tâm thức của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như hiện nay vừa là một bằng chứng về sự hiện diện khó có thể phủ nhận của núi lửa Việt Nam, vừa cho thấy rằng, không phải đợi đến lúc các nhà khoa học viết về núi lửa thì núi lửa mới hiện ra như giấc mơ lạ trước mắt các cộng đồng người sinh sống quanh các miệng núi lửa.

Cách Pleiku 200km, chúng tôi mất một ngày mới leo thám hiểm được ngọn núi tròn miệng núi lửa Chư M'Gar (Chư, theo tiếng Êđê là núi), thuộc huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk. Theo ông Trương Bi, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk, chuyên gia nghiên cứu về Tây Nguyên, thì: Tiếng Ê-đê, Chư M'Gar có nghĩa là ngọn núi lộn ngược, núi hình miệng phễu.

Cứ hình dung, một ngọn núi bình thường thì đỉnh núi bao giờ cũng nằm cao hơn so với chân núi, tức là ngọn núi xuôi, dù cao hay thấp thì  ngọn núi xuôi thường có hình cái mũ nồi mà đỉnh núi bao giờ cũng là cái núm tròn trên đỉnh mũ. Còn với Chư M'Gar và các di tích núi lửa khác thì trời đất lại lật ngược chiếc mũ nồi, ngửa vành mũ lên trời, núm mũ chấm xuống mặt đất!

Thế nghĩa là “núm mũ” - đỉnh núi bây giờ bị đặt ngược, đỉnh núi nằm trong lòng (bụng) núi, và đỉnh núi ở nơi... thấp hơn so với bề mặt ngọn núi. Bà con gọi ngọn núi ấy là ngọn núi ngược.

Bà con bảo, đi bộ vài tiếng đồng hồ thì mới lên tới đỉnh Chư M'Gar. Không tìm được đường lên núi, chúng tôi phải thuê người dẫn đường. Cậu bé dẫn đường tên là Long, con cháu nhà ông Nguyễn Văn Hiến, 63 tuổi, gốc Quảng Nam, sống ở thị trấn này từ sau giải phóng tới giờ. Ông Hiến kể, ông tự hào sống dưới chân một  ngọn núi lửa lớn và hung ác. “Tụi Tây nó vẫn đi coi núi lửa luôn ấy mà”.

Chúng tôi xuyên qua những rừng thông lớn và những mảnh đạn pháo, lửa đạn và lửa căm thù quân xâm lược đã cháy trên vùng đất của núi lửa. Đất đá xung quanh ngọn núi lửa này đen nhánh đến kỳ lạ. Bà con bảo, đất đen này rất màu mỡ. Bề mặt núi rải một lớp đá gì mà rỗng ruễnh, nhẹ bỗng như phần xỉ mềm của viên than tổ ong đã rạc lửa, đó là “than” còn lại của núi lửa Chư M'Gar?

.
.
.