Di tích đền, chùa ở Hà Nội thành nơi... đổ rác

Thứ Ba, 04/03/2008, 14:55
Đình Kim Liên - một trong "Thăng Long tứ trấn" có từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long không chỉ rơi vào tình trạng bị các hộ dân sinh sống xung quanh lấn chiếm tới 30% tổng diện tích mà còn đang từng bước bị biến thành nơi tập kết… rác.

Theo thống kê của Thanh tra Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, trong số đơn thư khiếu nại tố cáo của ngành thì có từ 80 - 85% là khiếu nại về lấn chiếm đất đai di tích, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Riêng Hà Nội, trong số 2.000 di tích thì đã có tới 400 di tích bị xâm phạm khu vực bảo vệ I, II. Mặc dù Luật Di sản đã được ban hành từ năm 2001 nhưng trên thực tế tình trạng cảnh quan của các di tích ở Hà Nội bị xâm hại thì vẫn liên tục tiếp diễn. Trong đó, mức độ vi phạm nghiêm trọng lại thường rơi vào các ngôi chùa nằm trong khu vực nội thành.

Biến nhà chùa thành nơi sinh hoạt, điểm kinh doanh

Chùa Vĩnh Trù 59 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Nguyên xưa đây là đình Vĩnh Trù về sau đổi thành đền và sau lại đổi thành chùa.

Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, chùa Vĩnh Trù là sở chỉ huy chiến đấu của Tiểu đoàn 101, bảo vệ Liên khu I, về sau chùa đã gắn bia kỷ niệm những liệt sĩ trong trận tuyến này. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1994. Thế nhưng, ngôi chùa này đang lâm vào một tình thế… thảm thương.

Cổng chính của tam quan ngày thường đóng, phật tử vào chùa chỉ có thể len qua cửa phụ bên phải, còn cửa phụ bên trái từ nhiều năm nay biến thành nơi bán hàng ăn như bún, phở, cơm bụi. Thẳng cổng phụ này có  một lối đi sát bên sườn chùa, đó là ngõ dẫn vào nơi ở chen chúc của 6 hộ dân, trong đó hộ có diện tích ở lớn nhất là 24m2.

Tuy nhiên, toàn bộ khu vực cổng chính và cửa phụ bên phải nay vào các dịp lễ, tết cũng bị một vài hộ dân chiếm dụng làm nơi bày bán các mặt hàng hoa nhựa. Khách vào chùa không biết để xe ở đâu và không biết phải đi lối nào cho hợp lẽ.

Sư thầy Thích Nguyên Tâm, trụ trì chùa Vĩnh Trù cho biết: Rất nhiều lần nhà chùa đề nghị chính quyền địa phương can thiệp nhưng đến nay tình hình vẫn không được cải thiện. Nhà chùa đã tính đến chuyện mua một miếng đất để chuyển mấy hộ dân đang ở trong chùa sang đó ở nhưng lại không đủ kinh phí. Điều đáng nói là hàng ngày các quán hàng này chia ca thay phiên nhau kinh doanh trước cửa và trong đất chùa.

Chùa Thanh Nhàn, phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội cũng lâm vào tình thế tương tự. Sư thầy Thích Đàm Nguyên, trụ trì chùa Thanh Nhàn tâm sự: Trong khuôn viên chùa Thanh Nhàn hiện đang có 22 hộ dân sinh sống, trong số đó có 11 hộ ăn ở liền kề ngay khu nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu của chùa.

Các hộ gia đình này ăn ở, sinh hoạt khá lộn xộn và thiếu ý thức nên đã nhanh chóng xé nát không gian và cảnh quan của ngôi chùa. Nhà chùa đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới chính quyền các cấp để mong được giúp đỡ nhưng đến nay vẫn chưa tìm được biện pháp giải quyết.

Di tích lịch sử thành bãi đỗ xe

Bên cạnh việc các ngôi chùa cổ trong các quận nội thành bị dân lấn chiếm để ở, để kinh doanh, nhiều công trình văn hoá, các di tích lịch sử cũng bị biến thành bãi đậu xe, khu vực chăn nuôi gia cầm và nơi tập kết… rác.

Đình Kim Liên - một trong "Thăng Long tứ trấn" có từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long không chỉ rơi vào tình trạng bị các hộ dân sinh sống xung quanh lấn chiếm tới 30% tổng diện tích mà còn đang từng bước bị biến thành nơi tập kết… rác.

Ông Nguyễn Phú Hinh, Trưởng Tiểu ban di tích lịch sử đình Kim Liên cho biết: Giếng Ngọc vốn xưa là giếng nước ăn của làng, có bậc lên xuống bằng gạch để dân làng tiện lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, với sự vô ý thức và xả rác vô tội vạ của một số người, giếng Ngọc nay đã trở thành một ao nước tù đọng, một điểm tập kết nước thải sinh hoạt, bãi phế liệu, vật liệu xây dựng.

Thậm chí, có thời điểm nó còn bị khoanh vùng làm nơi chăn nuôi các loại gia cầm như gà, vịt. Ban quản lý di tích cũng đã nhiều lần đề đơn lên chính quyền phường can thiệp nhưng tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn.

Mà không nói đâu xa, ngay trong khu vực tôn kính và linh thiêng như Khu di tích Thành Cổ (đoạn gần cổng ra vào, đường Hoàng Diệu, cận kề một số cơ quan quản lý) không hiểu vì lý do gì cũng đã trở thành một điểm tập kết các loại rác khác nhau. Dù rác ở đây chưa đến độ bốc mùi nồng nặc như ở giếng Ngọc nhưng đã khiến nhiều người thấy… choáng.

Chùa Láng nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa (còn được gọi là Chiêu Thiền Tự, chùa Cả) thuộc quận Đống Đa, Hà Nội từ lâu cũng đã trở thành bãi đậu xe di động miễn phí. Ban trị sự chùa Láng đã nhiều lần có ý kiến lên phường, lên quận nhưng chính quyền nhắc nhở xong rồi đâu lại vào đấy.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, một phần diện tích nằm ngay bên trái cổng ra vào của đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) cũng đã bị một số hộ dân lấn chiếm làm kho để hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch, có ba loại hình lấn chiếm di tích. Một là những người ở trong di tích từ trước khi di tích được xếp hạng. Hai là lấn chiếm sau khi di tích đã được xếp hạng. Và kiểu vi phạm thứ 3 là xây dựng các công trình mới lấn át cảnh quan di tích.

Như vậy, nếu lấy các tiêu chí này soi vào các công trình đã được phản ánh trên thì mức độ vi phạm đã khá rõ ràng. Thiết nghĩ, ngành văn hoá và các cấp có thẩm quyền cần tích cực tìm biện pháp giải quyết theo đúng tinh thần của Luật Di sản để sớm trả lại cho các di tích lịch sử, các công trình văn hoá không gian và sự thanh tịnh, tôn nghiêm như những gì vốn có

Hoàng Mai
.
.
.