Đi hơn 50.000km vận động học trò

Thứ Ba, 02/09/2008, 17:08
Sau hơn 20 năm làm nghề giáo viên, người phụ nữ ấy đã chẳng còn nhớ nổi mình đã đi bộ bao nhiêu nghìn cây số, vượt qua bao nhiêu quả đồi, bao nhiêu dốc núi, bao nhiêu con suối, để đến từng nhà học sinh vận động các em tới trường. Chỉ biết rằng, trung bình mỗi tuần cô đi vận động ít nhất 10 học sinh. Em nào nhà gần cũng cách trường 2-3km, còn nhà ở xa thì tới 15km. Ngày nắng còn có thể đi xe đạp, ngày mưa đương nhiên là đi bộ.
>> "Gieo chữ" ở Tây Côn Lĩnh / Lớp học phía sau cổng trời

Nếu tính sơ sơ, cho đến thời điểm này cô cũng đã đi tới hơn 50.000km để đưa từng em học sinh đến trường. Người phụ nữ ấy chính là cô giáo Nguyễn Thị Hiên, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). 

Mang cái chữ đến với bà con dân bản

Sinh ra tại Thái Bình, nhưng lớn lên tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, tận mắt chứng kiến cảnh con em người dân tộc không biết chữ, chị Nguyễn Thị Hiên đã nuôi ước mơ làm nghề giáo. Năm 1986, chị tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm ở Nghĩa Lộ. Không như nhiều bạn bè cùng trang lứa đua nhau xin ở lại trường hay quay về miền xuôi, chị xung phong lên dạy học ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất, xa xôi nhất tỉnh Yên Bái.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiên đang soạn giáo án cho buổi lên lớp sắp tới.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng với cô gái 21 tuổi thì xã Mồ Dề vẫn ẩn chứa bao điều kỳ lạ. Trường học là những ngôi nhà tranh nứa lụp xụp, tạm bợ nằm nép trên khoảng đất trống dưới chân núi. Cả trường có tất thảy 4 giáo viên đóng ở 8 bản khác nhau, nhưng học sinh thì "không em nào".

Để có học sinh đến lớp, cô Hiên phải tới từng nhà dân trong bản giúp họ việc gia đình, rồi vận động mọi người cùng con em ra học lớp bình dân học vụ. Nói là vận động nhưng đâu có dễ khi ở đây có tới gần 100% là người dân tộc Mông, còn cô giáo một tiếng dân tộc bẻ đôi cũng không hay.

Rồi cô dạy trò, trò dạy cô học tiếng diễn ra hằng ngày ở mọi lúc mọi nơi, từ nhà ra trường, từ trường đến nương rẫy, học trò đi đâu cô giáo theo đấy. Họ rảnh lúc nào, cô dạy họ lúc đấy, bất kể là ngày hay đêm tối. Sau một năm, vốn tiếng Mông của cô bắt đầu thành thạo, đường đi lối lại trong bản cô thuộc hơn và những lứa học trò đầu tiên cũng dần tiến bộ…

Hơn hai mươi năm đã qua kể từ những ngày đầu tiên gian khó ấy, một khoảng thời gian dằng dặc không thể đơn thuần tính bằng ngày tháng, mà phải đong đầy bằng mồ hôi, và biết bao cực nhọc, vất vả, đứa con gái lớn của cô giáo Hiên giờ cũng đã tốt nghiệp lớp 12. 12 năm cắm bản, là 12 năm cô Hiên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con người Mông. Bản Trống Màng Mủ B hoang sơ, thăm thẳm nơi thâm sơn cùng cốc, đã gần như là ngôi nhà thứ 2 của cô giáo người Kinh.

Ngày mới về "cắm bản", buồn đến nao lòng. Mỗi lần đứng trên nhà sàn nhìn ra con đường mòn dẫn vào bản, thấy một bóng áo trắng nhấp nhô, biết là có cán bộ lên, lòng cô giáo vui như mở hội vì sẽ gặp được người để trò chuyện, để nói tiếng mẹ đẻ. Ngày ấy, đường đi lối lại còn vô cùng khổ ải. Từ nhà ở Văn Chấn đến trường, cách khoảng 100 cây số, nhưng mỗi tuần chỉ có hai ba chuyến xe qua lại, mà kiếm được cái vé xe cũng không phải chuyện dễ dàng. Nhưng cũng chính nơi đây, trong lớp học xóa mù đầu tiên, cô giáo Kinh đã xao lòng bởi tấm chân tình của một chàng trai học trò người Mông.

Mặc dù đã nói tiếng Mông thành thạo đến mức có thể "họp bản" được, thấu hiểu sâu sắc phong tục tập quán của bà con, nhưng cô giáo trẻ lại không biết nghe kèn lá, không hiểu được những bài hát Mông, cho dù chàng học trò Giàng A Của thổi kèn lá rất hay. Dù thế, sự nhiệt tình, chất phác của A Của thì cô giáo vẫn nhận biết và động lòng.

Những ngày tháng cô đơn, xa nhà, sự có mặt thường xuyên của anh học trò Giàng A Của phần nào giúp cô giáo vợi bớt nỗi buồn, sự trống trải. Như mối tơ duyên được trời sắp đặt, lúc học trò được xóa mù, biết đọc, biết viết, biết vận dụng những con chữ vào việc làm nương, đi rừng, leo núi, cũng là lúc cô giáo người Kinh Nguyễn Thị Hiên cùng chàng trai Mông nên chồng nên vợ. Hạnh phúc gia đình càng là sợi dây bền chặt neo giữ cô giáo với bản Mông, với những cô cậu học trò suốt ngày đầu trần, đi chân đất.

Hạnh phúc nảy mầm nơi vùng cao gian khó

Giờ này, dẫu đã là Hiệu trưởng Trường THCS Mồ Dề với hơn 400 học sinh (100% là người Mông), nhưng do thiếu giáo viên, cô Hiên vẫn phải lên lớp như bình thường. Trường Mồ Đề không có điện lưới, lại đóng ở 8 bản khác nhau, mà bản xa nhất cũng trên chục cây. Nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội tới thăm trường, tặng tivi, tặng máy tính, nhưng những thiết bị hiện đại vẫn bất động một chỗ cho bụi phủ mờ.

Nhiều học sinh của cô Hiên xưa, nay đã trở thành đồng nghiệp, cũng là giáo viên dạy ngay tại Trường THCS Mồ Dề, như thầy Vàng A Páo, Sùng A Chống... Trường hiện có 38 giáo viên, thì 16 thầy, cô là người dân tộc Mông. Các thầy, cô giáo trẻ ở Mù Cang Chải vẫn vất vả như xưa. Họ hầu như không được nghỉ hè, không biết thế nào là cảm giác được học trò tặng hoa vào ngày 20-11. Lần duy nhất cô Hiên được tặng hoa 20-11 là năm dạy phổ cập cấp 2 cho lớp cán bộ xã, trưởng thôn, trưởng bản.

Cô Hiên tâm sự: "Mỗi lần đến ngày hội của nhà giáo, dẫu có được nghỉ, thì cô vẫn tập hợp các thầy cô trong trường, tự liên hoan với nhau để mọi người đỡ chạnh lòng". Cô cũng cho hay, vào những ngày mùa, muốn dụ học trò đến lớp, cô cùng đồng nghiệp phải cho kẹo. Còn vào những ngày giáp hạt, muốn giữ các em ở lại với lớp, nhiều lần cô cũng phải tự bỏ tiền túi ra để mua mì tôm, rồi còn lọ mọ nấu cơm chăm sóc học trò vào buổi trưa, để các em không phải nghỉ học vì đói.

Các cô giáo "cắm bản" còn kiêm luôn vai trò bảo mẫu, trông trẻ cho bố mẹ chúng lên nương. Có trường, để học trò không bỏ về giữa chừng, lỡ kỳ thi, cô giáo dỗ dành bằng cách chiếu phim cho chúng xem. Trăm nghìn nỗi niềm không nói nổi thành lời, nhưng cả cô Hiên và các cô giáo vùng xuôi của Trường Mồ Dề đều dứt khoát không chịu chuyển vùng, về nơi có điều kiện tốt hơn. Cái tình với người dân tộc, ý thức về sứ mạng đem con chữ, đem ánh sáng văn hóa xua đi cuộc sống tăm tối của trẻ em vùng sâu vùng xa đã neo giữ các cô giáo người Kinh bám trụ tại bản làng.

Năm học mới lại sắp bắt đầu, cô Hiên cũng như nhiều thầy, cô giáo khác ở Trường THCS Mồ Dề chỉ mong sao năm học tới, học sinh tự nguyện đến trường nhiều, ít bỏ học, để có thể học được nhiều cái chữ hơn nữa…

T.Huyền - H.Sen
.
.
.