Đi chợ vùng cao ngày Tết

Thứ Sáu, 28/01/2011, 11:10
Tiến sĩ Dân tộc học Hoàng Cầm, trong một chuyến điền dã tìm hiểu về văn hóa chợ vùng cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc, có nhận xét rằng: "Dường như tại các phiên chợ, người vùng cao coi trọng nét văn hóa ứng xử mang đậm tình người với nhau hơn là vấn đề trao đổi, mua bán hàng hóa...".

Nguyên sơ văn hóa chợ phiên

Tinh mơ ngày giáp Tết, khi sương giá còn tỏa ra như khói từ mũi người và súc vật, chợ phiên Đồng Văn (Hà Giang) đã nhộn nhịp, ồn ã tiếng người. Chợ Đồng Văn rộng rãi, kiên cố với những dãy cột đá lớn chạm trổ lạ mắt, mang nhiều dấu ấn giao thoa kiến trúc đặc sắc của văn hóa bản địa, Hoa, Pháp.

Ngày xưa, chợ vốn thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Yên (Tuyên Quang). Sau này, là lãnh địa của những người Tày châu Bảo Lạc. Từng dòng sặc sỡ áo chàm, áo thổ cẩm của người Dao, Mông, Hoa, Giáy, Tày, Nùng… khoác thêm áo phao tránh rét chen vai thích cánh bên các gian hàng bày tạm trong khuôn viên khu chợ đá cổ có tuổi đời đã trăm năm.

Thường nhật, chợ vẫn họp vào các buổi sáng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cư dân thị trấn với các món thực phẩm. Nhưng mỗi tháng chỉ có bốn phiên chợ họp vào ngày thứ bảy, nên dịp này bà con khắp các làng xã của huyện kéo về chơi chợ phố cổ, đông hơn đi hội.

Chợ phiên ngày giáp Tết càng đông đúc hơn, vì ai cũng có nhu cầu mua sắm những đồ vật giá trị, phù hợp cho ba ngày Tết no đủ ấm êm của cả gia đình. Sương dần tan, càng rõ những gương mặt người từ nhiều ngả đường, sườn đồi đang hăm hở hướng về phía chợ. 

Sặc sỡ sắc màu nhất là khu vực cổng chợ, nơi tập trung đông các mặt hàng lâm thổ sản của bản địa. Màu của cam, cải, ngô, khoai… và sắc áo dân tộc truyền thống của những người phụ nữ, vốn được may vá đặc biệt công phu, cầu kỳ. Hàng hóa được mua bán từng gùi, đấu, với giá rẻ bất ngờ đối với hầu bao của khách du lịch.

Nhưng nơi tập trung đông người bán hàng nhất là dãy hàng rượu, với từng dãy các can nhựa đựng đầy rượu ngô cay nồng. Tôi thử đếm một dọc bên hông chợ, có đến hơn 40 người bán rượu, lỉnh kỉnh can, chai, phễu, muỗng. Người bán nào cũng tự tin rằng can rượu ngô của mình là ngon nhất, say nồng nhất, nên rất hào phóng mời khách thử rượu trước khi mua. Rượu được chắt từ can ra chiếc chén nhỏ, hoặc chính nắp can cho khách thử, chủ hàng hồi hộp đứng chờ nghe tiếng khà, hay cái gật gù chép miệng khen ngon.

Một vài du khách miền xuôi tếu táo: "Cứ đi dọc dãy hàng rượu này mà thử từng can, sẽ được khướt cò bợ, mà chẳng phải tốn một đồng tiền nào". Đó cũng là nét đặc sắc của văn hóa chợ vùng cao, người bán hàng luôn mong người mua tin rằng, sản phẩm của mình tốt nhất, rồi thì bán được hàng hay chưa sẽ tính sau.

Nhộn nhịp tại góc bán rượu chợ phiên Đồng Văn.

Còn khu vực đông người nhất, đậm đà bản sắc văn hóa nhất của chợ vùng cao chính là cuối chợ, với dãy hàng thắng cố nghi ngút khói và dãy bàn ghế tạm chật cứng người ngồi. Mỗi nhóm cả nam, nữ, trẻ già ngồi chen vai bên mấy bát thắng cố, mỗi người cầm một chiếc thìa, còn thì lỉnh kỉnh chai, chén rượu. Họ tin rằng, cùng ăn chung một chiếc chảo có đường kính hơn 1 mét như chiếc chảo "đại táo" trong quân đội, cùng chung chai rượu, cùng nắm tay trò chuyện thì tình thân, tình thôn nghĩa bản sẽ thắt chặt hơn.

Thắng cố là món ăn truyền thống lâu đời, được cho là khởi phát từ người Mông, với nguyên liệu là tất cả thành phần thực phẩm có từ ngựa (sau này thêm cả thắng cố thịt trâu, bò, lợn) nấu chung trong một chiếc chảo lớn luôn rừng rực lửa đáy nồi. Một số nhà nghiên cứu còn khẳng định rằng, do tập quán di cư phóng khoáng của người Mông xưa, họ thường thịt cả con ngựa, lột da trát đất căng cọc bốn góc làm nồi, rồi băm chặt tất cả các thứ có thể ăn được của con ngựa cho vào đun nấu.

Không khí thưởng thức "bữa tiệc rượu, ngựa" của người xưa không rõ thế nào, có đúng là "cùng vui nhảy múa trên bốn chiếc cọc của nồi thắng cố" như dân ca Mông xưa hay không, nhưng nhìn nét mặt hoan hỉ, hai bàn tay nắm chặt nhau trong tiếng khóc cười lâu ngày gặp mặt của những người trong tuổi "ông nội, bà ngoại" nơi chợ phiên ngày nay, mới thấy cái tình người bên nồi thắng cố ấm áp như thế nào.    

"Đi chợ phiên không nhất thiết phải mua hay bán được hàng, người dân vùng cao tin vậy. Họ đến chợ lần lượt với các mục đích gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, mua bán… Món hàng bán được hay không, đắt hay rẻ… không quan trọng bằng cái tình mà mình cho và nhận được nơi phiên chợ, cả tuần mới có một ngày. Đó là nét đặc sắc đáng trân trọng trong văn hóa chợ của người vùng cao"- Tiến sĩ Hoàng Cầm, nhà Dân tộc học người Thái, cho biết.     

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Dạo quanh một vòng khu chợ phiên của các xã Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng… nằm dọc tuyến đường 4C, chúng tôi nhận thấy các loại hàng hóa ở chợ phiên ngày càng nhiều và phong phú, nhưng không ít những nét nguyên sơ của chợ vùng cao đang mai một.

Có sự xâm nhập tràn lan của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ... Các đĩa phim ảnh lậu rất nhiều, bày bán trên các rổ, sạp hàng tạm bợ. Nhiều nhất là bánh kẹo không nguồn gốc xuất xứ, màu sắc lòe loẹt, không nhãn hiệu, được bán theo "cân" (kg), đơn vị đo lường mới xuất hiện gần đây tại các chợ phiên. Có nhiều gian hàng còn bán tân dược trên sạp giữa chợ, mà chẳng rõ cả người bán và người mua có hiểu chút nào về các loại thuốc đó?

Vải vóc, thổ cẩm cũng không chỉ còn đến từ các thôn bản, mà đều nhập từ bên kia biên giới về, bày bán la liệt, bóp nghẹt nghề dệt thủ công của người dân. Dao rừng, lưỡi cày tam giác bằng gang, thép… vốn là niềm tự hào về tay nghề rèn của người Mông cũng bị hàng ngoại nhập lấn lướt tại các khu chợ. Không phải khu chợ nào cũng còn có ngựa thồ, ngay cả hàng hóa là đại gia súc cũng rất ít. Các chợ ngựa, trâu, bò… được nông dân mua về làm sức kéo cũng ít hơn và kém nhộn nhịp.

Theo gợi ý của một nhà văn hóa, tôi để ý tìm ở nhiều chợ phiên vùng cao, nhưng không thấy bóng dáng một người thợ làm hàm thiếc hay đóng móng ngựa, vốn là nghề rất thịnh và là nét đẹp văn hóa của chợ vùng cao những năm xưa…

Lê Quân
.
.
.