Đẹp mãi cô giáo người Nga

Thứ Sáu, 12/11/2010, 10:57
Cha làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại Nga, con tốt nghiệp xuất sắc tại một trường danh tiếng ở Nga, trong gia đình Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Đàm, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đầy ắp kỷ niệm về nước Nga.

Ký ức Nga

Trong căn nhà nhỏ của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm tại phường 7, TP Tuy Hoà, ngồn ngộn những sách là sách, trong đó chiếm một phần lớn là sách tiếng Nga. Ông cho biết: Về hưu, tuổi đã cao, không còn tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Phú Yên và các trường đại học ở TP HCM như những năm trước nên có điều kiện nghiên cứu và đọc sách. Đọc sách tiếng Nga, với ông, từ lâu đã trở thành thú vui.

Năm 1954, từ Phú Yên tập kết ra Bắc, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Đàm được sang học tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) rồi về học khoá 3, khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông đi dạy học mấy năm ở miền Bắc, đến năm 1963 thì đi B, công tác tại Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1975, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về khoa học tâm lý giáo dục. Người hướng dẫn khoa học cho ông là Tiến sĩ Ruv Mikhailôvna Rôgôva, một người phụ nữ Nga tóc vàng, phúc hậu, đẹp như một diễn viên điện ảnh. Biết người học trò của mình là một cán bộ giáo dục mới vừa từ chiến trường miền Nam Việt Nam sang, Tiến sĩ Rôgôva đã coi ông như người em thân thiết và tận tình giúp đỡ.

Cuộc hội ngộ trên đất Nga: Giáo sư, Viện sĩ Rôgôva và vợ chồng, con trai Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm.

Ông kể, khi mới sang, tiếng Nga của ông còn ấm ớ lắm, nghe học sinh nói như nghe tiếng chim hót. Ông căng thẳng lắm, về than thở với bà. Bà liền nghiêm nét mặt và bảo: "Hãy đi đi! Hãy nghe đi! Hãy nói đi!". Và nói thêm: "Du kích Việt Nam lừng danh mà sợ tiếng Nga à!". Nhờ thực hiện phương châm của bà mà ông tiếp thu tiếng Nga khá nhanh. Sau này về nước, ông đã áp dụng thành công những kiến thức đã học được ở Nga, trong đó, điều tâm đắc nhất của ông là thành lập Trường Niềm vui Phú Yên- ngôi trường dành cho các em khuyết tật ở Phú Yên và nhiều tỉnh bạn.

Trong 4 năm làm nghiên cứu sinh ở Nga, ông có nhiều dịp đi về các địa phương Nga. Ông nhớ, khi mới sang Nga, ông về Riazan, thăm nhà cũ của nhà thơ Exenhin. Trò chuyện, biết ông mới từ chiến trường miền Nam Việt Nam sang, lập tức các cụ về nhà bê hàng rổ trứng gà, hàng thùng sữa tặng ông. Ông từ chối: "Nhiều thế này, làm sao con ăn cho hết!". Các cụ - vốn là những chiến sĩ du kích chống phát xít - ân cần bảo: "Hãy nhận đi! Không chỉ tặng riêng cho anh đâu, mà chúng tôi tượng trưng tặng cho những người chiến sĩ miền Nam Việt Nam anh hùng đấy!".

Cuộc hội ngộ đặc biệt

Ông yêu thiên nhiên Nga, con người Nga, tính cách Nga. Cũng chính vì yêu nước Nga, tin tưởng vào nền khoa học của Nga, nên khi con trai ông là Nguyễn Xuân Sơn - một học sinh xuất sắc của Trường Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) và Lê Hồng Phong (TP HCM), một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa TP HCM, có quyền chọn du học ở nhiều nước Âu - Mỹ, nhưng ông vẫn bàn với con chọn du học nước Nga, tại Trường Đại học Năng lượng Moskva. Ông nói: "Học tại Nga, chắc chắn con tôi sẽ nên người".

Tháng 6 năm ngoái, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm được Giám đốc Trường Đại học Năng lượng Moskva mời sang dự lễ tốt nghiệp của con trai. Khỏi phải nói ông vui như thế nào. Dù tuổi đã cao nhưng ông quyết định cùng vợ làm một chuyến  "hành hương" trở lại quê hương Cách mạng Tháng Mười, quê hương của Lênin vĩ đại, để vừa dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai, vừa để cảm ơn đất nước Nga, các thầy cô giáo, đặc biệt là Giáo sư, Viện sĩ Rôgôva - người hướng dẫn ông làm luận án Phó tiến sĩ.

Lần theo địa chỉ duy nhất đã mờ chữ trong bức thư của Giáo sư Rôgôva gửi cho ông từ 25 năm trước, qua sự tận tình giúp đỡ của một chiến sĩ Công an Nga - bạn của con trai - ông đã tìm được địa chỉ của bà. Một cuộc hội ngộ kỳ diệu đã diễn ra vào một ngày đầu tháng 7 ở Moskva, trong ngôi nhà của cô giáo ông rợp bóng bạch dương. Hơn 30 năm mới gặp lại, hai cô trò ôm nhau, nước mắt chảy dài trên hai khuôn mặt đã nhăn nheo vì tuổi tác. Quanh bàn đầy thức ăn Nga và Việt: canbaxa, xmetana, kephia, nem rán, bánh phồng tôm, lạc rang, thanh long, măng cụt… hai thế hệ, hai gia đình nhà giáo của 2 đất nước anh em chuyện trò tưởng như không bao giờ dứt…

Một kỷ niệm đáng nhớ trong lần trở lại nước Nga lần này là ông được chứng kiến con trai ông nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường Đại học Năng lượng Moskva và được thay mặt các lưu học sinh phát biểu. Ông cũng được thay mặt các bậc phụ huynh nói lời cảm ơn nhà trường.

Không chỉ rất thịnh hành ở Nga mà ở Việt Nam cũng rất nhiều người thuộc và yêu bài hát "Mặt trời luôn sáng mãi". Bài hát có đoạn "Luôn luôn mẹ của tôi ở trong tim tôi. Luôn luôn con là người con yêu của mẹ…". Bài hát truyền cho các thế hệ nước Nga và nhiều người Việt Nam tình yêu quê hương đất nước, niềm tin vào sự thủy chung và niềm hi vọng. Với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, bài hát đã trở thành hành trang của cuộc đời. Bởi ông đã coi Giáo sư, Viện sĩ Rôgôva như người chị, người mẹ thứ hai của mình

Phan Xuân Luật
.
.
.