Đến con đường sáng bằng tình yêu của người vợ hiền

Thứ Sáu, 18/03/2005, 16:29
Dù Quảng bị mù nhưng tình yêu đã khiến Nền theo anh về Hải Phòng, bỏ cả nghề giáo viên ở quê nhà. Đám cưới của hai người thật giản dị, trong ngôi nhà đơn sơ nơi xóm nghèo bên dòng Tam Bạc...

…Ông Nguyễn Xuân Quảng sinh ra trong một gia đình nghèo túng nơi mảnh đất xóm liều bên triền sông Tam Bạc. Cậu bé Quảng nheo nhóc lớn lên trên bãi rác. Hồi đó, từ một trận sốt, đôi mắt bé Quảng cứ mờ dần, rồi không nhìn thấy gì nữa. Bác sĩ kết luận bé bị thiên đầu thống.

Năm 1952, khi Quảng 13 tuổi, chiến tranh loạn lạc, gia đình thường xuyên phải tản cư nên bố mẹ gửi cậu lên Trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội, trường học dành cho người mù cả miền Bắc. Vào trường, Quảng được học âm nhạc. Có năng khiếu nên cậu học rất nhanh, chỉ hai năm đã chơi thạo các loại đàn như ghita, viôlông, măngđôlin, thập lục, nhị, đặc biệt Quảng hát cải lương rất hay.

Năm 1954, không được nhận vào làm Nhà nước, Quảng “đầu quân”  cho một gánh hát. Gánh hát đó thường nặc danh Đoàn cải lương Hải Phòng đi diễn ở vùng nông thôn và các tỉnh lân cận. Mặc dù là gánh hát nặc danh, song Quảng cũng cảm thấy vui bởi vì được mang lời hát, tiếng đàn đi phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Bà Nén và quán tạp hoá.

Năm 1972, giặc Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, Hải Phòng cũng là mục tiêu trọng điểm. Người cha đã mất từ năm 1965, hai mẹ con Quảng dắt díu nhau sơ tản về Hải Dương.

Sơ tán nơi xa, chàng trai mù vẫn không xa rời được cây đàn. Một lần khi anh mải mê hát nên đâu biết, ngay dưới trận địa pháo, sau lưng anh, cô gái thôn quê Nguyễn Thị Nền, người huyện Gia Lộc, ngồi nghe tiếng hát của anh mà khóc thút thít. Cô cất giọng, anh giật mình luống cuống, chiếc đàn rớt xuống ruộng ải, anh huơ huơ đôi tay gầy guộc lần tìm. Lúc này, cô mới biết anh bị mù.

Cuối tháng 12/1972, máy bay Mỹ buộc phải ngừng bắn phá miền Bắc, Nền đưa chàng rể tương lai về ra mắt bố mẹ. Dù bố mẹ phản đối nhưng Nền vẫn quyết tâm.

Nhớ lại chuyện cũ, ông Quảng bộc bạch: “Cả đời bà ấy chăm sóc tôi và các con một cách chu đáo, đúng là bà ấy đi tìm hạnh phúc trong bể khổ nhưng lại bảo đã mãn nguyện. Còn tôi, bây giờ mới nhận ra rằng, tôi đã cướp đi cả tuổi thanh xuân của bà ấy. Phải chăng tôi là kẻ ích kỷ, hẹp hòi?...”. Từ đôi mắt hõm tịt của ông nước mắt ứa ra...

Nhọc nhằn nuôi 4 người con vào đại học

Chồng mù, vợ không nghề nghiệp mà sòn sòn đẻ 4 đứa con trong vòng 8 năm, từ năm 1975 - 1983. Cuộc sống gia đình phụ thuộc cả vào cái quán tạp hóa lèo tèo của người mẹ già và đồng lương ít ỏi của anh Quảng gảy đàn thuê cho gánh hát. Khó khăn càng chồng chất, khi năm 1983, người mẹ già qua đời, gánh hát giải thể.

Hôm nào cũng vậy, chị Nền phải dậy từ 2-3h sáng, đạp xe tới các vùng nông thôn mua rau về bán, anh Quảng vào Hội Người mù làm chổi đót, tăm tre. Cuộc sống nghèo khổ, bữa rau bữa cháo thế may thay các con thi nhau lớn, chẳng ốm đau gì mà đều ngoan ngoãn, chịu khó học hành.

Mùa hè năm 1993, bác đưa thư mang vào cho ông bà hai tấm giấy báo trúng tuyển đại học của cô con gái lớn Nguyễn Hồng Hạnh, một tấm của Trường đại học Tài chính - Kế toán, một tấm của Trường đại học Hàng hải. Mấy chị em sung sướng ôm nhau nhảy mừng rơi nước mắt. Ông Quảng khuôn mặt rạng rỡ, mãn nguyện, còn bà Nền lặng lẽ ra bờ sông Tam Bạc ngồi khóc.

Ông bà bàn tính, nếu học trên Hà Nội thì mỗi tháng phải mất 400-500 ngàn, còn học ở Hải Phòng thì chỉ mất tiền học phí, vậy là ông bà quyết định bắt Hạnh học Trường đại học Hàng hải. Bọn trẻ lý luận, có học Trường đại học Tài chính - Kế toán thì sau này mới kiếm được nhiều tiền, mới giúp bố mẹ đỡ khổ. Ông bà thương con nên đành liều để con đi học.

Sau ngày Hạnh lên Hà Nội nhập trường, cả nhà xúm lại bàn tính, phân công công việc kiếm tiền quyết nuôi Hạnh thành cử nhân. Bà Nền dậy sớm hơn, đạp xe về tận Kiến An, Thủy Nguyên để mua rau với giá tận gốc. Bà nuôi thêm đàn lợn để tăng thu nhập.

Huyền và Việt Anh được bố mẹ sắm cho hai cái bàn con, ấm, phích, bếp lò, cốc chén. Buổi sáng đi học, buổi chiều, chị ngồi ở đầu phố, em ngồi ở cuối phố Lý Thường Kiệt bán nước vối. Trang sinh năm 1983, khi đó mới 10 tuổi, chưa làm được việc gì thì có nhiệm vụ dắt bố đi xin cơm thừa, canh cặn về nuôi lợn.--PageBreak--

Người dân khu vực dọc bờ sông Tam Bạc còn nhớ mãi hình ảnh người cha mù oằn lưng gánh hai thùng nhựa đen xì, to tướng chứa đầy cơm ôi, canh thiu, tay ông nắm chắc một đầu chiếc gậy nhỏ, đầu kia bé Trang cầm đi trước dẫn đường. Nhiều người dân đất cảng hiểu hoàn cảnh gia đình ông nên trút cả nồi cơm thừa vào chiếc thùng của ông.

Đám công nhân, sinh viên thì giữ rịt lấy thùng đựng thức ăn thải, không cho ai lấy, hễ thấy bóng bố con người mù dò dẫm quẩy thùng đến là xách ra trút vào hộ... Ai cũng hiểu rằng, mớ rau thừa, canh cặn chính là nguồn góp phần nuôi sống gia đình ông Quảng và nuôi con gái ông thành cử nhân.

Cách nuôi lợn của bà Nền thì thật chẳng giống ai. Ngôi nhà mà cả 6 người sinh sống chỉ rộng chừng 20m2, trong đó, hiên nhà để bán hàng, giữa nhà kê đủ hai chiếc giường ngủ, phía trong cùng bà quây tấm ván gỗ nuôi đàn lợn nhung nhúc 10 con. Mấy chị em toàn ngồi ở vỉa hè học đến 2 – 3h sáng dưới ánh đèn đường. Chỉ có học đến lúc mệt lử mới lăn ra ngủ.

Hạnh thương bố mẹ, anh em nên rau cháo học hành. Mỗi tháng bố mẹ gửi lên 400 ngàn, song tiêu pha cả tháng rồi mà vẫn còn dư hẳn 100 ngàn. Hạnh tính, học phí mất 150 ngàn, 50 ngàn tiền thuê nhà, 50 ngàn tiền thức ăn, 50 ngàn các khoản dầu mỡ, tiền tàu xe đi về. Lúc chưa bận thi cử thì đi làm gia sư nên cũng kiếm được đôi chút, thành ra không tiêu hết tiền do mẹ và hai em bán nước gửi lên. Sau mỗi học kỳ, Hạnh lại được lĩnh tiền học bổng do xếp loại giỏi.

Năm Hạnh đi học trên Hà Nội cũng là năm Huyền ôn thi cuối cấp. Ông bà Quảng xác định nếu Huyền lên Hà Nội học nữa thì chỉ có nước bán nhà nên ông bà khuyên con chỉ đăng ký thi ở Hải Phòng. Huyền thương bố mẹ, lại nghĩ đến cảnh chị Hạnh học xa cần nhiều tiền nên nuốt nước mắt, đăng ký thi Trường cao đẳng Sư phạm Hải PhòngĐại học Hàng hải, mặc dù mơ ước từ nhỏ của em là thi ngành Y, ngành Dược để mong một ngày được dắt bố qua cơn bệnh tật, mù lòa. Rồi Huyền cũng đỗ cả hai trường một lúc.

Bà Nền ép con học sư phạm cho đỡ tốn, nhưng Huyền quyết tâm vào Đại học Hàng hải và hứa sẽ tìm cách tự nuôi thân nên ông bà cũng đành gật đầu đồng ý. Cái quán nước nhỏ bé của Huyền không những kiếm đủ tiền nộp học phí mà còn kiếm thêm được tiền nuôi Việt Anh ăn học.

Ông Quảng, bà Nén cùng cô gái út Nguyễn Thu Trang.

Năm cậu con trai thứ 3 Nguyễn Việt Anh ôn thi cuối cấp cũng là năm đại học cuối cùng của Hạnh. Năm 1997, Việt Anh thi Đại học Mỏ địa chất và Đại học Bách khoa thì đỗ luôn cả hai trường. Việt Anh chọn Đại học Bách Khoa. Việt Anh học xong năm thứ nhất thì Hạnh về Hải Phòng và làm ở Công ty giấy Hapaco. Dù lương Hạnh đủ nuôi Việt Anh, song Việt Anh lại tự nuôi được thân nhờ học bổng và đi làm thêm.

Hạnh đi làm được một năm thì Huyền cũng ra trường và được Công ty Vận tải Hải Khánh nhận vào làm. Năm 2001, khi cô con út Nguyễn Thu Trang vào Đại học Dân lập Hải Phòng thì Việt Anh cũng ra trường và trở thành kỹ sư điện của Công ty SYK Nhật Bản.

Giờ đây, dù cô út còn đang học đại học, song ông bà không phải lo lắng gì, chị em tự biết nuôi nhau. Bà Nền hằng ngày lụi cụi với gian hàng chổi đót, tăm tre, thúng mủng... là những mặt hàng mà Hội Người mù Hồng Bàng sản xuất. Ông Quảng hằng ngày lên Hội sinh hoạt, dạy các cháu khiếm thị chơi đàn, hát cải lương, rỗi rãi thì ông ra bờ sông hóng gió, lấy cảm hứng sáng tác. Những ca khúc như "Chào mừng Hội Người mù Việt Nam", "Sương chiều"... của ông được người dân đất Cảng yêu thích

Phạm Ngọc Dương
.
.
.