Đến Mỹ gặp các nhà báo từng tham chiến ở Việt Nam

Chủ Nhật, 11/04/2010, 10:48
Tham gia trong chương trình khách quốc tế thăm quan Hoa Kỳ vào tháng 3/2010 vừa qua, 10 thành viên Đoàn Nhà báo Việt Nam chúng tôi may mắn được gặp rất nhiều người Mỹ yêu quý Việt Nam. Họ là những trí thức từng đến, từng làm việc ở Việt Nam mà yêu đất nước, con người Việt Nam thì đã là rất quý giá, lại có nhiều người chỉ biết đất nước chúng ta qua sự giới thiệu của bạn bè, thế mà họ yêu Việt Nam, cũng là rất quý.

Nhưng trong số họ, có những người từng là lính Mỹ, thậm chí là sỹ quan quân đội Mỹ tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam, vậy mà họ rất yêu và trân trọng Việt Nam.

Từ người giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam hơn 40 năm trước

Trong chương trình đã được xếp lịch dày đặc những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các tòa soạn báo chí Mỹ (từ báo in, báo điện tử, đài/kênh truyền hình) và các tổ chức liên quan đến báo chí (Hiệp hội nhà báo quốc gia Mỹ, tổ chức các nhà báo chuyên điều tra - như ở Việt Nam quen gọi là "viết phóng sự - điều tra"…), thì có một cuộc gặp khiến chúng tôi tò mò, đó là chương trình thăm và ăn tối tại một gia đình người Mỹ ở bang California.

Rời trung tâm TP San Francisco khoảng 1 giờ ôtô, lượn quanh bờ biển Muirbeach với một bên là sườn núi, chúng tôi được đi qua Vườn Quốc gia Muir Woods có rừng thông đỏ - loại cây đã có hàng ngàn tuổi, rất quý giá của vùng đất này, bắt gặp những ngôi biệt thự cheo leo bên sườn núi. Đó là nhà riêng GS-TS Donald Cohon. TS Cohon vồn vã ra đón chúng tôi, không ngờ rằng đó là một ông già râu bạc, tóc bạc, cao lớn và nói tiếng Việt khá chuẩn. Trong nhà ông có mấy người đang chuẩn bị bữa tối đãi chúng tôi.

Nhìn những đồ dùng và sách bày biện trong nhà và trò chuyện với TS Cohon mới biết rằng ông đã từng sang Việt Nam dạy học năm ông 21 tuổi, khi ấy ông vừa tốt nghiệp cử nhân văn chương ở Mỹ và làm việc cho Tổ chức Tự nguyện Quốc tế (IVS), một tổ chức bảo trợ những chương trình tự nguyện vùng Đông Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ. ông đã cùng 4 giáo viên Anh ngữ và 3 kỹ sư canh nông nữa đến miền Nam Việt Nam. Sau đó là 2 năm ông gắn bó dạy tiếng Anh tại một trường phổ thông trung học ở Vũng Tàu.

"Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua", ông nói vậy và đưa cho tôi xem cuốn kỷ yếu của những cựu học sinh (HS) Trường PTTH Vũng Tàu (hiện sinh sống tại Mỹ)... Thì ra những cựu HS ấy ở Mỹ vẫn tổ chức gặp mặt những dịp kỷ niệm, và thầy giáo Cohon thường xuyên là khách mời trân trọng.

Sau khi rời Việt Nam, thầy giáo Cohon trở về Mỹ, học lên học vị TS và trở thành GS ĐH Y khoa của Bang California. Ông thổ lộ: "Tôi vốn mơ ước được làm những công việc xã hội để cải thiện đời sống của những con người kém may mắn, giờ đây tôi đã đạt được giấc mơ ấy với những công việc mà tôi đã và đang làm". Có lẽ có một người cha giàu lòng nhân ái như vậy, nên con trai của GS, anh Nicholas (tốt nghiệp ĐH Western) cũng luôn quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Cựu PV chiến tranh tại Việt Nam Jacques  Loslie và vợ cùng tác giả.

Với mong muốn tổ chức một vài dự án xã hội tại Việt Nam cho những người còn kém may mắn, gần đây ông đã trở lại Việt Nam vài lần. Ông cẩn thận cất những tấm vé máy bay, vé tàu, vé xem kịch hát, xem múa rối… ở Việt Nam  lại thành "một bộ sưu tập Việt Nam ".

Đặc biệt tại bữa tối ở nhà riêng GS Cohon, chúng tôi may mắn được gặp những gia đình là bạn bè thân thiết hoặc hàng xóm của GS.  Thì ra người Mỹ cũng rất hồn hậu, cởi mở và dễ gần, tình hàng xóm cũng cộng đồng và gần gũi như người Việt Nam vậy. Đến ăn tối cùng chúng tôi còn có vợ chồng một vị khách của GS khá gây ấn tượng với chúng tôi, đó là nhà báo Jacques  Loslie, ông từng là phóng viên báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam những năm chiến tranh. Ông khiến các nhà báo Việt Nam  chúng tôi vô cùng bất ngờ khi ông rất tự hào "khoe" rằng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Sài Gòn này, ông và một nhóm nhà báo Mỹ đã từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam, sẽ sang TP HCM để dự lễ kỷ niệm đó.

Ngày bay đã được ấn định, ngày 25/4/2010, đoàn nhà báo Mỹ của ông sẽ có mặt tại TP HCM… Một số nhà báo Việt Nam ngỏ ý muốn mời ông ăn cơm tối tại Việt Nam khi ông sang, nhưng Jacques nói rất tiếc đã kín lịch mất rồi và trong chương trình các ông được lãnh đạo TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mời chiêu đãi. Tôi hỏi ông có cái tên rất… France, vậy ông có phải gốc Pháp không? Jacques cười thật vui: Tại bố mẹ tôi yêu vawnhoas Pháp nên đặt cho tôi cái tên Pháp rất điển hình,còn tôi là người Mỹ 100%...

Đến nhà tình báo chiến lược của Quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam

Câu chuyện của cựu PV chiến tranh ở Việt Nam Jacques khiến tôi nhớ đến vị GS khả kính của ĐH Báo chí Washington mà ít hôm trước chúng tôi mới gặp ở Thủ đô Washington D.C - GS Professor Michel Shanahan. Ông là GS báo chí, theo chương trình thì ông trao đổi với chúng về tương lai báo in đi về đâu trong thời đại kỹ thuật số phát triển như vũ bão. Nhưng thật bất ngờ, khi vừa gặp, ông đã "chào" chúng tôi bằng chính câu chuyện của đời ông.

Michel kể, ông vốn là một nhà tình báo Mỹ, được đào tạo bài bản rồi ném vào chiến tranh Việt Nam năm 1967. "Khi đó tôi đóng quân ở Củ Chi, vậy mà một nhà tình báo Mỹ như tôi, và nhiều người khác nữa, không hề biết rằng có một đường hầm Củ Chi trong lòng đất. Sau này tôi mới biết, thấy đúng như huyền thoại. Nhưng khi tham chiến ở Việt Nam, tôi đã hiểu rằng chiến tranh Việt Nam của Chính phủ Mỹ thật phi lý, vì vậy tôi muốn trở thành nhà báo. Vậy là từ năm 1970 tôi trở thành nhà báo Mỹ, tôi làm cho báo Washington và sau đó tôi trở thành GS dạy ĐH Báo chí". GS bộc bạch như vậy và khảng khái khẳng định: "Trong cuộc chiến đó, các vị thắng là đúng, bởi vì lẽ phải thuộc về Việt Nam"!

Tuy không tham gia ở Việt Nam, nhưng những gì mà vị GS ĐH Báo chí Mỹ tâm huyết đấu tranh đòi lẽ công bằng cho nạn nhân CĐDC ở Việt Nam đã làm chúng tôi xúc động.

Ông là GS John Funabiki của ĐH báo chí Mỹ. Ông gốc người Nhật Bản. Câu chuyện mở đầu của ông đã "gây sốc" cho chúng tôi khi ông thông báo: "Tôi vừa trở về từ đất nước Việt Nam của các bạn. Tôi đến để chuẩn bị cho việc sẽ đưa một nhóm các nhà báo Mỹ yêu chuộng công lý đến với Việt Nam, để tiếp tục đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Trong thế chiến thứ 2, ông nội và cha mẹ tôi đều bị tống vào nhà tù, trong khi đó mẹ tôi đang có thai, và bà đã sinh ra anh trai tôi trong nhà tù. Khi lớn lên, tôi luôn nghĩ rằng phải tin vào nhân quyền, phải có công bằng, vì vậy tôi thấy cần phải làm gì đó cho Việt Nam, cho những nạn nhân CĐDC, những nạn nhân đó phải chiến thắng, đó mới chính là công lý".

Rồi Funabiki kể: Ông biết sự thật về những nạn nhân CĐDC Việt Nam không phải qua các kênh báo chí truyền thông của Mỹ (mặc dù ông là một nhà báo lâu năm và cũng là một giảng viên ĐH báo chí), mà ông bất ngờ biết sự thật khi một nữ Nhà báo Nhật Bản cho ông xem cuốn phim tư liệu của chị tố cáo tội ác do chất da cam mà trong chiến tranh Quân đội Mỹ đã rải thảm lên nhiều vùng miền của Việt Nam. Funabiki bị choáng và sợ hãi khi nhìn thấy nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của 3 thế hệ nạn nhân CDC ở Việt Nam, ông không tưởng tượng được hậu quả của CĐDC vẫn đang kéo dài như vậy trên đất nước Việt Nam dù đã 35 năm hòa bình. Vì vậy ông quyết định tập hợp một nhóm nhà báo Mỹ, tổ chức cho họ sang Việt Nam để tận mắt chứng kiến sự thật tàn khốc đó, để có tiếng nói đấu tranh cho nạn nhân CĐDC, ông muốn qua truyền thông để nhiều người dân Mỹ biết rõ hơn sự thật về những thế hệ trẻ em Việt Nam đang chịu tàn phế do nhiễm CĐDC, đồng thời ông cũng mong muốn góp tiếng nói kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ tiền bạc để dọn sạch tận gốc CĐDC ở những vùng bị rải thảm…

14 ngày trên đất nước Mỹ, chúng tôi đã đi, đã gặp, những gương mặt, những câu chuyện tràn ngập tình yêu Việt Nam  như vậy…

Trần Thu Hằng
.
.
.