Đến Genève nhớ chuyến đi tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ năm ấy

Chủ Nhật, 06/01/2013, 20:56
Tôi đứng giữa quảng trường Nation, suy tư ngắm nhìn chiếc ghế gỗ cao 12m có 4 chân mà một chân bị cháy sém. Và từ hình ảnh chiếc ghế bị cháy sém chân ấy, tôi thấy nhớ về người cha mình đã can trường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên mặt trận ngoại giao...

Những hồi chuông vang lên từ nhà thờ lớn nằm trên sườn đồi thoai thoải với những khu phố cổ sầm uất, thanh bình của thành phố có cả những khoảng đồi cao lẫn vùng hồ nước mênh mông phẳng lặng, tạo nên một khung cảnh thanh bình, trong trẻo mà vẫn có những nét chấm phá rất riêng, đó là Genève, Thụy Sĩ.

Những người dân lịch lãm rảo bước, những cửa hàng được trang trí sinh động và cách điệu trong khu phố cổ với nhiều mặt hàng phong phú, trong đó không thể thiếu các sản phẩm đặc trưng của Thụy Sĩ như đồng hồ, dao đa chức năng tượng trưng cho tinh hoa trí tuệ con người nơi đây. Bách bộ xuống khu phố thấp hơn, chúng tôi qua chiếc cầu bắc ngang hồ Léman để ngắm cột nước trắng xóa và những đàn thiên nga, những chú vịt lớn bơi lội yên bình trên mặt nước phẳng lặng...

Ai cũng nhận thấy mức sống của người Thụy Sĩ khá cao qua vẻ bề ngoài sang trọng, thong dong và cũng đủ độ hồn hậu khi tiếp xúc. Nhưng tiếp tục đi trên các tuyến phố tới công viên có chiếc đồng hồ hoa lớn, chúng tôi bắt gặp đoàn người đi dọc các tuyến phố biểu tình. Họ hát vang ca khúc - là khẩu hiệu cùng nhau đoàn kết. Vậy là thành phố tưởng như rất yên bình vẫn có những gợn sóng của một thế giới bất ổn với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Đan xen với hơi thở của đời sống hiện đại, Genève vẫn giữ nét cổ kính của thành phố châu Âu mang nhiều dấu ấn Pháp. Người dân chủ yếu nói tiếng Pháp. Tình cờ hôm chúng tôi có mặt ở Genève, trên đường phố diễn ra một lễ hội truyền thống. Người ta kể, trước kia có một công tước muốn chiếm nơi này và người dân thành phố đã chống lại. Lễ hội diễn lại những đội quân mặc trang phục cổ xưa đi trên phố, tả lại cảnh người ta dùng đại bác bắn từ trên đồi cao xuống. Người dân Genève và các vùng lân cận nô nức tham dự…

Tôi đứng giữa quảng trường Nation, suy tư ngắm nhìn chiếc ghế gỗ cao 12m có 4 chân mà một chân bị cháy sém. Chiếc ghế này do nghệ sĩ Daniel  Berset người Thụy Sĩ sáng chế và Louis GENE là người thực hiện, được đặt tại quảng trường từ năm 1999. Đây là biểu tượng chống lại bom mìn gây sát thương cho trẻ em ở những nước còn tàn dư chiến tranh.

Chị Thảo, người đồng hành cùng tôi thốt lên: “Chúng ta đang sống trong thế giới thanh bình nhưng ở đâu đó vẫn còn chiến tranh, còn những điều đau khổ, và chúng ta cần phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Nhìn hình ảnh chiếc ghế không vững chãi như vậy, tôi liên tưởng tới trái đất của chúng ta rất mong manh dễ vỡ, và mỗi người chúng ta cần đoàn kết để có một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Và bỗng từ hình ảnh chiếc ghế bị cháy sém chân ấy, tôi thấy nhớ về người cha mình đã can trường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên mặt trận ngoại giao.

Đoàn nhân chứng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ (Ảnh chụp 1967 tại Thụy Điển).

Ngày ấy cha tôi, ông Nguyễn Mạnh Cương là một thành viên của Ủy ban Điều tra tội ác đế quốc Mỹ, Ủy ban này trực thuộc Quân đội do Đại tá Hà Văn Lâu phụ trách và được biệt phái sang Bộ Ngoại giao. Ngày ấy, cha tôi đã lặn lội vào tuyến lửa Quảng Bình và nhiều vùng đất đang bị bom Mỹ giội xuống để đưa những nạn nhân chiến tranh tiêu biểu trong ngàn vạn nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam tới Hội nghị quốc tế Stockholm, Thụy Điển năm 1967.

Phải đi đi lại lại rất nhiều lần, ông vượt qua biết bao hiểm nguy mới có thể đưa được các nạn nhân về căn hộ tập thể chật chội của gia đình mình ở Hà Nội chờ ngày lên đường tới hội nghị quốc tế. Năm đó, mẹ tôi, bà Tạ Quế Anh đang làm việc tại Cục Vật tư của Bộ Y tế, thường xuyên phải túc trực ở Ga Hàng Cỏ để nhận hàng viện trợ là những thiết bị y tế và thuốc men. Nhiều chuyến đi của chồng vào tuyến lửa bà cũng không được chia tay, khi chồng về bà cũng không kịp gặp gỡ.

Song đến khi ông đưa các nạn nhân chiến tranh về nhà, người thì mất chân, mất tay, người thì hỏng mắt, mất tai, nhìn rất thương tâm, bà lại giúp chồng nấu nướng, chăm sóc các nạn nhân... Những nạn nhân chiến tranh đã sống yên lành trong nhà tôi. Vì thế, cha tôi rất gần gũi họ, lựa chọn được những nạn nhân điển hình để đưa tới hội nghị ở nước ngoài. Đó là em bé Đỗ Văn Ngọc khôi ngô tuấn tú năm đó mới 9 tuổi, quê Quảng Bình, bị bom napan cháy bộ phận sinh dục; là cô giáo Ngô Thị Nga xinh xắn, thông minh nhưng bị một viên bi của bom bi nằm trong đầu; là anh Hoàng Tuấn Hưng quê ở Quảng Ngãi, nạn nhân bom lân tinh…

Cha tôi kể, khi những nhân chứng chiến tranh ấy đến hội nghị Stockholm trả lời phỏng vấn của những nhà báo quốc tế, cả hội trường đã khóc như mưa vì đau xót trước những tội ác mà đế quốc Mỹ đã giội lên người dân lương thiện Việt Nam. Lập tức sau đó, các đoàn biểu tình nổ ra ở khắp các nước trên thế giới lên án cuộc chiến tranh bạo tàn của chủ nghĩa đế quốc, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Còn nhớ, khi đoàn nạn nhân chiến tranh trở về Việt Nam, căn hộ chật hẹp của cha mẹ tôi lại là nơi tạm lưu trú ân tình cho họ. Trong chiến tranh, người Việt Nam sẻ chia với nhau khó khăn, dựa vào nhau mà sống là chuyện thường tình.

Những nhân chứng ấy cũng chia tay nhau trở về quê của mình, giờ số phận họ ra sao, gia đình tôi cũng không còn rõ nữa. Cha tôi đã đi xa vào năm 2002. Trước khi đi, ông giao lại cho tôi một số kỷ vật, trong đó có bức ảnh chụp đoàn nhân chứng chiến tranh tại Stockholm và bức thư của cô giáo Nga ở Quảng Ninh viết cho ông năm 1967 sau khi về nhà an toàn…

Giờ đây, đứng giữa Genève, một thành phố quốc tế hóa, một thành phố toàn cầu hóa với rất nhiều trụ sở của Liên hiệp quốc mà hằng năm ở đây diễn ra hàng nghìn hội nghị, tôi rưng rưng nhớ về cuộc chiến tranh gian khổ mà bao thế hệ cha anh đã trải qua, lòng đầy biết ơn bè bạn năm châu đã đồng hành với Việt Nam cùng vượt qua những thăng trầm của lịch sử. Vâng! Tôi không chỉ là một khách du lịch đơn thuần. Tôi là người con bé nhỏ của Việt Nam đến với Genève để hòa nhập cùng các bạn. Và qua bức ảnh này, kỷ vật của cha tôi để lại, tôi rất mong được biết thông tin về những nạn nhân chiến tranh từ năm 1967 bây giờ ai mất, ai còn? Những người thân của họ có biết chuyện này không, hãy liên lạc với chúng tôi để nhớ về thời bi hùng của những người trải qua cuộc chiến và chiến thắng.

Nhân vật trong ảnh từ trái sang phải:

1/ Thái Bình Dân ở Long An, bị bom napan.

2/ Nguyễn Cao Thâm, bác sĩ đi phục vụ đoàn nhân chứng.

3/ Cháu Đỗ Văn Ngọc ở Quảng Bình bị bom napan.

4/ Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng đoàn nhân chứng.

5/ Ngô Thị Nga, giáo viên ở Cẩm Phả, bị bom bi.

6/ Chị Ann, chủ nhà.

7/ Anh Gunnar, chồng chị Ann, Chủ tịch Hội Sinh viên Thụy Điển.

8/ Một bạn người Indonesia trong nhóm ủng hộ Việt Nam.

9/ Hoàng Tuấn Hưng, Quảng Ngãi, nạn nhân bom lân tinh.

Thanh Thủy
.
.
.