Đêm tháng Chạp Hà Nội rực rỡ chiến công

Thứ Sáu, 14/12/2012, 20:12
Đối với Hà Nội, Thủ đô Anh hùng của chúng ta, những ngày cuối mùa đông 1972 là những ngày của “36 phố phường đầy trời lửa đạn”. Trong những ngày đêm “chấn động địa cầu” đó, trang sử chống giặc ngoài của dân tộc ta hồng sáng, vì quân và dân Hà Nội đánh thắng trận giặc trời B52 lớn nhất trong lịch sử loài người.

Giặc Mỹ càng thua đậm càng cay. Đêm đêm, chúng cho từng đàn, từng tốp B52 lẻn vào tập kích Thủ đô ta. Chưa bao giờ Lầu năm góc tung cả lực lượng “tập đoàn không quân chiến lược” ào ạt vào Hà Nội như vậy! Ngày ngày, trên các trang nhật trình buổi sớm tin hạ máy bay B52 tại chỗ, bắt sống từng xâu giặc lái Mỹ, đã làm nức lòng các chiến sĩ lái máy bay của ta.

Hằng đêm Phạm Tuân áp tai gần máy nói để ngủ. Anh mong có chuông điện thoại reo để nhận lệnh đi diệt lũ giặc trời Mỹ ngạo mạn từ sở chỉ huy không quân chiến lược ở các sân bay Utapao và Guam đến nộp xác. Anh giành nằm gần máy điện thoại với lý do “mình ít ngủ, sẽ thức”, còn các bạn trẻ hơn đang cái tuổi 20, khi có chuông gọi sợ ngủ quên, bỏ lỡ cơ hội diệt địch.

Suốt mấy ngày qua, những đám cháy ở An Dương, Đông Anh, Mễ Trì, Cổ Loa, Bạch Mai, Khâm Thiên như gai đâm vào gan ruột Phạm Tuân. Hà Nội, trái tim quá đỗi yêu thương của Tổ quốc ta và là Thủ đô đầu tiên trên thế giới bị giặc Mỹ rải thảm bom B52 hòng hủy diệt. Máu trong tim các chiến sĩ không quân ta như trào sôi trên lửa hồng.

Suốt ngày, Phạm Tuân đi đi lại lại trong phòng để ngẫm nghĩ nghiên cứu đường bay, hoặc trao đổi kinh nghiệm cùng các bạn, quyết tâm hạ bằng được “siêu pháo đài bay” của Huê Kỳ.

Nhớ lại những ngày ở Kiến Xương, Thái Bình, quê anh nơi có dòng sông Trà Lý mùa nước lũ dữ dội và lạnh giá anh còn vượt qua nổi để cứu lúa, cứu đê. Có khó khăn nào mà tuổi xuân phải cúi đầu đâu! Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên – đồng hương của anh – với vũ khí thô sơ chị còn đánh Tây thắng được, huống hồ giờ đây nhân dân đã chắp cho ta đôi cánh thần kỳ.

Nhưng anh biết được rằng đánh “con chủ bài” này của Nhà Trắng đâu dễ, xung quanh nó còn có hàng lũ, hàng đàn F4, F8 yểm trợ. Với lại đánh đêm, máy bay B52 có hàng chục máy điện tử, phát sóng làm nhiễu ra-đa ta. Nhưng vì các em bé sơ sinh bị vùi trong gạch vụn Bệnh viện Bạch Mai; những mẹ già Cổ Loa nghẹt thở dưới hầm kèo vì bom hơi, các cụ già đang cầu kinh ở nhà thờ Thụy Phương đã gục chết khi một nửa nhà thờ bị phá sập.

Không thể nào bó tay trước những cảnh tượng đau lòng ấy được. Không thể không xót xa khi chính mắt Tuân nhìn thấy cảnh phố Khâm Thiên bị xóa sạch. Đường Khâm Thiên, một phố cổ của “36 phố phường Hà Nội” với trên một cây số, gồm 30.000 dân thì có đến 8.000 người không còn nhà ở và bao nhiêu gia đình bị xóa hộ khẩu. Bao nhiêu bạn bè, anh em bà con thân thuộc của Tuân nơi đây. Không căm thù sao được!

Và còn đây là vinh dự của một đơn vị anh hùng “bách chiến bách thắng”.

Đêm 27 tháng Chạp đã đến! Đó là một đêm buốt lạnh và tối trời, nhưng đối với Đoàn Sao Đỏ là một đêm rực rỡ chiến công. Vì Phạm Tuân là một chiến sĩ không quân nhân dân đầu tiên của cả nước hạ máy bay B52 tại chỗ.

Đêm mùa đông ấy, tin Phạm Tuân toàn thắng trở về hạ được máy bay B52, làm ấm lòng toàn thể biên đội. Phạm Tuân biết đây là vinh dự của toàn đoàn, của biên đội, trong đó cánh bay tuyệt vời của anh đã lập công xuất sắc. Giờ đây hồi tưởng cái đêm 27 tháng Chạp ấy, anh không khỏi bồi hồi xúc động.

Sân bay X đêm đó đón anh về, như đón niềm vinh dự lớn. Cả đơn vị reo lên trong tiếng nổ xé trời và đỏ rực của những “siêu pháo đài bay khổng lồ” bị xé xác trên khắp các trận địa. Trận địa của các đoàn Sông Cấm, Thành Tô, Sông Đuống, Sông Thương… “pháo hoa” đã đốt mừng, sáng trời rực đất. Đêm ấy sau khi có lệnh xuất kích, cả một bầy máy bay tiêm kích phản lực dày đặc bảo vệ cái “thần tượng của không quân Huê Kỳ”.

Gặp bọn F8, anh kiên nhẫn và “chê” không thèm nổ súng. Chờ khi lao vào gần chiếc B52 to như một tòa nhà có bề ngang 60 thước của sải cánh – con thú có nhiều nanh vuốt đó – anh mới bấm nút phóng tên lửa. Quả tên lửa của anh lao ra, đi thẳng vào đầu tên giặc hung bạo, nổ bùng lên, tiếng nổ tưởng chừng long trời, đổ núi, hàng trăm quả bom 250 kilô và cả thiết bị hiện đại nặng hàng trăm tấn nổ bùng một lúc và xé tan con chim khổng lồ làm muôn mảnh, biến thành ngọn đuốc lớn làm sáng cả một vùng trời phía Tây Hà Nội.

Phạm Tuân đã nghe từ mặt đất đồng đội mình theo dõi qua ra-đa reo vui và bọn “kiêu binh” oanh tạc cơ hạng nặng B52 còn lại đã thoát chạy tan tác như chim vỡ tổ.

Đánh thắng rồi nhưng đường trở về không phải dễ dàng. Sân bay đang bị bọn “cánh cụp, cánh xòe” F111A oanh tạc. Ngọn lửa cháy cao không có đường bay bị hủy. Anh phải lục tìm trong tất cả các “sách” đã học về hạ cánh ban đêm để xuống an toàn. Nhưng sách nào cũng không bằng sự quả cảm. Trên đầu, dưới chân, chặn trước, bịt sau một lũ F8, phải nhanh trí tìm mọi cách lánh đạn của địch, “đơn thương độc mã” về đến đích an toàn.

Trong bản tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ghi đậm thành tích của Phạm Tuân: “Thượng úy Phạm Tuân, lái máy bay chiến đấu thuộc Trung đoàn Sao Đỏ, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, là chiến sĩ không quân nhân dân đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B52 của Mỹ. Có quyết tâm cao, dũng cảm mưu trí, bình tĩnh trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…”.

Phạm Tuân đã làm vẻ vang cho truyền thống chiến đấu của Trung đoàn Sao Đỏ, của không quân ta, đã biết lấy yếu đánh mạnh, lấy ít đánh nhiều, góp vào trang sử Thăng Long thắng trận trong những ngày tháng Chạp “chấn động địa cầu”.

Và rồi những ngày tháng 7 mùa hè lịch sử của năm 1980, Phạm Tuân lại lập công xuất sắc trong chuyến đi lên vũ trụ lần đầu của một người Việt Nam.

Phạm Tuân, người công dân anh hùng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đi vào vũ trụ, mở ra hy vọng cho dân tộc mình trên đường vào tương lai tươi sáng

Đ.M.T.
.
.
.