Đêm âm phủ, ngày dương gian

Thứ Bảy, 16/04/2005, 07:33

Người dân Hà Nội đã quá quen với chợ Âm Phủ dù nó có tên chính thức là chợ 19-12. Cái chợ nhỏ bé và quê kiểng ngay giữa lòng Hà Nội, bên cạnh những con phố sầm uất, những công trình hiện đại, mang trong mình những huyền thoại kỳ bí và có lẽ nó là một trong những nơi lưu giữ nhiều nhất những dấu xưa Hà Nội.

Nằm cạnh phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng - những con phố vào loại sầm uất và trung tâm bậc nhất, chợ 19-12 mọc lên dưới những gốc cây long não già nua cõng trên lưng hàng trăm tuổi. Dù đặt bên cạnh những thứ vừa hiện đại và sang trọng cũng bậc nhất Hà Nội như khách sạn Mêlia, Tháp Hà Nội, thì cái chợ nhỏ ấy là một mảnh ghép không thể thiếu trong quần thể phố Hỏa Lò; nhưng lại đứng riêng một mình trong cái vẻ ngoài vô cùng quê kiểng. Chợ có tên gọi đàng hoàng, nhưng với người dân Hà Nội thường xuyên mua bán ở đây đều quen gọi "chợ Âm phủ".

Những huyền thoại kỳ bí về “chợ Âm phủ” 19-12

Có lẽ, do lòng chợ hẹp, các dãy hàng quán gọn gàng ngăn nắp nhưng khá chật chội xếp sin sít bên nhau dưới những gốc long não cổ kính, ở giữa chừa những lối đi hẹp sâu hút và nhờ nhờ tối nên người đi chợ có cảm giác như lạc vào một cõi khác. Càng đặc biệt hơn khi những mái lều che lơ thơ để lộ một vòm trời sum suê cành long não chen kín và dày đặc. Mùa chim về làm tổ, dưới này là ồn ã những sắc âm của kẻ mua người bán, còn bên trên là ríu ran những âm thanh của đời sống phong phú muôn loài chim tụ về. Không ai biết những cây long não ở đây có hằng bao nhiêu trăm tuổi, chỉ biết rằng những gốc cây xù xì mấy người dang tay ôm không xuể.

Những huyền thoại, câu chuyện truyền kỳ mang màu sắc "liêu trai" cho đến bây giờ vẫn đủ sức lay động hồn người mỗi khi được nhắc đến. Câu chuyện của bác xích lô già trong một lần chở một người khách lạ lùng từ Ga Hà Nội về chợ 19-12. Bác xích lô hỏi, trời đã nhá nhem tối, sao còn đến chợ làm gì. Bà khách đưa tay lên miệng quết nước trầu đỏ tươi, hàm răng hé cười đen óng ánh, cất giọng như gió thoảng: "Tháng nào dịp này, tôi chẳng phải về chợ Âm phủ". Thế rồi, xích lô dừng trước cổng chợ thì chợ đã đóng kín với cái khoá sắt to bự. Đang ngơ ngác không biết bà khách sẽ đi đâu thì nhanh như cắt, người đàn bà lục trong túi áo mớ bảy mớ ba lấy một tờ bạc đưa cho bác xích lô và quang gánh lên vai cứ thế đi qua chiếc cổng khoá im ỉm và biến mất. Bác xích lô nhìn thấy mà toát mồ hôi lạnh, lên xe co cẳng đạp một mạch. Đến cột đèn điện sáng, bác lục túi lấy tờ tiền bà khách vừa trả ra xem thì một lần nữa, bác thất kinh khi nhìn thấy trên tay là tờ bạc giấy âm phủ. Câu chuyện của bác xích lô không một ai ở chợ là không hay biết.

Rồi chuyện "đồn đại" mới đây của những người thợ sửa chữa chợ 19-12. Cứ vào những ngày rằm trăng tỏ, mặc dù tất cả các hàng quán đã đóng, người buôn bán đều đã về hết, thế nhưng đêm đêm, các thợ xây nghe tiếng gì rầm rì, rầm rì từ phía mấy hàng quán ở gốc cây long não nên đã thức dậy. Từ xa, họ nhìn thấy hàng quán vẫn họp, kẻ bán người mua vẫn tấp nập lướt đi mờ mờ ảo ảo như có màn sương mù che phủ. Hoảng hốt, người thợ xây bèn nhìn về phía cổng chợ. Kỳ lạ thay, cửa chợ mở toang, người ra vào tấp nập. Một người thợ trở dậy xăm xăm đi đến xem thì rõ ràng cổng vẫn đóng, đầu vập cả vào ổ khóa đau điếng. Về phòng bảo vệ châm điện lên, ra chợ ngó lại thì hàng quán lại đóng im lìm như cũ, chỉ có ánh trăng là sáng rỡ lên, trăng chảy bàng bạc qua những kẽ tán cây long não vẽ nên những hình thù kỳ quái rung rinh nhảy nhót trên mặt đất.

Đó chỉ là những câu chuyện truyền kỳ trong dân gian giàu tính tưởng tượng hơn là sự thật. Tôi đã tỷ mẩn không biết bao nhiêu lâu ở chợ chỉ để lý giải và cắt nghĩa một điều, vì sao người Hà Nội gọi chợ 19-12 là “chợ Âm phủ”. Theo một số tài liệu cổ, thì trước năm 1945, phố Hỏa Lò có tên gọi là phố Nhà Tù (ruededaprison) nằm ở trên đất thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương cũ. Thôn Phụ Khánh có nghề làm bếp lò nên gọi là phố Hỏa Lò. Chợ 19-12 nằm trên cồn đất giữa phố Lý Thường Kiệt và phố Hai Bà Trưng sát ngay cạnh Hỏa Lò. Vì vậy rất có thể đây cũng chính là phần đất của thôn Phụ Khánh xưa. Nơi đây là một cái nghĩa trang bỏ hoang lâu đời.

Tên gọi chợ 19-12 gắn liền với sự kiện ngày 19/12/1946, Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chính trong ngày ác liệt ấy, giặc Pháp đã tàn sát không biết bao nhiêu dân quân, du kích, tự vệ, bộ đội kháng chiến ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Ngay ở trong nghĩa trang bỏ hoang, bộ đội và dân quân tự vệ đã đào lên những đường hào giao thông để chiến đấu. Và hầu hết họ đã bị bỏ xác trên trận địa. Những giao thông hào đã biến thành nơi chôn vùi những xác chết của người dân và những người lính tự vệ hy sinh. Nghĩa trang biến thành một mồ chôn tập thể khổng lồ, tập trung bao xác chết trong thành phố đổ về đây, gọi là mồ 19-12. Sau năm 1975, người dân Thủ đô quang gánh nhóm họp chợ ngay ở nghĩa trang bỏ hoang này, dưới những gốc long não già.

Những nhân chứng sống của "chợ Âm phủ"

Theo lời giới thiệu của anh Trần Châu Bắc, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ 19-12, lọ mọ mãi rồi tôi cũng gặp được nhân chứng sống của thời kỳ đầu tiên hình thành nên “chợ Âm phủ” là ông Nguyễn Văn Thân. Ông Thân kể lại câu chuyện xưa cũ ngay tại giường bệnh. Ông Thân là chiến sỹ Điện Biên - Sư đoàn 308, Trung đoàn 88 tham gia bảo vệ Thủ đô và về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Ông vừa nói vừa khoe  với tôi chiếc Huy hiệu 50 năm tiếp quản Thủ đô, bằng chứng cho niềm kiêu hãnh một thời. Là thương binh chống Pháp, sau khi ra quân, ông được giao phụ trách thi công chợ 19-12 và làm bảo vệ chợ.

Ông kể: Năm 1981, theo nguyện vọng và nhu cầu buôn bán của người dân, UBND phường Trần Hưng Đạo cùng UBND quận Hoàn Kiếm có kiến nghị di dời nghĩa trang làm chợ tạm. Ngày đó, mồ 19-12 là một cồn đất có chiều cao so với mặt đường khoảng  3m. Trước năm 1975, các nhóm bụi đời hút xách tập trung ở đây. Ông nhớ, hơn chục ngày san lấp mặt bằng, ông cùng các thợ xây đào lên không biết bao nhiêu là hài cốt không còn nguyên vẹn. Đội thi công của ông ngày thì đào, xương chất thành đống, chiều đến phải dùng xe ôtô chở xuống nghĩa trang Văn Điển. Ông Thân còn nhớ, đội thi công của ông nhặt được vô số răng vàng và răng bạc trong những hài cốt vô danh ấy. Đội thi công của ông chỉ làm công việc san ủi lấp mặt bằng, chứ không đào sâu xuống nữa vì biết rằng đây là mồ 19-12 nên có khai quật cũng không xuể. Chợ lấy tên 19-12 là tưởng nhớ những người đã hy sinh trong dịp 19/12, Ngày toàn quốc kháng chiến.--PageBreak--

Ngày đó, khi ông Thân làm Tổ trưởng Tổ quản lý chợ, chợ chỉ có vài hàng quán lèo tèo, chủ yếu là che tạm lá cọ trên nền đất sơ sài để bán hàng. Chợ có cả thảy một hàng cơm, một hàng nước và vỏn vẹn một hàng thịt chó của ông Chi. Còn lại là các gánh hàng rau, quả. Ngày đó, thịt lợn và thịt bò chủ yếu là bán lậu. Các ông chủ xẻ thịt lợn gửi trong nhà dân và chỉ quấn vài súc thịt quanh thắt lưng, ai hỏi mua mới thò ra cắt bán. Lúc nào hết lại về nhà lấy.

Bà Phan Thị Chua, chủ một cửa hàng vàng mã có mặt đầu tiên từ ngày chợ mới họp năm nay đã 87 tuổi, móm mém kể: "Ngày tôi đến chợ còn vắng te, tôi bán rau quả, sau này mới bán hàng mã. Khi tôi đến thì người ta đã san phẳng cái cồn đất này rồi, nhưng hồi đó cũng sợ lắm. Người ta cứ đồn nhau về chợ Âm phủ và hỏi tôi, chợ Âm phủ họp ban đêm, có phiên chợ ma không, nhưng thực tế chợ họp từ 6h sáng đến 6h tối, bọn tôi đi bán hàng sợ ma nên 7-8h mới đến chợ, 4-5h chiều đã về rồi. Ngày đó, hàng nhà ai cũng lập một cái bát hương thờ vong. Rằm, mồng một nào mọi người cũng thắp hương, đốt vàng mã".

Bà Nguyễn Thị Thực bán giò chả ngay dưới gốc cây long não ở chợ đã 24 năm kể rằng: “Hồi đầu, đi bán ở chợ Âm phủ, tôi cũng sợ lắm. Sợ nhất là cái đận mới đây, Ban quản lý chợ khi đào đất để xây nhà vệ sinh đã đào được 4 bộ hài cốt. Tất cả mọi người ở đây đều biết mình đang làm ăn, sinh sống trên mảnh đất linh thiêng, thế nhưng lòng mình thành, tâm mình trong thì không có gì phải sợ. Người của cõi âm thể nào cũng ủng hộ cho người dương gian sinh sống và làm ăn chứ. Bây giờ mà bảo tôi đi chợ khác, tôi buồn lắm, cái mảnh đất linh này đã níu giữ hồn tôi mất rồi. Tôi còn sống thì còn buôn bán ở đây, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay về với đất”.

"Chợ Âm phủ" mai này còn hay mất?

Có lẽ là đất linh thiêng nên những linh hồn ở cõi âm phù hộ độ trì cho những con người sinh sống trên đất. Chợ 19-12 diện tích chỉ 3.080m2, nhưng việc kinh doanh mua bán vô cùng sầm uất với gần 300 hộ kinh doanh. Doanh số ở chợ một năm khoảng vài trăm tỷ đồng, trong đó đóng góp cho Nhà nước mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Đặc sản của chợ là hàng thịt chó vừa ngon vừa rẻ. Hầu hết các hàng thịt chó ở chợ đều là con cháu, chút chít của ông Chi truyền nghề cho nhau. Phong phú nhất ở chợ là nguồn hàng thực phẩm và rau quả. Điều đáng tự hào là nguồn thực phẩm rau xanh ở chợ thường xuyên cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn Hà Nội.

Mới đây, bà con ở chợ phong thanh hay tin sắp tới, “chợ Âm phủ” 19-12 sẽ không còn nữa mà thay vào đó là khu trung tâm thương mại cao tầng. Nếu vậy thì mừng quá, nhưng cũng tiếc quá, vì Hà Nội sẽ không còn “chợ Âm phủ”, một cái chợ mang tên gọi của dân gian và đầy chất quê kiểng giữa thị thành. Người ngoại quốc ở khách sạn Melia sẽ không còn cơ hội ngày ngày sang dạo chợ mua hàng và tham quan chỉ vì cái tên chợ lạ lùng: "Âm phủ".

Tôi cứ nhớ mãi câu nói của anh Bắc quản lý chợ: "Vạn vật ở chợ đều có hồn của nó. Con người khi có sự va chạm, câu móc quan hệ với nó có cảm nhận được cái hồn đó không mới là điều quan trọng. Tôi chỉ có một ao ước xây nên một cái chợ thực sự với sự trưng bày và phô diễn những nét truyền thống chân quê của người Việt. Ngoài việc cung cấp các mặt hàng, chợ sẽ còn là điểm đến văn hoá độc đáo và lạ lẫm, mang phong vị hơi hướng dân gian, hoài cổ, thu hút những du khách nước ngoài. Nhưng xem ra mơ ước ấy chỉ là những điều mà tôi ấp ủ, chứ không bao giờ thực hiện được".

Dù nằm ở bất kỳ vùng miền nào, thời đại nào, thì những cái chợ quê vẫn mãi mãi là nơi bộc lộ một cách đậm đặc nhất đời sống, tính cách và tâm hồn người Việt. Chợ cũng là nơi bao đời nay lưu giữ lớp lớp trầm tích văn hoá của cuộc sống con người nơi dương gian. Tôi nhớ đến phiên "chợ Ma" chiều 30 Tết ở chợ Bưởi, chợ Viềng ở Nam Định, hay chợ tình ở Sa Pa. Mỗi một chợ là một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo trong đời sống tâm linh của người Việt mà tôi chưa bao giờ thấu hết. Những phiên chợ với từng tên gọi chứa đựng hồn cốt của mảnh đất đó và con người nơi đó. Bởi vậy mà cái tên "chợ Âm phủ" trong cuộc sống dương gian này không bao giờ là lạ lẫm với tất cả chúng ta

.
.
.