Dạy chữ trên Hòn Chuối, biển Tây

Chủ Nhật, 19/02/2012, 18:26
Cuộc mưu sinh trên Hòn Chuối cách trở, khó khăn nhất trên biển Tây (bởi đây là đảo không điện, không đường, không trường trạm, không nước sinh hoạt… và có diện tích chưa tới 1 cây số vuông) đã vô cùng vất vả; cuộc “cõng chữ” đến đây càng gian nan, thậm chí chỉ là con số không nếu như không có sự hy sinh lặng lẽ của các chiến sĩ Biên phòng…

Nói là trường chứ thật ra đó là cái phòng học tạm bợ với 4 chiếc bàn do bộ đội đóng, được xếp thành hai dãy cạnh nhau. Phía trên là tấm bảng đen. Phòng học không một bóng đèn (vì Hòn Chuối chỉ có mấy giờ phát điện mỗi ngày vào sáng sớm và tối - PV), và cũng chẳng đủ ánh sáng tự nhiên nhưng các cửa sổ đã được cột, khóa chặt do sợ những cơn gió bất chợt lồng vào và mang đi mái và vách.

Khi tôi bước vào cũng là lúc thầy giáo mang quân hàm xanh đến lớp. Trung úy Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng 704 (Hòn Chuối) kể, trước khi được phân công đứng lớp, anh chưa hề được học qua nghề sư phạm dù chỉ là một ngày. Và sở dĩ anh bám lớp đến ngày hôm nay là do “thấy thương tụi trẻ quá”. Trung úy Phục nhớ lại: “Hồi mới đứng lớp, có học trò thống thiết năn nỉ tôi rằng: “Thầy ơi, thầy cứ đánh con bao nhiêu roi cũng được rồi cho con về nhà đi lưới, đi câu kiếm cá đổi gạo”. Nhiều phụ huynh cũng không chịu cho con mình “mất một buổi” dù biết rằng “có được cái chữ sau này sẽ sướng cái thân”. Nguyên nhân là do bà con quá nghèo. Nhiều người khi đến đảo lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Cái ăn, cái mặc hằng ngày lo còn chưa xong, nói gì cái chữ. Trước mặt họ là biển mênh mông, lúc hiền hòa nhưng lắm lúc giận dữ. Sau lưng họ là vách đá dựng đứng, khô cằn...”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong lớp học đặc biệt này có tất cả 17 học sinh; có 3 đứa đã xong chương trình lớp 1, còn lại thì đang làm quen với chữ i, chữ t, hoặc vừa mới biết ghép vần tên của mình; có một em bị hội chứng dow do cha của em bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Trung úy Trần Bình Phục và các học trò nghèo trên Hòn Chuối.

Trung úy Phục kể thêm: “Một vài năm trước, có nhiều em đã 14-15 tuổi nhưng chưa hề được học. Rồi anh em chúng tôi đã rơi nước mắt khi thấy chúng nó đã dư tuổi đến trường nhưng chưa hề được biết cây bút chì là gì. Những thứ đồ chơi bình thường của con nít trong đất liền đối với bọn trẻ ở đảo cứ như vật thể lạ đến từ hành tinh khác”. Tôi cảm nhận được điều Trung úy Phục nói từ lúc chúng tôi bước vào, đưa máy ra bấm mấy tấm ảnh, mắt của bọn trẻ cứ tròn xoe, ngơ ngác, thậm chí một cháu ngồi đầu bàn mếu, khóc ré lên do sợ. Tôi hỏi chuyện, một số cháu không dám trả lời hoặc trả lời rất rụt rè.

Thật ra, đây là lần thứ hai Đồn Biên phòng Hòn Chuối phối hợp với các đơn vị trên hòn mở lớp học tình thương. Trước đó, năm 1995, đã có một lớp tương tự ra đời, kéo dài đến năm 2007 thì kết thúc do thầy… ra quân. Thấy các em lớn chừng này mà không biết đọc, biết viết nên Đồn lại cho lớp học tiếp tục duy trì. Trước Trung úy Phục là thầy Nguyễn Quốc Tự. Thầy Tự cũng là thầy đứng lớp lâu nhất của lớp học đặc biệt này. Lớp học được “cải tiến” từ phòng làm việc của Kiểm lâm cụm đảo Hòn Khoai – bàn giao cùng lúc với trách nhiệm quản lý rừng trên đảo này thuộc về Đồn Biên phòng 704.

Đứng cạnh lớp học tình thương, nghe con, cháu của mình ê a đánh vần, ông Kim Ngọc Lý, 61 tuổi, người sống lâu năm nhất ở hòn, kể cho tôi nghe một điều giống như là quy luật sống mà gần 40 hộ dân trên hòn này nếu bất chấp thì không thể tồn tại: “Một năm, chúng tôi phải 2 lần dời nhà. Cụ thể từ tháng 4, phải dời từ gành Nam qua gành Chướng; tới khoảng tháng 10 thì dời trở lại gành Nam”. Giờ tôi mới hiểu vì sao có những căn nhà chẳng giống nhà, nằm vắt vẻo, cheo leo trên khe, hốc đá… “Nhưng chính sự khắc nghiệt, gian khó đó mới thấy tình người là quý giá như thế nào. Tới mùa dời nhà, Bộ đội Biên phòng và Hải quân giúp bà con tụi tui nhiều lắm. Quân dân trên đảo sống thương yêu nhau như cùng một nhà” – ông Lý bộc bạch thêm. 

Trung tá Lê Hoàng Phúc – Chính trị viên Đồn 704 cho biết, Hòn Chuối cách cửa sông Ông Đốc khoảng 36km. Hòn Chuối thuộc ấp 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Hồi đầu năm 2011, cả hòn 42 hộ dân nhưng đến cận Tết này, chỉ còn 35 hộ với 125 nhân khẩu trụ lại. “Cõng chữ ra đảo là hành trình gian khó nhưng xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương” nên chúng tôi quyết tâm đạt mục tiêu “xóa mù” cho các cháu trong độ tuổi đến trường trên đảo” – Trung tá Phúc bày tỏ.

Cận kề Tết Nhâm Thìn, đứng giữa Hòn Chuối lộng gió, tôi chứng kiến cảnh 17 cháu, đứa ngồi vừa tầm, đứa bàn cao tận cổ cắm cúi đánh vần theo thầy Phục mà lòng xốn xang

Thái Bình
.
.
.