Lực lượng An ninh miền Nam và những chiến công hiển hách

Đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy ở miền Nam

Thứ Năm, 24/04/2014, 08:47
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Công an và Trung ương Cục, thực hiện chỉ thị của Ban An ninh Trung ương Cục, các lực lượng ANMN và định hướng công tác an ninh tập trung chủ yếu thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình âm mưu, thủ đoạn hoạt động gián điệp của Mỹ - ngụy, các tổ chức trá hình, các cơ quan đàn áp, bình định, chiêu hàng và các đảng phái phản động để tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, Khu ủy, Tỉnh ủy trong công tác bảo vệ nội bộ, phát triển lực lượng quần chúng.
>> Lực lượng An ninh miền Nam và những chiến công hiển hách

Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã kỳ công xây dựng và tổ chức mạng lưới tình báo, gián điệp, cảnh sát đặc biệt rộng khắp miền Nam từ thành thị đến nông thôn rừng núi để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam. Cơ quan tình báo Mỹ CIA, DIA đặt chi nhánh tại miền Nam, núp dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, ngụy trang hoạt động dưới hình thức cố vấn từ cấp Trung ương đến tận cơ sở, vừa trực tiếp tổ chức các kế hoạch tình báo, gián điệp, vừa chỉ đạo các cơ quan đặc biệt của ngụy quyền Sài Gòn chỉ đạo, chi phối các đảng phái chính trị phản động, các tổ chức chính trị - xã hội thân Mỹ và các tổ chức tôn giáo ở miền Nam Việt Nam.

Ngay từ ngày đầu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, các cơ quan tình báo của Mỹ đã trực tiếp hỗ trợ cho ngụy quân, ngụy quyền miền Nam xây dựng bộ máy đàn áp, tình báo, gián điệp, cảnh sát đặc biệt đồ sộ, tinh vi từ cấp Trung ương đến tận cấp xã với những chính sách hết sức thâm độc: tình báo hóa, tình báo đại chúng, các kế hoạch Phượng Hoàng, Thiên Nga… để phục vụ các kế hoạch bình định, tìm diệt, phát hiện cơ sở và lực lượng cách mạng và các chương trình bình định, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng ra sức mua chuộc, lôi kéo, lung lạc tinh thần của cán bộ và nhân dân miền Nam, đánh phá cơ sở hạ tầng của cách mạng, tìm mọi cách để tranh thủ “trái tim, khối óc” của quần chúng nhân dân miền Nam… Do vậy, đấu tranh chống hoạt động tình báo, gián điệp của Mỹ - ngụy là một nhiệm vụ công tác lớn, cực kỳ quan trọng của lực lượng ANMN trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đấu tranh chống các hoạt động tình báo, gián điệp của địch trước hết nhằm phòng chống nội gián, bảo vệ nội bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng, bảo vệ bí mật chủ trương, đường lối và các kế hoạch quân sự, thu thập tin tức, tài liệu để chủ động đối phó với địch.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Công an và Trung ương Cục, thực hiện chỉ thị của Ban An ninh Trung ương Cục, các lực lượng ANMN và định hướng công tác an ninh tập trung chủ yếu thực hiện công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình âm mưu, thủ đoạn hoạt động gián điệp của Mỹ - ngụy, các tổ chức trá hình, các cơ quan đàn áp, bình định, chiêu hàng và các đảng phái phản động để tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, Khu ủy, Tỉnh ủy trong công tác bảo vệ nội bộ, phát triển lực lượng quần chúng. Lực lượng ANMN đã vận dụng sáng tạo các hình thức để đẩy mạnh phong trào “phòng gian bảo mật” trong cơ quan, đơn vị kháng chiến, trong nhân dân ở vùng giải phóng và khu căn cứ. Hướng dẫn quần chúng giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức bảo vệ hành lang vận chuyển, căn cứ hậu cần – kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của quân giải phóng.

Lực lượng vũ trang đánh trả trong cuộc hành quân Junctioncity của Mỹ.

Lực lượng điệp báo nội đô đã nắm được và cung cấp nhiều nguồn tin tức rất có giá trị về số đối tượng làm tình báo, gián điệp, số tề ngụy nguy hiểm, cung cấp cho lực lượng An ninh chủ động tổ chức công tác phòng ngừa, xử lý, phục vụ công tác đánh địch và bảo vệ cơ sở cách mạng. Chủ động phát hiện, đấu tranh bóc gỡ nhiều vụ nội gián nguy hiểm trong nội bộ, góp phần thuần khiết nội bộ; phát hiện, trấn áp kịp thời các hoạt động chống phá của kẻ thù, ngăn chặn các sơ hở mà kẻ địch có thể lợi dụng. Chỉ tính từ năm 1963 đến năm 1965, lực lượng ANMN đã phát hiện và bóc gỡ 277 vụ nội gián, trong đó có 16 vụ từ cấp huyện trở lên. Được quần chúng giúp đỡ, lực lượng An ninh cũng đã phát hiện và bắt giữ được nhiều tên gián điệp xâm nhập vào vùng giải phóng, phát hiện hàng trăm tên tình báo viên, mật báo viên của địch đánh ra vùng giải phóng và khu căn cứ, trong đó có nhiều tên do địch cài lại trong nội bộ ta…

Bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, lực lượng ANMN nhanh chóng quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, củng cố tổ chức, cải tiến chế độ làm việc của an ninh các cấp, kiện toàn các Ban Bảo vệ chính trị, An ninh vũ trang, trinh sát vũ trang và các Ban An ninh khu, tỉnh, thành phố, đặc biệt an ninh xã, ấp; bổ nhiệm, điều động cán bộ xuống phụ trách công tác an ninh khu, tỉnh; gấp rút đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ về công tác quản lý hành chính, quản lý an ninh trật tự ở đô thị, công tác thu gom hồ sơ địch, vũ khí, vật liệu nổ, văn hóa phẩm phản động đồi trụy, phân loại lập hồ sơ đối tượng nguy hiểm cần trấn áp… sẵn sàng bước vào trận chiến đấu cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên toàn chiến trường và phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Ban An ninh Trung ương Cục đã huy động hơn 13.000 cán bộ chiến sỹ các lực lượng ANMN (trong đó có hơn 1.500 cán bộ An ninh Trung ương Cục và đặc khu, hơn 1.000 cơ sở của lực lượng An ninh hoạt động trong nội thành) (Bộ Nội vụ: Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, tập II (1954-1965), Viện Nghiên cứu Khoa học Công an xuất bản năm 1978, tr. 221) tham gia tiến công địch trên nhiều hướng, nhiều mũi, đánh thẳng vào các căn cứ sào huyệt của địch; tổ chức công tác tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy, trừng trị, xử lý bọn gián điệp, tình báo, chiêu hồi, đầu sỏ ác ôn, chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công, truy kích số đối tượng phản cách mạng lẩn trốn; tiếp quản, thu hồi tài liệu, phương tiện của địch bỏ lại, giải thoát tù nhân… Lực lượng An ninh T4 (An ninh Sài Gòn - Gia Định) nhanh chóng có mặt tại Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn tiếp cận thuyết phục Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi binh sĩ ngừng bắn, bàn giao chính quyền cho cách mạng, góp phần tránh một cuộc chiến tranh trong thành phố và sự đổ máu không cần thiết.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Trong hơn 21 năm chiến đấu trường kỳ gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Trung ương Cục, các cấp ủy miền Nam, lực lượng ANMN nói riêng và Công an nhân dân nói chung đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ghi nhận công lao đóng góp đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng lực lượng Công an nhân dân nhiều phần thưởng cao quy,á trong đó đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 344 tập thể và 241 cá nhân (tính đến 4/2013). (Tổng kết lịch sử công tác xây dựng lực lượng CAND thời kỳ KCCMCN 1954-1975, Tổng cục III, năm 2013).

Có được những thắng lợi đó, lực lượng CAND nhất là ANMN đã cống hiến cho Tổ quốc gần 13.000 người con ưu tú và họ đã vĩnh viễn nằm xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ khác là thương binh. Thành tích và những chiến công của lực lượng ANMN góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của lực lượng CAND Việt Nam, xứng đáng được trân trọng, tôn vinh và sự biết ơn cảm phục của các thế hệ Công an nhân dân hôm nay và mai sau

N.B.B.
.
.
.