Dấu tích những “Hùng binh Hoàng Sa”: Khúc bi tráng thấm đẫm niềm tự hào dân tộc

Chủ Nhật, 19/01/2014, 10:13
Không chỉ nổi tiếng với tỏi, hành và những bãi cát trắng phau bên làn nước biển xanh ngắt, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn nổi tiếng với cả trăm ngôi mộ gió nằm rải rác khắp trên đảo. Những ngôi mộ gió gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước của ông cha ta. Chính vì thế, trong chuyến ra đảo Lý Sơn dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa gần đây, chúng tôi đã tìm đến thăm những ngôi mộ gió, để được một lần nghiêng mình trước quá khứ bi tráng của tiền nhân.

Chẳng như nhiều người nghĩ, những ngôi mộ gió không nằm chơ vơ trên triền cát với mênh mông gió nắng, mà hầu hết nằm xen giữa những ngôi nhà dân, trong các khu vườn của dòng họ một cách gần gũi, ấm cúng. Cùng với chính sử triều Nguyễn, các tài liệu cổ của các gia tộc ở Lý Sơn đều ghi, những ngôi mộ gió là của những “Hùng binh Hoàng Sa” năm xưa nhận lãnh sứ mệnh thiêng liêng ra quần đảo Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền đất nước đã không may hy sinh, phải vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển cả. Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa hy sinh vì Tổ quốc, những người dân trên đảo đã nặn các hình nhân bằng đất sét, rồi làm lễ chiêu hồn để linh hồn người chết mất xác nhập về, không còn bơ vơ giữa biển vắng.

Đứng trước ngôi mộ gió tập thể của 24 lính của hải đội Hoàng Sa và Cai đội Phạm Quang Ảnh, chúng tôi đều thấy nghẹn ngào. Không phải là một người, mà 25 người quấn quít bên nhau suốt trăm năm qua sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả với dân tộc. Đây là ngôi mộ gió đầu tiên trên đảo Lý Sơn, có cách đây hơn 200 năm. Gia phả của họ Phạm ở Lý Sơn ghi rằng hơn 2 thế kỷ trước, cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 người lính và năm chiến thuyền đã giong buồm ra khơi làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển và đo đạc thủy trình, khai thác sản vật quý cho triều đình. Rồi cả hải đội gặp bão biển và không trở về. Vua Gia Long thân chinh ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Từ năm 2009, những ngôi mộ đất đã được gia đình và chính quyền cùng chung sức tôn tạo và xây bê tông vững chắc và đã trở thành một di tích của Lý Sơn.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tại Lý Sơn.

Cách đó không xa là ngôi mộ gió của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật, người đầu tiên được vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình và hy sinh trên biển năm 1836. Các bộ chính sử đều ghi rõ công lao của Chánh đội Phạm Hữu Nhật trong việc xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Theo Đại Nam thực lục, Phạm Hữu Nhật được lệnh vua đưa binh thuyền ra Hoàng Sa “đem theo mười cái bài gỗ dựng làm dấu mốc, mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân 1836, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh ra Hoàng Sa xem xét đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ". Những hùng binh của đội Phạm Hữu Nhật đã ra quần đảo Hoàng Sa suốt 18 năm ròng, đến năm 1854 thì ông và nhiều người mất tích trên biển, được gia đình và họ tộc an táng bằng nấm mộ gió. Để ghi công ông, giờ đây, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa được mang tên Phạm Hữu Nhật. Ngôi mộ gió vừa được Sở VHTT&DL Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Lý Sơn và tộc họ Phạm (Văn) thôn Đông, xã An Vĩnh  tôn tạo, xây dựng lại…

Gắn liền với những ngôi mộ gió, là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tái hiện hình ảnh đội thuyền năm xưa lên đường ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để bảo vệ chủ quyền đất nước. Theo gia phả của các dòng tộc có người đi lính Hoàng Sa thì có rất nhiều người đi lính Hoàng Sa mãi không trở về, như câu ca: “Hoàng Sa trời biển mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”, nên để người lính yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, triều đình đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trước khi những người lính ra Hoàng Sa-Trường Sa. Việc tái hiện Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm, không chỉ để tri ân những hùng binh Hoàng Sa năm xưa trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền Tổ quốc, mà còn là sự nhắc nhở về truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của cha ông ta. 

Nhà trưng bày bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa trên đảo Lý Sơn.

Để ghi công những người lính Hoàng Sa năm xưa, trên đảo Lý Sơn còn có Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, với sừng sững cụm tượng đài phía trước, là hình ảnh hóa thân của các vị chỉ huy các hải đội, cùng hàng vạn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa. Hải đội này là những người đầu tiên xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16 cho đến cuối thế kỷ 19. Thực tế, sử sách còn ghi, đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã có công trong việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1815, nhất là đã dựng bia chủ quyền đầu tiên của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1838. Bởi thế, các vua nhà Nguyễn đã ban sắc truy phong cho các cai đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Thượng đẳng thần” và những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là “Hùng binh Hoàng Sa.”

Trong ngôi nhà trưng bày trên đảo Lý Sơn, tái hiện nhiều di vật liên quan đến các hải đội Trường Sa năm xưa, gồm mô hình những chiếc thuyền buồm và các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa đều phải mang theo, sẵn sàng cho sự ra đi vì Tổ quốc: đôi chiếu -vật dùng để quấn xác, 7 đòn tre là vật để nẹp quanh thân cùng 7 sợi dây mây để dùng bó xác, thẻ tre ghi họ tên, để nếu không may hy sinh sẽ được đồng đội bó xác thả xuống lòng biển, hy vọng được sóng biển đưa về quê hương. Tất cả đều cho thấy sự can trường và dũng cảm của mỗi người lính Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước. Tất cả đều gợi lên một truyền thống hào hùng và bi tráng. Tất cả cũng đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa -Trường Sa có từ hàng trăm năm trước

Thanh Hằng
.
.
.