Đất học An Truyền

Thứ Hai, 05/09/2016, 09:29
Nhận định về truyền thống nghề của làng Chuồn, ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nay là Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh này, nhấn mạnh ý nghĩa của việc “giữ lửa” làng nghề. Đó là ngoài việc xây dựng thương hiệu nghề để trang trải cho cuộc sống, người làng Chuồn còn biết lấy nghề để “nuôi” chữ.

Làng quê An Truyền nằm bên chân sóng phá Tam Giang, thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế; chỉ cách TP Huế chừng 10 cây số. Người ta hay gọi cái tên thân thuộc về ngôi làng này với cái tên gọn hơn là làng Chuồn. “Vì răng tên gọi làng Chuồn/ Bởi vì nơi nớ cá chuồn tuyệt ngon/ Cá kho xơ mít trộn thơm/ Ăn no cành bụng chết cơm mấy nồi…”.

Có người nói, tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 500 năm. Làng Chuồn nổi tiếng với nghề nấu bánh chưng, bánh tét; nấu rượu gạo và món ăn đặc sản bánh xèo cá kình…

Rượu gạo làng Chuồn nổi tiếng đến mức Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần rong chơi trên phá Tam Giang và nhâm nhi rượu làng Chuồn ông có nhận xét rằng: “Được!… được!”. 

Người dân làng Chuồn rất tự hào khi lan truyền câu chuyện “danh trấn giang hồ” thẩm định rượu Văn Cao đã chấm được cái mùi vị của rượu làng Chuồn. Cho nên khi nhắc đến làng An Truyền là người ta nghĩ đến rượu làng Chuồn, bánh tét làng Chuồn, bánh xèo cá kình làng Chuồn…

Nhận định về truyền thống nghề của làng Chuồn, ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nay là Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh này, nhấn mạnh ý nghĩa của việc “giữ lửa” làng nghề. Đó là ngoài việc xây dựng thương hiệu nghề để trang trải cho cuộc sống, người làng Chuồn còn biết lấy nghề để “nuôi” chữ.

“Nuôi” chữ được chứng minh là nhiều gia đình tuy cuộc sống còn nghèo, nhưng rất coi trọng việc chăm lo chuyện học hành cho con cái đến nơi đến chốn. Nhờ vậy mà An Truyền nổi danh là miền đất học. Hằng năm, vào mùa thi đại học, hay lễ tốt nghiệp ra trường. làng luôn tạo ra “cơn sốt mùa thi”.

Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế trao thưởng cho tân sinh viên tại làng An Truyền.

Năm 2013, làng Chuồn có 32 em đỗ vào các trường đại học; năm 2014, có 40 em; năm 2015, 45 em dự thi đại học đỗ 100%; năm nay làng có 35 em đi thi thì có 32 đỗ vào các trường đại học, trong đó có Á khoa Đại học Ngoại ngữ Huế Huỳnh Thị Ngọc Diệp và nhiều em đỗ vào Trường Đại học Y Dược Huế...

Lệ thường, vào độ Thu tế hằng năm tại đình làng An Truyền, một buổi lễ long trọng do Hội Đồng hương và Hội Khuyến học của làng tổ chức nhằm tôn vinh và phát thưởng cho các em có thành tích trong học tập và thi cử.

Những ngày đầu tháng 9-2016 này, làng Chuồn vui như có hội. Đường làng, ngõ xóm rợp cờ hoa đón chào 32 tân sinh viên và đặc biệt là vinh danh chúc mừng Nhà vô địch Olympia Hồ Đắc Thanh Chương, quê xóm 6 An Truyền về bái Tổ.

Ông Đoàn Văn Lót, năm nay đã qua tuổi 80, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học của làng Chuồn, tự hào về thành tích học tập của con em trong làng, hồ hởi cho biết: “Làng có 7 họ, lưu danh sử sách với câu truyền rằng họ Hồ làm quan; họ Đoàn khởi nghĩa. Năm Tự Đức thứ 23 (1870), người đầu tiên của làng này đỗ cử nhân làm quan Tri phủ ở Ninh Giang, Hải Dương là ông Hồ Đắc Tuấn.

Năm 1884, con ông Tuấn là Hồ Đắc Trung đỗ cử nhân, năm đầu của Vua Kiến Phúc; ông làm quan đến chức Thượng thư được thăng Đông Các Đại Học Sỹ. Làng Chuồn cũng là nơi có nhiều trí thức yêu nước xuất thân Nho học đã trở thành những cây đại thụ trong nền Y học Việt Nam, như Tiến sỹ (TS) Dược khoa Hồ Đắc Ân; Giáo sư, TS, bác sỹ Hồ Đắc Di; TS Luật khoa Hồ Đắc Diềm; Sư bà Thích Nữ Diệu Không… Sức ảnh hưởng đó được lan toả cho các thế hệ đời sau noi gương ông cha gắng sức học hành.

Ông Võ Đại Đề, Chủ tịch Hội Đồng hương, cũng là Chủ tịch Hội Khuyến học làng Chuồn, trải lòng rằng, xuất phát từ vùng đất hiếu học nổi tiếng từ thời cha ông, thế hệ con em của làng dù công tác, học tập; hay sinh sống ở đâu cũng luôn hướng về quê hương, chăm lo việc họ hàng, góp sức xây dựng quê hương yêu dấu.

Từ truyền thống đó ngay sau giải phóng, An Truyền sớm thành lập hội đồng hương với mục đích hướng về cội nguồn đoàn kết giúp đỡ nhau bằng những việc làm tình nghĩa, chăm lo cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em tàn tật ở địa phương.

Một thời gian đã làm được một số việc; nhưng rồi những năm khó khăn về kinh tế, hoạt động của hội như có vẻ rời rạc, ít mang lại hiệu quả. Đó là những năm 80, ai cũng loay hoay với cuộc sống trước bộn bề khó khăn.

Sau này, khi đất nước chuyển mình đổi mới, làng quê An Truyền dần có những đổi thay. Từ một làng quê nghèo, dân làng biết dựa vào các nghề truyền thống, tạo được thương hiệu; đáng chú ý là nghề gói bánh tét. Cứ vào độ tháng Chạp, cả làng thức đêm để nấu bánh. Bánh tét làng Chuồn theo chân những cô gái mang đi tiêu thụ từ TP Huế đến các tỉnh bạn Quảng Bình, Quảng Trị, TP Đà Nẵng… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân quê. Ngoài ra, bà con còn có nghề làm bánh khoái cá kình; làm tranh trướng, liễn và nấu rượu.

Ban đầu là nấu thủ công. Đến nay, sự có mặt của cơ sở sản xuất và chế biến rượu truyền thống đã làm phong phú thêm cho đặc sản địa phương. Nó không chỉ tăng giá trị thương hiệu mà còn giúp cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn…

Theo ông Đề, nhờ kinh tế phát triển, đời sống người dân ổn định, hoạt động của Hội Đồng hương và Hội Khuyến học, khuyến tài có điều kiện hoạt động trở lại. Được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền xã, Hội Đồng hương đã tiến hành kiện toàn Hội Khuyến học, khuyến tài; sáng lập thêm Câu lạc bộ Sinh viên An Truyền, với những người tâm huyết, nhiệt tình trong hoạt động khuyến học.

Hội và Câu lạc bộ Sinh viên nắm chắc chuyện học hành của con em trong làng; kịp thời giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em trong học tập, thi cử. Hoạt động vinh danh sinh viên được tổ chức hằng năm có tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua học tập trong các khối lớp...

Tại đình làng An Truyền, đã diễn ra nhiều buổi lễ biểu dương khen thưởng các học sinh, sinh viên xuất sắc trước bà con trong làng. Như em Đoàn Quốc Hoài Nam đoạt giải nhì trong kỳ thi Olympic Hoá học Quốc tế 2014, khi em đang còn học lớp 12 chuyên Hoá, Trường Quốc học; em Tôn Thất Ái Đăng lớp 12 chuyên Lý, Trường Quốc học đoạt giải nhì môn Vật lý cấp Quốc gia (không có giải nhất); em Hồ Đắc Thanh Chương đoạt Huy chương Vàng giải Toán trên Internet; em Hồ Thị Mỹ Hương tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Ngoại ngữ Huế; em Võ Thị Kim Thảo hai lần đoạt thủ khoa, Khoa Quốc tế Trường Đại học Ngoại ngữ Huế và bảo vệ thành công đề cương nghiên cứu luận án tiến sỹ khi vừa tròn 22 tuổi...

Người xưa có câu “Một miếng giữa làng bằng sàng xó  bếp”, chính những buổi biểu dương, khen thưởng cho con em có thành tích tốt trong học tập, Hội Khuyến học làng An Truyền đã “tiếp lửa” thắp sáng truyền thống tốt đẹp ở làng quê để đến bây giờ khi nhắc đến làng Chuồn, hay An Truyền là nhiều người nghĩ ngay đến ngôi làng hiếu học…

Chiến Hữu
.
.
.