Danh thủ bóng đá Trung Kỳ kể chuyện đánh Pháp

Chủ Nhật, 09/01/2011, 14:05
Chuyện ông Nguyễn Văn Lang, một người Việt da đen, tóc xoăn mang hai dòng máu Việt - Nam Phi, làm Giám đốc đầu tiên của Mỏ Apatit Lào Cai cách đây hơn 50 năm về trước, có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ hẳn đã nhiều người biết. Song, có dịp tìm hiểu cặn kẽ mới hay ông Lang cũng từng là danh thủ bóng đá xứ Trung Kỳ; tham gia cách mạng cướp chính quyền tại Đà Nẵng năm 1945, được giao quyền chỉ huy lực lượng mật vụ quân sự, giữ nhiệm vụ Thành đội trưởng Đà Nẵng, làm nên những trận đánh xuất quỉ nhập thần khiến quân Pháp phải kinh hồn bạt vía...

Từ danh thủ bóng đá...

Năm cùng, tháng tận, công việc bộn bề, vậy mà nghe ông Lang kể chuyện bóng đá trên đất Trung Kỳ vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, chúng tôi không sao dứt ra được. Ông Lang đã vào tuổi 86, cười rung cả mái đầu tóc xoăn, bạc trắng như cước, kể lại một thời trai trẻ đam mê bóng đá, rồi nổi danh cũng nhờ bộ môn thể thao vua này. Chất giọng hóm hỉnh, cộng với cách diễn tả "rặt" Quảng Nam của ông già có nước da đen sậm, vóc dáng cao to chẳng thua kém dân châu Âu, càng làm cho câu chuyện thêm sôi nổi, hào hứng... 

Ông Lang kể rằng, quê hương cha đẻ của ông ở tận đảo Mactinique. Anh lính da đen người Nam Phi đến xứ sở Việt Nam trên con tàu viễn dương của người Pháp, không ngờ duyên phận đẩy đưa đã có tình yêu ngọt ngào với một cô gái Huế. Mùa hè năm 1924, cuộc tình đơm hoa kết trái, hạnh phúc càng nhân lên khi họ sinh được bé trai đặt tên là Nguyễn Văn Lang.

Nhưng, bất hạnh đã ập tới lúc ông chưa tròn 2 tuổi. Trong một chuyến về Pháp, người cha đã không may bị tử nạn trên con tàu xấu số bị bốc cháy bất ngờ khi nó gần cập cảng Mácxây. Cuộc sống của hai mẹ con ông bắt đầu những ngày tháng lang thang đầy cơ cực, đã phải dắt díu nhau chạy trốn vào đất Qui Nhơn, rồi từ đó lại tìm đường quay ra Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Lang và một người bạn tù Côn Đảo.

Vì, người mẹ không muốn con mình trở thành nạn nhân của chủ trương mà thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện, đó là bắt tất cả những đứa con lai Âu, Phi tập trung vào trại "Enfant de trouphe" nuôi lớn để sau này đào tạo thành lính lê dương cho họ… Cũng vì vậy mà mãi đến năm 1932, ông mới đi học. Vốn thông minh, lại được các anh công nhân tại Hoả xa của Đà Nẵng tận tình dạy dỗ nên ông học tiến bộ rất nhanh.

Ông Lang trầm ngâm nhớ lại: "Đến 1938, tôi được vào học trường Nhà nước "école le guren" và năm 1939 thì thi đỗ Frimaire (tiểu học). Song, vì nhà nghèo không đủ tiền ra học trung học ở Huế, tôi buộc phải bỏ dở dang việc học, xin vào học nghề ở nhà máy Hoả xa Đà Nẵng, rồi trở thành công nhân cơ khí. Cũng do tôi có nước da đen nên tên gọi Lang "Đen" có từ đó…"

Nhưng, sẽ là thiếu sót khi nhắc đến Lang "Đen" mà không biết rõ ông là danh thủ số một của bộ môn túc cầu giáo từng vang bóng một thời trên đất Trung Kỳ. Thật ra thời đó, với một cậu bé con lai nghèo khổ như Lang "Đen" thì khó thể bén mảng đến câu lạc bộ của bộ môn thể thao vua chủ yếu chỉ dành cho người Pháp và kiều dân châu Âu.

Cho nên, trong ký ức của ông già Lang "Đen" đã vào tuổi xế chiều vẫn chưa phai nhạt hình ảnh bãi đất trống chỗ Cây Quăng, nay thuộc phường Thạc Gián, TP Đà Nẵng; nơi ấy ông và bao đứa trẻ cùng cảnh ngộ chiều chiều dẫn nhau ra đó quần thảo nhau với trái bóng tròn. Về sau, trở thành công nhân cơ khí nhà máy Hỏa xa Đà Nẵng, ông không ngờ lại có cơ duyên đá bóng trên những sân bãi lớn dành cho những đội bóng tên tuổi như: "Rail Sport", "Touranais Sport" mà thuở nhỏ có mơ cũng không dám nghĩ đến...

Thì ra, lúc ấy nhà máy Hoả xa Đà Nẵng có đội bóng chân giày, gọi là đội bóng "Rail Sport". Chỉ trong một thời gian ngắn, với tài nghệ của mình, Lang "Đen" được bổ sung vào đá trung vệ cho đội "Touranais Sport" - Đội tuyển của TP Đà Nẵng lúc bấy giờ; rồi tiếp tục được tuyển lựa vào đá chính cho Đội tuyển Trung Kỳ, tham gia đá giải vô địch Đông Dương trong các năm 1941 - 1944. Nhờ học giỏi, cộng thêm tài đá bóng "thiên phú", Lang "Đen" có được việc làm để lấy tiền nuôi mẹ, được cưới người vợ đầu tiên tên là Nguyễn Thị Lan, là hoa khôi đất Đà thành, con gái của gia đình có quyền thế... Nhớ lại chuyện cũ, đôi mắt ông Lang rưng rưng.

Ông Nguyễn Văn Lang (người ngồi trước quả bóng) và đội bóng đá "Touranais Sport" năm 1940 - 1944.

Ông nói rằng, lúc đó đội bóng đá "Touranais Sport" do được bổ sung nhiều cầu thủ người Việt gốc Đà Nẵng nên nhanh chóng trở thành một "thế lực" của bóng đá Trung Kỳ, đã thi đấu ngang ngửa với các đội đàn anh như: "Hà Nội Sport", "Sài Gòn Sport"... Đội "Touranais Sport" từng giữ chức vô địch toàn Trung Kỳ trong 4 năm liền: 1941-1944 và đã tham gia các giải vô địch toàn Đông Dương. Để khắc phục ngoại hình nhỏ con và sức bền kém, họ thường sử dụng đấu pháp "M dưới, W trên".

Theo giải thích của ông Lang thì việc xếp đội hình từ sân nhà đến cầu môn đối phương theo hướng chữ M thuộc phần sân nhà, chữ W về phía sân đối phương, mỗi điểm của các chữ này có một cầu thủ chịu trách nhiệm sẽ giúp cho các cầu thủ cơ động bọc lót cho nhau, hỗ trợ tấn công và có nhiều điều kiện để tấn công dồn dập đối phương song vẫn hỗ trợ, bảo vệ kịp thời khung thành đội nhà.

Chính đấu pháp này đã đưa "Touranais Sport" lên đỉnh cao bóng đá Trung Kỳ. "Thời đó, chúng tôi chơi bóng vì đam mê mà không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, cứ khi tan tầm sau một ngày làm việc, là tôi ra sân chơi bóng. Với tôi, bóng đá là một môn nghệ thuật, ngoài sức bền nó cần đến sự khéo léo, tài hoa và nhất là cái đầu tỉnh táo của cầu thủ. Để tạo sức bền, mỗi chiều tập xong, chúng tôi chạy quanh sân đúng bằng chặng đường 5km, cứ thế bất kể ngày nắng hay mưa". Ngừng một lúc, ông Lang lại tiếp: "Theo tôi, đấu pháp "kiểu Braxin" hay kiểu Đức như hiện nay, sẽ khó phù hợp với thể hình người Việt, nên tôi cũng từng khuyên một vài huấn luyện viên nên quay về đấu pháp "M - W" của Đà Nẵng năm nào. Chắc chắn đấu pháp đó sẽ mang lại nhiều khả năng chiến thắng hơn...".

Đến anh cán bộ Việt Minh "da đen"

Ông Lang vẫn nhớ như in cái ngày cướp chính quyền ở Đà Nẵng (25/6/1945), ông được phân công làm Đội trưởng đội tự vệ, bí mật vào chiếm Sở Liêm phóng (Tức Sở mật thám của Pháp). Sau đó, ông được giao làm Uỷ viên Sở Liêm phóng, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị cho thành phố; nắm tình hình hoạt động chống phá của bọn phản động tay sai, bảo vệ buổi ra mắt UBND Cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng tại sân vận động Chi Lăng…

Nhờ nhanh nhạy, ông móc nối với bọn lính Nhật mua vũ khí trang bị thêm cho lực lượng Công an, mật vụ, tự vệ của ta tại Đà Nẵng. Rồi khi Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng thành lập Ban Dân báo đoàn, ông được cử làm phó ban và được kết nạp Đảng vào ngày 3/3/1946.

Với nước da đen và dáng vóc Âu phi, ông Lang thường giả dạng sĩ quan Pháp đi lại để nắm tình hình, mà không cần cải trang gì nhiều. Song, cũng chính ngoại hình đó đã làm ông suýt chết vì "phe ta", bởi các du kích làng Quán Khái Đông, Non Nước, cứ đinh ninh ông là sĩ quan Pháp. Bắt được ông, họ bàn nhau xử bắn, may mà ông gặp được anh Lê Văn Quý, Bí thư Khu Đông, cháu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến, sự việc mới rõ trắng, đen…

Cuối năm 1949, quân Pháp cho máy bay yểm trợ đánh phá vùng tự do Liên khu 5, phía Nam sông Thu Bồn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Liên khu 5, Ban chỉ huy quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng ra lệnh cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tập kích vào Đà Nẵng với quy mô lớn hàng trung đoàn chủ lực trở lên nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, buộc chúng phải co cụm lại.

Ông Lang lúc này đã là Thành đội trưởng Đà Nẵng, bàn bạc cùng ông Đào Ngọc Chua, Huyện đội trưởng Hoà Vang vạch kế hoạch đánh mục tiêu là rạp chiếu bóng Morin ngay giữa lòng đô thị Đà Nẵng. Rạp chiếu bóng Morin do anh em Morin (người Pháp) lập ra đầu tiên tại Trung Kỳ thời Pháp thuộc, là một điểm giải trí quan trọng nhất của Đà Nẵng lúc đó. Khi quay lại xâm chiếm nước ta, bọn sĩ quan Pháp và sĩ quan Việt thường đến đây xem phim hằng đêm...

Theo kế hoạch, ông Lang bố trí hai đồng chí là Huấn và Tâm cải trang sĩ quan ngụy vào rạp chiếu bóng Morin, còn ông trực tiếp chỉ huy một tiểu đội, cải trang áp sát các điểm quanh đó để hỗ trợ. Lúc đúng 19h30' ngày 3/3/1950, Huấn và Tâm mang lựu đạn trong người thản nhiên vào rạp chiếu bóng cùng với các sỹ quan giặc…

Trận đánh thắng lợi lớn, nhưng Huấn và Tâm không thoát khỏi tay giặc. Chúng bắt hai anh tra tấn dã man và đưa đi thủ tiêu. Cũng may, họ lợi dụng sơ hở nhanh chân tẩu thoát và được ông Lang đón đưa về Tam Kỳ băng bó, chữa trị thương tật. Chiến công đó, anh Huấn được thưởng Huân chương Quân công hạng 3, anh Tâm được thưởng Huân chương chiến sỹ hạng 2.

Đoạn ông Lang bảo: "Trận đánh vào khách sạn Morin đã làm cho thực dân Pháp ở miền Trung khủng hoảng sĩ quan trong một thời gian dài. Sau này tôi đi tập kết, Tâm và Huấn ở lại quê nhà hoạt động và bị địch bắt tù đày. Ngày đất nước thống nhất, tôi về lại Đà Nẵng thì gặp Tâm sống ở huyện Hoà Vang, nhưng thành tích đóng góp của anh cho cách mạng thì hầu như không ai biết, bởi ngay trận đánh trên cũng không thấy sách lịch sử nào đề cập. Xót lòng, vợ chồng tôi đã tìm đến nhà Tâm, tìm cách liên hệ với các cơ quan thẩm quyền để làm chế độ "người có công" cho anh…".

Nói đến Lang "Đen", người Đà Nẵng không ai không biết đến lực lượng "Bộ đội Thái Phiên" do ông thành lập và đánh nhiều trận táo bạo, bất ngờ vào quân Pháp ngay giữa lòng Đà Nẵng, làm chúng nhiều phen thất điên bát đảo. Bọn thực dân Pháp đã treo thưởng rất lớn, nếu ai bắt sống hoặc giết chết được Lang "Đen", song chúng đều thất bại.

Ông nói như tâm sự với riêng ông: "Mình quá hiểu nỗi khổ nhục của một người dân mất nước; mình hiểu từng con đường, góc phố của Đà Nẵng, nơi mình lớn lên trong sự cưu mang của mọi người, không ai phân biệt mình là da đen hay da vàng. Bởi, họ đều biết mình là một người Việt Nam chính hiệu. Mình yêu Đà Nẵng, yêu dân tộc Việt Nam của chúng ta nên chiến đấu mà không sợ chết. Hơn nữa, mọi người cũng thấy Lang "Đen" là chiến sĩ cách mạng, một Việt Minh chứ không phải là bọn người Âu xâm lược. Chính vì vậy nên mình được nhiều người yêu thương, che chở, được Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng!".

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, ông Lang vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quí. Và từ đó, ông được ra Bắc đi học, rồi về làm giám đốc đầu tiên của Mỏ Apatit Lào Cai, có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ...

Long Vân- Hoàng Giang
.
.
.