Dân đất cảng khổ vì... bụi cát

Thứ Tư, 12/11/2008, 16:09
Theo phản ánh của các hộ dân khu vực phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết: Bụi bình thường chỉ làm bẩn, nhưng bụi cát len lỏi rất tài tình, chui vào chăn màn, quần áo gây cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Đặc biệt, khả năng bám dính vào da người của bụi cát rất nhạy, rửa khô không ra, rửa nước cũng khó sạch, lâu ngày như bị bỏng rát toàn thân.

Bụi cát là gì?

Hải Phòng nổi tiếng từ rất sớm có ngành công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu biển (gọi chung là đóng tàu) rất mạnh. Nay, trải qua hàng chục năm xây dựng phát triển, đóng tàu được tái khẳng định là "mũi nhọn" nhất của ngành công nghiệp Hải Phòng với giá trị sản xuất công nghiệp hàng tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh những đóng góp to lớn về giá trị kinh tế, nhiều đơn vị đã đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ công nghệ hướng tới mục tiêu trở thành ngành công nghiệp "sạch", ít gây ô nhiễm môi trường. Song, cho đến nay, đó vẫn là sự hướng tới, có đến 70% quy trình sản xuất vẫn là thủ công. Đây chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm đa dạng như tiếng ồn, bụi, nguồn nước và có cả ô nhiễm hoá chất gây bức xúc trong đời sống, sinh hoạt người dân.

Ô nhiễm dễ thấy nhất là bụi cát trong quy trình làm sạch vỏ tàu trước khi sơn. Ngày trước, công đoạn này tiến hành theo kiểu cạo gỉ bằng tay, gõ búa làm bong lớp hoen gỉ. Sau khá hơn, dùng máy mài làm sạch. Nhưng làm như vậy tốn rất nhiều nhân công, tiến trình làm sạch vỏ tàu rất dài, độ ồn inh tai nhức óc.

Công nghệ phổ biến nhất hiện nay là bắn hạt mài (dùng máy phun cát áp lực cao) để làm sạch bề mặt thép. Ưu điểm của phương pháp này là dùng máy móc thay nhân công, chi phí thấp, hiệu quả làm sạch khá cao. Nhưng ngược lại, việc phun cát áp lực cao tạo ra sự va chạm với bề mặt kim loại làm cát bị vỡ thành bụi khuyếch tán ra môi trường trở thành nguồn ô nhiễm bụi cát rất nguy hiểm.

Theo phản ánh của các hộ dân khu vực phường Máy Chai - quận Ngô Quyền, nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân tại đây bị tra tấn bởi bụi cát từ nhà máy đóng tàu của Công ty CK 69.

Theo họ, bụi bình thường chỉ làm bẩn, nhưng bụi cát len lỏi rất tài tình, chui vào chăn màn, quần áo gây cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu. Đặc biệt, khả năng bám dính vào da người của bụi cát rất nhạy, rửa khô không ra, rửa nước cũng khó sạch, lâu ngày như bị bỏng rát toàn thân.

Cùng tình cảnh này còn có hàng ngàn hộ dân sống ven đường 5 cũ thuộc phường Hùng Vương - quận Hồng Bàng, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, nơi có hoạt động phun cát cạo gỉ tàu của các nhà máy đóng tàu quy mô lớn.

Thách thức môi trường

Qua tìm hiểu tình hình được biết, trước sự búc xúc của người dân, nhưng hầu như các cơ quan chuyên ngành về quản lý môi trường đều không có động thái nào kiểm tra, xử lý. Đơn vị chức năng nào cũng "né" ngành đóng tàu. Bằng chứng là dân kiện cứ kiện và cát vẫn liên tục được "bắn" thành bụi.

Tại khu vực nhà máy đóng tàu của các công ty CK 69, Xí nghiệp Đóng tàu Quỳnh Cư (phường Hùng Vương), hoạt động bắn cát rửa vỏ tàu trước còn lén lút làm vào ban đêm, nhưng khi dân kiện, làm luôn giữa ban ngày, không hề có biểu hiện che giấu. Vì vậy, việc giải quyết đơn thư khiếu nại về bụi cát cuối cùng lại phải do chính quyền phường thụ lý. Và phường chỉ có thẩm quyền kiểm tra, nhắc nhở rồi thôi.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, hiện trạng ô nhiễm môi trường trong công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang ở mức báo động.

Trước nguy cơ ô nhiễm nặng từ bụi cát, gần đây, một hội thảo khoa học về tìm kiếm công nghệ thay thế việc phun cát làm sạch bề mặt kim loại bằng áp dụng công nghệ làm sạch bề mặt bằng hệ thống nước siêu cao áp (UHP) kết hợp với một loại sơn Expoxy amin biến tính composite (ES301) để làm sạch bề mặt thép và sơn cho các ngành công nghiệp tàu biển.

Với hệ thống này, áp lực từ các tia nước phun ra khỏi súng có thể lên tới 2500 bar. Với dải áp lực này, toàn bộ lớp vật liệu bám trên bề mặt kim loại sẽ được tẩy sạch và đưa chúng về trạng thái nguyên thủy. Ngoài ra, sơn Expoxy amin biến tính composite không mùi, không độc nên không ảnh hưởng tới người sử dụng. Hơn nữa, do quá trình làm sạch bằng nước nên không tạo ra chất thải rắn, không gây bụi nên không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Hiện đã có một vài đơn vị đóng tàu áp dụng công nghệ này nên đã giải quyết cơ bản những bức xúc của dư luận. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ sạch đối với ngành đóng tàu đến nay vẫn chỉ ở giai đoạn vận động, tự nguyện. Số đông còn lại vẫn bám riết công nghệ cũ, bất chấp những tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đã đến lúc không thể vị nể ngành "mũi nhọn" đóng tàu, bởi dù có làm ra giá trị kinh tế cao thì chắc chắn vẫn không thể bù đắp nổi những thiệt hại do chính ngành này gây ra từ công nghệ lạc hậu và ô nhiễm

Lê Minh Triết
.
.
.