Đắm mình dưới tán rừng U Minh Thượng

Chủ Nhật, 27/08/2006, 08:26
Gần như lần nào cũng vậy, đến công tác tại Kiên Giang, ngồi tham khảo đề tài với bạn bè đồng nghiệp, các anh ở Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh, là tôi vẫn thấy vẫn cứ “khát” ba chữ “U Minh Thượng”. Dưới tán rừng U Minh Thượng, tôi từng “đắm mình” trong những câu chuyện kể gần như bất tận…

Trong tuổi nghề làm báo còn non trẻ của mình, không biết từ khi nào nữa, tôi lại thích “trở lại” những địa danh, gắn liền với những chiến tích, sự kiện hào hùng mà lớp lớp cha anh đi trước đã tạo nên bằng xương, máu và trái tim nhiệt huyết cách mạng.

Ngót 50 năm trước – năm 1956, Đội An ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Kiên Giang được thành lập dưới tán rừng U Minh Thượng. Mùi hoa tràm thoang thoảng, đầy quyến rũ và tiếng ong vo ve lấy mật vẫn còn trong ký ức của nhiều chiến sĩ cách mạng ngày ấy. U Minh Thượng những ngày lịch sử này cũng chẳng khác trên rừng Trường Sơn hùng vĩ, bạt ngàn. Cũng “cùng mắc võng”, cũng tấm áo vá, mảnh khăn rằn từ đôi bàn tay đảm đang, khéo léo và gởi gắm tấm lòng của những bà má, cô em kịp gởi vào ba lô các chiến sĩ, cũng hẹn gặp lại ngày toàn thắng.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc – Hội đồng giám định pháp y tỉnh Kiên Giang, một trong những chiến sĩ quân y gắn liền với lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Kiên Giang hồi tưởng: Quá trình công tác, nhiều tình thế hết sức gay go, quyết liệt nhưng anh em vẫn bình tĩnh, mưu trí, dũng cảm, bảo vệ an toàn cán bộ, giữ vững căn cứ. Cũng như ông Phúc, trong câu chuyện kể của nhiều cựu chiến binh thuộc lực lượng An ninh vũ trang, chẳng ai quên được trận địa xảy ra ngày 25.6.1957 – khi mà lực lượng mới được nửa tuổi đầu.

Hôm đó, 3 tiểu đoàn địch càn vào khu vực Tỉnh uỷ đóng đô. Ngay lập tức, các đồng chí cấp uỷ được đưa ra khỏi “luồng” mà địch dự định càn quét để giấu và bố trí lực lượng đánh lạc hướng địch. Trận này, có một đồng chí bị đỉa cắn cả đêm, mất máu nhiều đến ngất nhưng phải chịu đựng đến đêm hôm sau, mới bắt liên lạc được với cơ sở đưa đi điều trị. Nhưng mừng nhất là căn cứ Tỉnh uỷ vẫn an toàn. Trận chiến đấu nhớ đời nhất là trận xảy ra vào ngày 12/3/1971, tại căn cứ Xẻo Quao, xã An Hòa, huyện An Biên.

Hôm đó, có cuộc hội nghị quan trọng có mặt của các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ Khu 9, Khu Sài Gòn – Gia định như: Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Vũ Đình Liệu, Trần Văn Long, Trần Ngọc Hưng, Trần Hải Phụng, cùng nhiều sĩ quan tham mưu. Cuộc hội nghị bị lộ. Địch lập tức cho máy bay các loại dọn bãi, dùng pháo binh đánh phá vào khu vực hội nghị và cho một đại đội trinh sát  của trung đoàn 33, sư đoàn 21 nhảy dù.

Với tinh thần quả cảm, ngoan cường, quyết tâm bảo vệ Đảng, cán bộ, đơn vị đã đã chia ra thành nhiều tổ, vượt qua làn mưa bom, đạn pháo của địch, đẩy lùi 4 đợt tấn công của địch. Trận này, người đội trưởng mưu trí Phạm Văn Hớn (Mười Thành) cùng 3 chiến sĩ khác anh dũng hy sinh (sau này đã được tuyên dương AHLLVTND). Bọn địch phải trả giá bằng 35 tên chết, bị thương (có 2 tên cấp uý) và bị rớt một trực thăng.

Một câu chuyện khác dưới tán rừng U Minh Thượng mà lớp trẻ chúng tôi phục… sát đất đó là chuyện kể về nữ AHLLVTND Trần Quang  Mẫn nhận nhiệm vụ xử tử hình tên việt gian Lâm Quang Phòng. Tên này sinh ra ở An Biên, con của địa chủ Thiệp. Khi Pháp tái chiếm Nam Kỳ, Thiệp làm quận trưởng An Biên đến 1953, bị ta bắt sống quản thúc, rồi chết luôn trong tù. Tên Phòng từng làm xã trưởng.

Khi Nhật đảo chính Pháp thì Phòng “ôm chân” Nhật. Kháng chiến nổ ra, Phòng ra bưng đi bộ đội lên đến chức đại đội trưởng gia nhập Đảng Dân chủ rồi trở ra thành lúc cha hắn còn làm quận trưởng. Sau đó, hắn lại bất mãn Pháp trở lại bưng xin tập kết ra Bắc nhưng vào giờ phút chót, Phòng đổi ý chạy lên Sài Gòn tìm Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ xin được đỡ đầu.

Bấy giờ, Ngô Đình Diệm đang cần người kháng chiến cũ quay về với chính nghĩa quốc gia nên dùng Phòng làm chim mồi. Phòng được phong chức Chi khu trưởng, kiêm quận trưởng An Phước (gồm các huyện An Biên, Phước Long, Bình Thuận, Thới Bình, vùng U Minh Thượng nằm giáp hai tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu). Hắn lập bộ đội mặc đồ đen rồi tự xưng là lực lượng vũ trang đen của Mặt trận Việt Minh để lại, đề ra khẩu hiệu lấy súng Mỹ để đánh Mỹ nhằm lừa bịp dân chúng. Lực lượng bảo an của Phòng lên đến 4 tiểu đoàn.

Năm 1955, Ngô Đình Diệm đến khánh thành Chi khu An Phước phong cho Phòng hàm thiếu tá. Vì cái chết của cha hắn trước đó, Phòng ra sức bắt bớ, tàn sát Việt Minh nằm vùng. Chỉ trong vòng 3 năm (1954 – 1957), Chi khu An Phước đã giết trên hai ngàn cán bộ. Tội ác tày trời này của Phòng đã bị Tòa án quân khu 9 kết án tử hình hắn. Và nữ chiến sĩ Mười Mẫn xung phong thi hành bản án này. Theo lời kể của bà, bà có bà con xa với tên Phòng nên nhân dịp nhà họ Lâm có đám giỗ, bà tới giúp bếp núc.

Tất nhiên tên Phòng rất cảnh giác, trước khi về ăn giỗ hắn điều tra kín cẩn thận. Mười Mẫn giữ ý, bà chỉ ở dưới bếp nấu ăn, đôi khi phụ bưng mâm lên nhà trên phục vụ quan khách. Thừa lúc Phòng ngồi ăn nhậu, bà rút dao đã chuẩn bị sẵn chém Phòng gục tại bàn. Tất nhiên, bà bị đám hộ tống của Phòng bắt ngay đưa về đồn khảo tra ác liệt. Đã tính trước tình huống này, bà khai trước sau như một: “Thằng Phòng giết chồng tui, tui phải trả thù”. Sự thật thì chồng bà – ông Nguyễn Văn Bé đã hy sinh trước đó. Sau phi vụ này, bà bị giam giữ nhiều nơi nhất là Phú Lợi. Còn tên ác ôn Lâm Quang Phòng, do bị thương nặng nên phải cấp cứu. Sau đó bị Diệm điều đi nơi khác. Tên Phạm Dữ – Phó Chi khu An Phước lên thay Phòng nhưng sau đó cũng bị sa thải. Chi khu An Phước bị cách mạng giải tán sau đó.

Hôm nay, lớp trẻ chúng tôi đi giữa màu xanh của U Minh Thượng mà cảm nhận được giá trị của sự yên bình. Càng tự hào về những trang sử hào hùng, càng nhận thức được trách nhiệm của mình hôm nay. Nhiều lần  theo chân các chiến sĩ trẻ của Công an Kiên Giang vào U Minh Thượng, tôi nghe nhiều câu chuyện về nỗ lực của Công an các huyện An Minh, Vĩnh Thuận luôn vượt mọi khó khăn, ngày đêm, giữ gìn ANTT địa bàn; nghe những câu dân gian từ thuở cha ông “mang gươm đi mở cõi” từ cách nay trên 300 năm, chuyện rắn, chuyện ong, chuyện cá đồng, cá sấu, chim muông, đặc biệt là chuyện lịch sử gắn liền hàng lọat địa danh Miệt Thứ (từ Thứ Nhất đến thứ Mười Một, xen kẽ đó là Ba Rưỡi, Chín Rưỡi, Mười Rưỡi), Xẻo Rô, rạch Bà Cư, Nằm Bếp, Chà Và, Ngã ba Tàu, Chắc Băng, rạch Ông Lang, Xẻo Ngát, Xẻo Lá; nghe chuyện về rừng tràm Ban Biện Phú có nấm mồ tập thể của những người dân yêu nước, cách mạng; chuyện Kênh Hãng là căn cứ địa của các cơ quan kháng chiến Nam bộ và Khu 9 trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nhớ lần họp mặt “200 ngày và 50 năm” do Kiên Giang tổ chức, hàng trăm cựu chiến binh tay bắt mặt mừng khi gặp lại tại vàm Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận. Những người con ưu tú miền Nam tập kết ra Bắc (tháng 7.2004) ngày nào bỗng sống trong những ngày tháng lịch sử của cuộc chia ly cho ngày thống nhất. Ông Dương Văn Hiếu - nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã không cầm được nước mắt.

Ông kể: “Khi thấy mấy chiếc xuồng chèo trên kênh Chắc Băng, tôi đưa tay vốc nước dưới dòng kênh mà muốn gào lên: Chắc Băng đây rồi. Năm mươi năm trước, tôi bước xuống tàu, nhìn lên bờ, thấy những bàn tay vẫy đưa 2 ngón lên, ở dưới tàu cũng đưa 2 ngón tay ra hiệu 2 năm gặp lại. Vậy mà 50 năm, chúng tôi mới trở lại nơi này. Tôi nói với chủ ghe đừng cười, 50 năm chú mới trở lại nơi này. Chú khóc vì vui đó. Chủ ghe cũng rưng rưng”.

Đại tá Lê Văn Thi – Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cách nay chưa lâu, trong lần lội rừng cùng các chiến sĩ trẻ cũng không giấu được ý tưởng mà anh từng ấp ủ: Biến một vạt rừng rộng khỏang 120 ha tại xã An Minh Bắc, thuộc vùng đệm U Minh Thượng mà tuổi trẻ Công an tỉnh nhận làm công trình thanh niên, thành vạt rừng “khỏe”, an tòan, sinh thái, là nơi giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ.

Tôi cũng mơ đến ngày đó, được lặng mình dưới tán rừng, nằm ngửa mặt lên trời, thưởng thức đêm U Minh Thượng với hương tràm thoang thỏang, nghe kể chuyện của ngày hôm qua và câu hát của của các thôn nữ vùng Miệt Thứ ngân vang, bất tận: U Minh, bốn bề là tràm...

Binh Huyền
.
.
.