Đãi vàng từ tuổi lên 10

Thứ Bảy, 28/07/2007, 18:40
Ở xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam, từ tuổi lên 10, lũ trẻ đã có khái niệm làm sao kiếm được tiền để mua gạo, kiếm được tiền để tiêu xài. Ngoài tiền đưa cho mẹ đong gạo, phần ít ỏi còn lại được bỏ vào cà phê, thuốc lá, bánh kẹo, rượu... Hết tiền, lại đi đãi vàng.

Xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là một căn cứ địa cách mạng kiên trung trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhưng cái nghèo, cái thiếu ăn cứ luẩn quẩn trong nhiều năm qua.

Làm rẫy, làm nương không đủ ăn, lại nhác học và chưa có một chương trình đào tạo nghề nào; sẵn có nguồn tài nguyên vô tận trong lòng đất và kiếm tiền nhanh, nhiều trẻ em ở đây đã biết đãi vàng từ khi mới lên 10 để có tiền đong gạo qua ngày và tiêu xài phung phí.

Nguyễn Thanh C., ở thôn Điềm, tuy mới 13 tuổi và mới học đến lớp 6 nhưng trong nghề đãi vàng thì đã có thâm niên.

C. là con út, trong nhà có 5 anh chị em thì có 4 anh em đi đãi vàng để giúp bố mẹ. Mẹ ốm đau thường xuyên phải ở nhà, bố làm nghề bẫy thú rừng, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em đã phải tự bươn chải kiếm sống từ thuở lên 10.

Những ngày nghỉ học hoặc trốn học đi đãi vàng, cứ 8h sáng, C. đi xe đạp 2 tiếng đồng hồ vào rừng, cùng với các bạn phơi mình giữa cái nắng, cái mưa đãi vàng đến 3h chiều mới về.

Nguyễn Văn V., 14 tuổi, ở thôn Điềm, mới học đến lớp 2 thì "học không nhớ" nữa, em ở nhà giữ 3 con bò cho mẹ. Nhà có 4 anh chị em, bố mất sớm, làm nương rẫy không đủ ăn, cả 4 anh chị em đều đi đãi vàng.

Không có xe đạp, từ lúc tinh mơ, V. đã trở dậy ăn qua quýt bát cơm mẹ nấu, rồi cùng với anh chị và mấy đứa trẻ trong xóm cuốc bộ hơn 3 tiếng đồng hồ vào sâu trong rừng đãi vàng.

Để có chỗ đãi, mỗi em phải trả 900.000 đồng/tháng cho chủ bãi để thuê bãi, lẫn các thiết bị, máy móc như: máng, máy bơm nước để đãi...

Bãi đã đông nghịt người ngay từ sáng sớm, người trong xã cũng có nhiều, nhưng phần lớn là người từ nơi khác đến. Có khoảng 1.000 người làm ở đó, V.cho biết.

Khi đến bãi, V. đứng tần ngần, ngắm mãi không chán chiếc máy xúc ngạo nghễ, hùng dũng sục mỏ sâu vào lòng đất ngoạm lên từng múc đất pha sỏi có chứa vàng bỏ vào từng máng. Những hôm không có máy xúc, các em phải dùng xà beng bẩy đi lớp đất dày trên mặt, rồi xúc lớp đất pha sỏi có chứa vàng vào máng.

Những chiếc máy bơm nước của chủ bãi xối nước vào máng để làm đất mềm, tơi ra, đất dễ trôi đi theo nước và cũng dễ loại ra sạn.

Sau đó, mỗi người dùng dùng bồn đãi (như chiếc nón cạn bằng gỗ, nặng khoảng 2 cân rưỡi) đãi cùng với nước, vàng đọng lại ở đáy bồn. Vàng đãi được chủ yếu là vàng cám, thỉnh thoảng gặp một hạt cỡ 6 li hoặc 1 phân. Cũng có những mẻ đãi mãi chẳng được cám vàng nào.

Cứ đãi miết, mặc nắng, mặc mưa, trưa không ăn, đến tối mịt mới về. Một ngày đi đãi sau khi chia nhau, mỗi em cũng được 7-9 li vàng cám, có ngày được 1 phân (10 li).

Đem đi bán với giá khoảng 11.500 đồng/li đối với vàng cám (còn vàng thẻ, vàng hạt thì đắt hơn) tính ra mỗi ngày đi đãi C. và V. cũng có được 100.000 đồng, về đưa cho mẹ đi đong gạo, còn lại là các em tiêu xài.

Các em bán vàng ở đâu? - chúng tôi hỏi. V. liền chỉ vào mấy quán bán tạp hóa xa xa: Quán nào cũng mua vàng cả. Chúng tôi thử vào một quán bán tạp hóa ở gần nhất, đập ngay vào mắt là chiếc cân đĩa sáng bóng, cân được từng li vàng.

"Mới đầu đi làm cũng vất vả và mệt nhọc lắm, cả ngày không biết đến bữa trưa, chỉ ăn sáng rồi đi, chiều về mới ăn cơm. Nhưng làm riết rồi cũng quen, giờ em thấy công việc này đơn giản, kiếm được nhiều tiền, lại nhanh nên ham... Thỉnh thoảng cũng có bị người lớn hăm dọa, đánh đập, nhưng... vẫn phải làm thôi!" – C. nói.

Em dự định sau này mình sẽ làm gì, hay chỉ đi đãi vàng thế này mãi thôi? - chúng tôi hỏi. V. thành thật: Chắc cũng đi đãi vàng thôi, vì được nhiều tiền, chứ làm nương rẫy thì vất vả mà chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Đãi vàng, nghề kiếm tiền nhanh, nhiều nên đại đa số thanh niên, thiếu niên trong xã - những người ít học đều lấy nó mưu sinh.

Đãi vàng cũng là một công việc bình thường, quen thuộc như làm ruộng, làm nương nhà mình và từ nhỏ đến lớn các em chỉ quen công việc này thôi. Ở đây, các em từ tuổi lên 10 không có khái niệm ước mơ, hay nghề nghiệp, chuyện học cũng chẳng qua là bị ép phải học. Các em chỉ có khái niệm là làm sao kiếm được tiền để mua gạo, kiếm được tiền để tiêu xài.

Có tiền rồi, đưa tiền cho mẹ đong gạo, phần ít ỏi còn lại, các em cũng không có khái niệm tích lũy mà tiêu xài phung phí, bỏ vào các cuộc vui với cà phê, thuốc lá, bánh kẹo, uống rượu... Hết tiền, các em lại đi đãi vàng.

Bà Lê Thị L., mẹ của em V. cho biết: “Lo, lo chứ, con tôi đi làm vàng, tôi ở nhà lo không biết có làm được hay không, rồi sợ nó đau ốm, lo mưa nắng, sợ lũ về bất chừng”...

Cũng như mọi nhà ở xã Tư này, nhà bà L. cũng đi làm rẫy, làm nương. Bà trồng lúa một năm chỉ được một vụ, năng suất thấp, không đủ ăn. Và bà với thân hình ốm yếu và bệnh tật cũng phải đi làm vàng "tọ mọ". Bà đến những nơi họ vừa đãi xong để đãi mót lại, một ngày cũng được 1-2 li, đem bán được 20 - 30 ngàn đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tư cho biết: Toàn xã có 320 hộ thì hết 270 hộ nghèo (theo chuẩn mới), giao thông đi lại thì khó khăn; trăn trở nhiều năm nhưng chưa có được các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên.

Bên cạnh đó, trình độ dân trí thì lại thấp nên hầu hết thanh niên không có việc làm, phải phụ thuộc vào gia đình và chủ yếu đi làm nương, làm rẫy,... Xã luôn có chủ trương không cho trẻ em đi lao động sớm, tuy nhiên, với thu nhập nhanh và nhiều, các em tự động đi đãi vàng, không thể cản được, để phụ giúp gia đình.

Theo chúng tôi được biết, ở xã Tư này, có khoảng 200 đứa trẻ như thế đi đãi vàng từ tuổi lên mười, có nhiều đứa đã bỏ học, có đứa đang đi học trốn học đi đãi...

Làm sao để các em không phải đi đãi vàng, không phải đi lao động sớm, không phải làm công việc quá sức của trẻ nít mà ngay cả người lớn cũng không kham nổi? Quả là khó tháo gỡ khi mà cái nghèo, cái đói vẫn luẩn quẩn ở xã miền núi này

Viết Nam
.
.
.