Đại tướng luôn sâu nặng tình cảm với quê nhà

Thứ Sáu, 11/10/2013, 21:49
Ngồi trước bàn phím viết bài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà nước mắt tôi cứ chảy dài. Trên đường về quê hương Đại tướng ở làng An Xá, Lộc Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, tôi bắt gặp những người dân mắt đẫm lệ đang đi mua sắm lễ vật lập bàn thờ cúng viếng khi Đại tướng qua đời.

Căn nhà nhỏ Đại tướng từng cất tiếng khóc chào đời, lớn lên trong điệu hò khoan Lệ Thuỷ vẫn còn đây. Lâu lắm rồi, Đại tướng không về thăm nhà, nhưng những kỷ niệm về Đại tướng, nụ cười hóm hỉnh của ông vẫn in sâu trong trái tim mọi người. "Ít ngày nữa Đại tướng lại về quê, nhưng Đại tướng không còn chuyện trò được với bà con quê hương nữa rồi". Tiếng ai đó nấc lên trong dòng người về quê nhà Đại tướng để thắp hương.

Lớn lên trong điệu hò khoan Lệ Thuỷ

Nhà Đại tướng ở làng An Xá cách con sông Kiến Giang chưa đầy 100m. Tuổi thơ trong vắt của Đại tướng lớn lên cùng dòng sông này. Trên sông, đêm đêm sáng trăng, người làng thường ra đứng hai bên bờ sông hóng mát và nghe những tiếng hò khoan Lệ Thuỷ êm ái, mượt mà.

Những câu hò đối qua, đối lại đã làm cho bao người đi xa vẫn đau đáu nỗi nhớ quê. "Tôi đi xa, đi lâu không về thăm quê được, do bận nhiều công việc của Đảng và nhân dân giao. Nhưng trong lòng bao giờ cũng nhớ quê, yêu thương quê hương da diết", đó là tâm sự tận đáy lòng sâu nặng với quê hương Quảng Bình của Đại tướng khi ông về thăm quê nói với bà con quê nhà.

Ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá hơn 30 năm qua đã gìn giữ bảo vệ ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Gìơ đây, trước khi về bên Bác Hồ và những đồng chí, đồng đội của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn để lại di chúc: sau khi ông mất đưa ông về quê nhà chôn cất trên mảnh đất quê nghèo Quảng Bình. Khi bản tin của Đài truyền hình Việt Nam đưa Thông cáo đặc biệt của Đảng và Nhà nước về Đại tướng qua đời, rất nhiều người dân Quảng Bình đã oà khóc nức nở. Nhiều người khóc không phải còn bất ngờ tin về Đại tướng qua đời, mà khóc vì Đại tướng lại chọn quê hương trong ngày về với tổ tiên. Tôi ra bờ sông Kiến Giang nhìn dòng nước lững lờ trôi lại chợt nhớ đến hình ảnh Đại tướng đứng bên bờ sông cổ vũ cho các mái chèo quê nhà mới hôm nào. Đâu đó, tiếng hò khoan Lệ Thủy cất lên nghe lòng phiêu diêu trong chiều quê êm ả "Anh đưa em về thăm quê em xứ Lệ, nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ, sông nước chan hòa ôm ấp tình quê bởi Kiến Giang xanh ôm mái tóc thề, ngày xa quê anh không hẹn lại....về"....

Ngôi nhà cấp 4 với 3 gian nếp xưa nằm nép mình dưới những tán cây xanh gắn bó với Đại tướng vẫn còn đây. Bộ bàn ghế, chiếc giường, những bức ảnh... sau hàng chục năm vẫn vẹn nguyên. Ngôi nhà được lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng. Gian chính giữa ngôi nhà đặt bàn thờ tổ tiên, trên bàn thờ treo di ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng. Phía ngoài bàn thờ đặt chiếc bàn tiếp khách đơn sơ và gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói.

Xung quanh kèo nhà treo một số ảnh của Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và ảnh Đại tướng chụp chung với nhiều chiến sĩ. Những vật dụng gia đình ở nông thôn vùng lúa Lệ Thuỷ như cày, bừa, cuốc, xẻng, chum, vại... được sắp đặt ngăn nắp. Được biết, trong những lần về thăm quê, Đại tướng đã rất xúc động khi thấy ngôi nhà của gia đình được phục dựng tỉ mỉ giống như những tháng năm Đại tướng ở nhà.

Quặn lòng người dân vùng cát

Sáng 5/10, hàng vạn người dân vùng cát Quảng Bình bàng hoàng khi nghe tin người con ưu tú nhất của quê hương đã vĩnh biệt ra đi. Trong một quán ăn sáng trên đường Trần Hưng Đạo, khi nghe tin Đại tướng qua đời, ông Trương Đình Phùng (70 tuổi, nguyên Chủ nhiệm pháo binh Bình Trị Thiên) ngồi lặng, thẫn thờ trước bát cháo sáng rồi nước mắt cứ thế chảy dài. Rồi ông gọi chủ quán tính tiền dù bát cháo còn nguyên vẹn.

Ông Trương Đình Phùng, nguyên Chủ nhiệm Pháo binh tỉnh Bình Trị Thiên đã từng được Đại tướng động viên, khích lệ trên đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.

Chỉ cần nghe tin, Đại tướng vào, hoặc Đại tướng có điện vào là tất cả người lính Trường Sơn như có dòng điện chạy qua. Mọi người được tiếp thêm sức mạnh để hành quân nhanh hơn. Đại tướng qua đời, ông Phùng và các cựu chiến binh trong khu phố đã đến bên nhau ôn lại kỷ niệm những ngày gặp Đại tướng, ai nước mắt cũng chảy dài. Hai đêm qua, nhiều người dân Quảng Bình quê hương của Đại tướng không ngủ. Những thiệt hại khủng khiếp do bão số 10 gây ra vẫn còn ngổn ngang, song khắp mọi nơi hầu như ít người nhắc đến bão, mà chỉ có chuyện về Đại tướng, kỷ niệm về Đại tướng được người dân nhắc đến, kể cho nhau nghe với thái độ dâng tràn yêu thương, kính trọng.

Ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông thúc bá đẫm nước mắt kể lại, "Mỗi lần về quê, ông đều hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm. Sau này sức khỏe không cho phép Đại tướng về thăm quê, nhưng nhiều dịp, nhất là sau những lần bão lũ, Đại tướng bao giờ cũng gọi điện về nhà hỏi: “Bà con làng xóm thế nào, có bị thiệt hại chi không? Nhà mình có sao không, cây cối trong vườn, đặc biệt là cây khế có bị đổ không?”. Trẻ con làng mình bây giờ còn tắm sông nữa không? Năm nay đua thuyền làng nào về nhất?...".

Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, người nhiều lần được Đại tướng dặn dò, chỉ bảo khi đồng chí còn làm Giám đốc Công an Quảng Bình, giọng bùi ngùi, hầu như lần nào về thăm quê hương Quảng Bình Đại tướng cũng dành thời gian đến nói chuyện, căn dặn lực lượng Công an.

Nhiều lần về thăm quê, Đại tướng ra bờ sông Kiến Giang xem cổ vũ lễ hội đua thuyền truyền thống ngày 2/9 ở quê nhà.

Đại tướng dạy, trong chiến tranh Quảng Bình là quê hương "2 giỏi" (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi), vì vậy Công an cũng như các ngành khác và nhân dân cứ lấy truyền thống đó để phấn đấu, cố gắng xây dựng tỉnh nhà. Có lần về thăm quê Đại tướng ở lại nhà nghỉ Hoa Hồng của lực lượng Công an gần 1 tháng. Sáng sớm, Đại tướng ra trước biển tập dưỡng sinh, rồi ông chuyện trò với bà con thân thiết. Thấy các đồng chí Công an trẻ ở nhà nghỉ Hoa Hồng, Đại tướng cầm tay dặn dò "Phải học tập tốt 6 điều Bác Hồ dạy, Bác sắp xếp điều nào trước điều nào sau là có ý của Bác cả đấy cháu ạ"

Dương Sông Lam
.
.
.