Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân

Chủ Nhật, 08/04/2012, 16:48

Lần đầu tiên, một cuốn sách tập hợp những bài viết xúc động của người thân gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của những cộng sự gần gũi, của bạn bè, được chính bà Đặng Anh Đào - em vợ Đại tướng - trực tiếp tuyển chọn và giới thiệu.

Cuốn sách là những "mảnh ghép" từ góc nhìn của những người trong cuộc, một bức tranh chấm phá về chân dung Võ Nguyên Giáp gần gũi, đời thường. Từ những bài viết của những người đồng đội, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Chu Phác, đến những góc nhìn của những nhà văn may mắn được tiếp xúc với ông như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyệt Tú. Đặc biệt cuốn sách còn có những bài viết của Giáo sư Đặng Thị Hạnh, Phó Giáo sư Đặng Xuyến Như và Phó Giáo sư Đặng Anh Đào, những người em vợ gần gũi của Đại tướng.

Ở đó, ta hình dung được một thời trai trẻ của Đại tướng trong bài viết tâm huyết của Trung tướng Phạm Hồng Cư: Một tuổi hai mươi. "Đó là tuổi 20 của những khó khăn khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang bị đàn áp dã man (1930). Tuổi 20 của tình bạn. Trên đoạn đường này anh gặp lại anh Đặng Thai Mai, và hai người trở thành đôi tri kỷ. Đó cũng là tuổi 20 của tình yêu. Người con gái anh gặp trong chuyến tàu Vinh - Huế, gặp lại trong nhà tù, rồi gặp lại tại Vinh, đã trở thành người yêu và vợ của anh".

Đó là một tình yêu lớn trong cuộc đời của Đại tướng, không phải là tình cảm của nhà chính trị cố nén lại. Bởi càng đau đớn, khi người vợ hy sinh ông càng dồn tâm sức vào các hoạt động yêu nước. 

Đó là những tình cảm gần gũi đời thường của một vị Tướng, "Ông có một trí nhớ rất đặc biệt, ông không bao giờ quên ai, ngay cả những người đã sống và nuôi dưỡng ông ở vùng núi. Ông nhớ tên từng người, nhìn các con của họ, ông biết cha chết năm nào, trong hoàn cảnh nào. Ông nói, tôi ăn cơm của người Tày, uống nước của người Tày, nói tiếng Tày, làm sao tôi quên được".

Đó là khoảnh khắc khi "Có trận đánh vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở Sở Chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả gối mây. Nhưng điều ấy thì không phải mấy ai cũng biết được". (Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Cuốn sách cũng hé lộ một phần rất đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không binh đao, lửa đạn, không những chiến lược chiến thuật cho các trận đánh. Mà ở đó là một tâm hồn nghệ sĩ.  Có lần nhạc sĩ Trần Tiến đến nhà, với mong muốn được nghe ông chơi Piano, nhưng Đại tướng từ lâu đã không chơi đàn, và ông yêu cầu Trần Tiến hát, những bài hát về Trường Sơn. Giáo sư Đặng Anh Đào nói: "Con người đó về mặt tình cảm cũng là một con người đặc biệt. Ông đi con đường chính của mình, nhưng tôi không hiểu thế nào mà ông vẫn nhớ rất nhiều thơ và nhạc. Ông còn làm thơ, những bài thơ buông hóm hỉnh, thông minh và ý vị".

 Đặc biệt, qua những trang viết gần gũi, chân tình của những người thân trong gia đình, còn thấy một vị Đại tướng với những tình cảm thật ấm áp. "Trong những ngày Quảng Trị được coi là cối xay thịt, tôi đến chị Hà chơi, anh Văn ở đó, nhưng tâm trí anh đang ở đâu đâu.

Thời gian chiến dịch Quảng Trị diễn ra, tôi không hề nhận được thư của anh Sơn, và khi gặp anh Văn, tôi không hay hỏi tin tức chiến sự. Tuy nhiên, có một lần, đi qua chỗ tôi ngồi với chị Hà, trong giấy lát, cặp mặt to màu nâu rất trong dưới đường lông mày rộng chăm chú nhìn tôi và nói, Hồng Sơn có gọi điện về".(Đặng Anh Đào- Phía bên kia Thành Cổ).

Còn Giáo sư Đặng Thị Hạnh lại viết: "Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì anh đã trải qua trong cuộc đời: Những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội… Một tâm hồn đủ rộng để dành cho dân cho nước, nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh. Còn đối với chị tôi, đó là một mối tình đẹp nhất mà tôi từng biết"

Việt Linh
.
.
.