Đại hội Đảng – những chặng đường lịch sử (phần 2)

Chủ Nhật, 09/01/2011, 10:30
Đại hội II: Đại hội kháng chiến
Sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947 và chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của ta trong kháng chiến chống Pháp phát triển vượt bậc. Để tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến kiến quốc, Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng.
>> Đại hội Đảng - Những chặng đường lịch sử (Phần 1)

Đại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951. Về dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên.

Căn cứ vào sự phân tích cụ thể tình hình thế giới và trong nước, Báo cáo Chính trị nêu khẩu hiệu chính của ta là "Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hoà bình thế giới".

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng (kiêm Tổng Bí thư từ tháng 10-1956). Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư (đến tháng 10/1956).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến, yêu cầu lâu dài của cách mạng và thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng.

Đại hội III: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960. 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội.

Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đại hội lần này là đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết.

Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng có một ý nghĩa rất trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng do Đại hội vạch ra là ngọn đèn sáng ngời chiếu rọi con đường của nhân dân ta tiến tới chủ nghĩa xã hội, tiến tới thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh

Thu Hà
.
.
.