Đại công trường dưới độ sâu 13m

Thứ Hai, 29/09/2008, 15:23
Trong khi trên mặt đất, ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt lúc nào cũng người chật như nêm thì ở dưới độ sâu 13m, một đại công trường cũng đang hoạt động hết công suất. Hàng trăm công nhân miệt mài làm việc 24/24h mặc những tiếng ồn từ trên dội xuống, từ dưới ép lên. Nếu phía trên mặt đường có độ ồn một thì phía dưới lòng đất tiếng ồn có thể gấp 5 lần, chẳng thế mà trên tay người giám sát nào cũng có sẵn một chiếc loa để truyền đạt nội dung, mỗi khi cần trao đổi công việc.

Nhắc đến ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, người dân Hà Nội đều cảm thấy ngán ngẩm, vì tình trạng ùn tắc giao thông. Vậy nhưng, ít ai biết rằng tại thời điểm họ đang lưu thông trên đường, thì phía dưới lòng đất, nơi cách mặt đường 13m, hàng trăm công nhân đang miệt mài làm việc 24/24h để nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt sớm xóa tên trong danh sách điểm đen ùn tắc.

Ngày cuối tuần tôi theo chân kỹ sư giám sát xây dựng công trình nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt xuống tham quan phía dưới đường hầm. Dường như trời mưa rả rích do ảnh hưởng của cơn bão số 6, chẳng ảnh hưởng gì tới không khí làm việc của hàng trăm công nhân nơi này. Đâu đó cuối đường hầm, từng tốp công nhân vẫn cần mẫn uốn thép, cần mẫn hàn sắt, cần mẫn xúc đất...

Là một công trình trọng điểm của TP Hà Nội, nên vấn đề an ninh ở đây rất chặt chẽ, ai vào ra đều có bảo vệ kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu không phải công nhân của công trường, không phải kỹ sư hay giám sát thi công, thì khó có thể lọt qua cổng công trường, chứ chưa nói gì đến việc xuống phía dưới đường hầm. Quy định của công trường cũng khá chặt chẽ, như việc đã xuống công trường là phải đi ủng, đội mũ bảo hiểm, mặc áo bảo vệ...

Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, tôi được hướng dẫn đi men theo một cầu thang sắt nhỏ để xuống phía dưới. Chẳng thể tưởng tượng nổi, dưới độ sâu cách mặt đất 13m là một đại công trường, với sắt thép ngổn ngang, tiếng hàn, tiếng va đập của sắt, thép ầm ĩ.

Làm một phép so sánh nhỏ, nếu phía trên mặt đường có độ ồn một thì phía dưới lòng đất tiếng ồn có thể gấp 5 lần, chẳng thế mà trên tay người giám sát nào cũng có sẵn một chiếc loa để truyền đạt nội dung, mỗi khi cần trao đổi công việc.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, nếu không có chuyên môn, khó mà hình dung toàn cảnh của đường hầm. Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh Nguyễn Hậu, cán bộ phòng thực hiện dự án (Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội) hướng dẫn, nơi chúng tôi đang đứng (nếu nhìn từ phía trên đường, thì nó chính là đoạn đường người dân vẫn lưu thông từ hướng Giải Phóng sang đường Lê Duẩn) chính là đường hầm chính dài 490m, trong đó phần hầm chính dạng hộp giữa trung tâm nút dài 140m, bao gồm 7 đốt, mỗi đốt dài 20m, cao 9,4m, rộng 21m.

Hầm đường xe cơ giới nút giao thông  Kim Liên - Đại Cồ Việt sau khi hoàn thành.

Bề dày tường bê tông cốt thép hầm chính dày 1m. Chiều dày đất đắp từ mặt đường xuống đỉnh hầm từ 1,8 đến 3m. Phần tường chắn dạng chữ U dài 350m trong đó phía đường Đại Cồ Việt dài 173m, bên phía đường Đào Duy Anh dài 177m. Mỗi đốt tường chắn dạng chữ U dài 20m, chiều cao thay đổi theo độ dốc dọc cửa hầm, chiều rộng lòng trong của tường chắn là 19m.

Phần kết cấu hầm chính được thiết kế bao gồm 2 làn đường, mỗi làn rộng 7,5m. Đường hầm chính được thi công bằng phương pháp đào hở, vị trí đào sâu nhất là 13m, cọc cừ bằng cọc ván thép dài 16m. Trước khi đào nền đất, hố móng được gia cố bằng vữa xi măng dày từ 1,5 đến 3m để đảm bảo không có nước ngầm chảy vào.

Ngoài phần đường hầm chính Dự án xây dựng và cải tạo nút giao thông Kim Liên còn có 4 hạng mục: hai hầm bộ hành cắt ngang qua đường Giải Phóng và Lê Duẩn, trạm bơm, hệ thống thoát nước và hầm kỹ thuật. Theo đó, đường hầm phía đường Lê Duẩn sẽ dài 30m, đường phía đường Giải Phóng dài 60m, với mặt cắt ngang cao 3,5m và rộng 4,8m.

Biết rằng dự án đang chậm so với tiến độ, nên chẳng cần thúc giục, hàng trăm công nhân làm việc tại công trình luôn nhắc nhau hăng say làm việc. Có tận mắt chứng kiến những người thợ cần mẫn làm trong điều kiện khó khăn, vất vả mới thấy rằng họ đang cố gắng thật nhiều.

Trao đổi với ông Tô Bá Quỳnh, Giám đốc An toàn vệ sinh môi trường mới hay, những công nhân làm việc tại đây là lao động phổ thông, phần lớn là người tỉnh lẻ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ý thức rất tốt. Chẳng thế mà từ khi công trình khởi công đến nay, đơn vị chưa hề có vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào xảy ra, cũng như trộm cắp lớn.

Ông Quỳnh cũng cho biết, ngoài việc an toàn trong giờ làm việc, vấn đề an toàn của cán bộ, công nhân ngoài giờ cũng được quản lý nghiêm ngặt. Do đó, công nhân hết giờ làm là về lán sinh hoạt, ai muốn ra ngoài cũng phải xin phép đơn vị.

Vì là công trình trọng điểm, nên mỗi sáng đại diện của 7 nhà thầu phụ, cùng gần 200 công nhân phải họp tại công trường để quán triệt tinh thần làm việc của cả ngày. Đặc biệt là việc đưa vật tư xuống dưới hầm hay cẩu vật tư lên.

Dù công việc chuyển vật tư do cần cẩu đảm nhiệm, nhưng nếu không cẩn thận để những thanh thép, thanh sắt nặng từ vài tạ cho đến 1 - 2 tấn rơi xuống sẽ rất nguy hiểm đối với công nhân làm việc ở phía dưới. Trong các công việc thì việc đào đất trong hầm là độc hại nhất vì khi làm dưới hầm, hơi do bê tông và hơi trong lòng đất phả ra rất khó chịu.

Ngồi cùng những người thợ trong phút nghỉ giải lao hiếm hoi, mới hay đa phần họ đều đã có gia đình. Anh Đỗ Văn Kiên (Nam Định) bộc bạch: Là một trong những thợ hàn tham gia từ ngày đầu tiên công trình khởi công cho đến nay đã được 3 năm, thế nhưng tính lần về thăm gia đình cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay... 

Tính đến thời điểm này 50% công việc của dự án đã hoàn tất. Khó khăn còn ở phía trước, thời gian cũng gấp, song cả Ban quản lý cũng như cán bộ, công nhân luôn phấn đấu hoàn thành công việc trong thời gian sớm nhất.

Do biện pháp tổ chức thi công phức tạp, nhà thầu đã phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành công tác cải tạo đất dưới đáy hầm và làm hệ thống cọc ván thép, hệ thống hỗ trợ công tác đào đất nên tiến độ thi công hạng mục chính của dự án bị chậm lại so với kế hoạch đã đề ra. Cùng đó, là công tác vận chuyển đất phế thải không được phép hoạt động trong giờ hành chính, nên công việc này chỉ thực hiện được từ 10h đêm hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.

Vì vậy, theo đúng kế hoạch đề ra, thì phần hầm chính được hoàn thành vào tháng 6/2008, nhưng đến giờ, thời hạn trên dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 1/2009 và đến quý II năm 2009 thì toàn bộ hầm xe cơ giới tại nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt có thể thông xe.

Riêng phần hầm bộ hành B cắt ngang đường Giải Phóng đến giờ cơ bản hoàn thành và dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 10/2008

Thanh Huyền
.
.
.