Đặc san "Cimexcol trả giá đắt" một dấu ấn khó quên

Thứ Hai, 31/10/2016, 16:34
Công ty Cimexcol Minh Hải được thành lập năm 1984, giai đoạn đất nước đang có những chuyển động đổi mới. Cimexcol liên doanh với một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, hợp tác với công ty ở Lào khai thác xuất nhập khẩu gỗ. Do làm ăn thua lỗ, mất cân đối hàng triệu USD nên năm 1987 lần lượt giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và gần 20 cán bộ công nhân viên của công ty bị bắt.


Đầu tháng 4 năm 1989, vùng đất phương Nam rơi vào những ngày cao điểm của mùa khô. Thời tiết giao mùa oi bức, ngoài đường nắng nóng rát mặt, người ta ngại ra đường hoặc nếu có việc phải đi thì nương vào các bóng cây bên hè phố. 

Tôi nhớ lúc ấy gần 10 giờ, chúng tôi tụ tập chuyện phiếm chờ cơm trưa, đồng chí Tiến Thụy, Trưởng Cơ quan đại diện báo tại TP Hồ Chí Minh phóng honda từ ngoài đường vào cơ quan tại số 6 Phạm Ngọc Thạch thông báo anh em họp gấp. 

Khi mọi người có mặt đầy đủ, anh Tiến Thụy nói ngắn gọn: Có một vụ án vừa kết thúc điều tra, thủ tục tố tụng đã hoàn tất, chuẩn bị xét xử. Báo ta được lãnh đạo Bộ, mà cụ thể là Thứ trưởng Lâm Văn Thê,  phân công  tổ chức  tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần để phiên tòa xét xử đạt kết quả. Trước yêu cầu này có thể ta phải làm một số đặc biệt mới tải hết thông tin theo tinh thần chỉ đạo của Bộ. 

Ngay sau đó đồng chí Tiến Thụy điện thoại xin ý kiến đồng chí Chu Phùng, Tổng Biên tập. Đồng chí Chu Phùng hỏi rõ chỉ đạo và nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ giao và đồng ý với đề xuất làm một số đặc biệt. Tổng Biên tập cử Đồng chí Ngôn Vĩnh, Phó Tổng Biên tập bay vào TP Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực  hiện.

Bìa đặc san “Cimexcol trả giá đắt”.

Những việc liên quan về thủ tục để ra số đặc biệt như giấy phép và phương pháp phát hành nhanh chóng được thực hiện. Vào thời điểm này Báo CAND đang hot, độc giả cao nhưng do số lượng phát hành bị khống chế nên hằng tuần lãnh đạo CQĐD phải duyệt số lượng in và xét duyệt đơn xin làm đại lý phát hành báo. 

Trong số các đại lý phát hành chọn người nào đáp ứng các yêu cầu của cơ quan trong việc vận chuyển đưa báo đến với bạn đọc. Các đồng chí chịu trách nhiệm phát hành báo tại CQĐD có đồng chí Phương Anh, đồng chí Hương và đồng chí Nga, bàn thống nhất  đề xuất chọn và giao cho anh Lê Văn Khoát một đại lý tỉnh lẽ phát hành chính số đặc biệt này.

Hôm sau anh Ngôn Vĩnh, Phó Tổng Biên tập vào TP.HCM họp, bàn phương án thực hiện số đặc biệt với tên gọi “Cimexcol trả giá đắt”. Công ty Cimexcol Minh Hải được thành lập năm 1984. Tiền thân của Công ty Cimexcol là công ty xuất nhập khẩu gỗ trực thuộc Sở Thương nghiệp tỉnh Minh Hải do ông Trang Thanh Khả làm Giám đốc. 

Trong quá trình làm ăn, ông Trang Thanh Khả bị nghi ngờ tham nhũng nên Đảng ủy Sở Thương nghiệp kỷ luật cảnh cáo. Đây là một trong những lý do khiến ông Khả đổ bệnh và tự sát tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Sau khi được “tái cơ cấu”, Công ty Cimexcol Minh Hải liên doanh với một công ty của TP Hồ Chí Minh hợp tác với Công ty Phát triển rừng của nước Lào để khai thác, xuất khẩu gỗ. 

Ông Nguyễn Quang Sang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải làm Giám đốc;  ông Dương Văn Ba, một dân biểu của chế độ cũ được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. Tuy nhiên, việc tổ chức kinh doanh và điều hành Công ty Cimexcol hầu hết do Dương Văn Ba thực hiện. Cuối tháng 12-1987, Dương Văn Ba bị bắt cùng 20 người khác vì liên quan đến việc làm ăn thua lỗ của Công ty Cimexcol. 

Theo kết luận của đoàn Thanh tra 54, thời điểm đó, Công ty Cimexcol bị mất cân đối 4.600.000USD và nợ nước ngoài 5.300.000USD. Đó là những thông tin ban đầu chúng tôi có được trước khi triển khai viết bài.

Phóng viên tại CQĐD lúc bấy giờ có tôi, đồng chí Công Trường, đồng chí Phương Nam và đồng chí Hà Thế Cương vừa từ Hà Nội chuyển vào. Theo phân công của đồng chí Ngôn Vĩnh tất cả cùng tập trung khai thác tư liệu và tự chọn đối tượng, tự chọn đề tài để viết. 

Chúng tôi sang Tổng cục An ninh tại Cơ quan thường trực Bộ Công an phía Nam để tìm tài liệu liên quan đến Công ty Cimexcol Minh Hải. Rất may thời điểm ấy có chú Hồ Khiết và chú Ba Bút (cán bộ Tổng cục An ninh) hết lòng hỗ trợ nên tài liệu mà chúng tôi cần rất phong phú. Ngoài ra anh Tiến Thụy còn liên hệ với các cộng tác viên ở Cà Mau, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, những người biết về hoạt động của Công ty Cimexcol viết bài, tạo sự phong phú, đa chiều cho số đặc biệt. 

Hơn 10 ngày chúng tôi ăn ngủ tại cơ quan tập trung khai thác thông tin. Có đề tài, chúng tôi báo cáo với đồng chí Phó Tổng Biên tập và viết chuyển trực tiếp cho họa sỹ Nop trình bày. Do yêu cầu của Ban chuyên án, toàn bộ nội dung liên quan đến Công ty Cimexcol phải được giữ bí mật cho đến khi khai mạc phiên tòa xét xử, nên việc tiếp nhận thông tin, tài liệu cũng như việc tổ chức cộng tác viên viết bài phải được thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt. 

Mỗi lần sang Tổng cục An ninh mượn tài liệu chúng tôi phải ký nhận, xem xong phần này trả lại, mới được mượn phần khác. Chúng tôi phải ghi chép thận trọng vào sổ tay từng chi tiết, đảm bảo không thiếu thông tin cần cho bài viết, vì không thể mượn lại tài liệu lần thứ hai... Chúng tôi còn được các trinh sát điều tra vụ án cung cấp thông tin về quá trình phạm tội của các bị can… 

Sau hơn một tuần khẩn trương, chúng tôi hoàn thành nội dung  số đặc san “Cimexcol trả giá đắt”. Các bài viết nêu được quá trình hình thành, kinh doanh của công ty, sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo tỉnh, sự thao túng, cố tình làm trái gây hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo công ty mà vai trò chính là Dương Văn Ba. 

Đáng chú ý trong số này là bài “Kẻ lừa mị” của đồng chí Ngôn Vĩnh; “Tâm sự của một giám đốc”; “Lời tố cáo của người đồng hành” (kế toán trưởng công ty Trịnh Thị Tuyết Sương)…

Họa sỹ Nop trình bày số đặc san này cũng được đặt trong tình trạng “giới nghiêm”.  Sau giờ làm ở báo CATP Hồ Chí Minh, anh đến trình bày và vẽ minh họa tại chỗ. Và để an toàn cho anh, tên người trình bày cũng được gắn “bí danh” khác. 

Thời điểm này Báo CAND còn in máy đặt tay ở nhà in trong trụ sở Bộ Công an do chú Ba Nhánh làm Giám đốc. Việc in ấn tuy có chậm nhưng đảm bảo an toàn. Từ việc ghép trang, chế bản đến việc in ấn đều dễ bảo quản. “Đặc san Cimexcol trả giá đắt” hoàn thành với số lượng 10 vạn cuốn. Phần lớn trong số này được anh Khoát đưa lên xe chở về Bạc Liêu phục vụ công chúng  đang quan tâm đến công ty “con cưng” của Tỉnh ủy Minh Hải thời bấy giờ.

8h ngày 14-4-1989, phiên tòa sơ chung thẩm xét xử những người liên quan đến việc cố ý làm trái dẫn đến kinh doanh thua lỗ, mất cân đối… của Công ty Cimexcol khai mạc. Cũng trong thời gian này đặc san “Cimexcol trả giá đắt” được anh Khoát đưa đến phát hành trong thị xã Bạc Liêu, nhất là khu vực diễn ra phiên tòa xét xử. 

Trong buổi sáng ấy, hầu như mỗi người quan tâm đều có trong tay cuốn đặc san của Báo CAND. Đó là số báo duy nhất có đầy đủ thông tin về Công ty Cimexcol Minh Hải và những bị cáo, những người có liên quan  đến công ty có mặt trong phiên tòa.

Đồng chí Phó Tổng Biên tập, tôi và đồng chí Phương Nam đến dự phiên tòa, rất vui khi nhìn thấy mọi người chăm chú đọc đặc san CAND. Đài phát thanh địa phương chọn đọc nhiều bài viết trong đặc san và phát đi phát lại trong  mấy ngày diễn ra phiên tòa. 

Chúng tôi đứng lẩn trong dòng người, lắng nghe luật sư và cánh báo chí bình luận về nội dung các bài viết trong đặc san. Và thấy rằng bên cạnh nhiều lời bình phẩm, nhận xét về các cá nhân liên quan đến Công ty Cimexcol, hiểu được vì sao những người này phải ra trước vành móng ngựa, đối chất trước tòa… cũng có  nhiều phóng viên báo ganh với Báo CAND; Có báo ra mặt bênh vực cho Dương Văn Ba và đồng bọn, bàn việc “phản công” Báo CAND trên mặt báo. 

Do vậy, trong khi phiên tòa còn diễn ra, đồng chí Ngôn Vĩnh cùng tôi trở về TP.HCM để chuẩn bị tư liệu mới cho cuộc đấu tranh tiếp theo, không phải với việc vạch trần sai trái của Công ty Cimexcol Minh Hải mà với các đối tượng, thế lực ngầm bênh vực cho Dương Văn Ba. 

Việc thực hiện hoàn thành số đặc san trong thời gian ngắn, với số lượng phóng viên khiêm tốn, cho thấy nỗ lực rất lớn của anh chị em ở CQĐD tại TP Hồ Chí Minh thời bấy giờ. Nhất là sự chỉ đạo rất thoáng của anh Ngôn Vĩnh, đã tạo cho chúng tôi sự tự tin, để có những bài viết phục vụ bạn đọc, đáp ứng được yêu cầu của cấp trên, không để xảy ra sai sót. 

Đã gần 30 năm qua, Tổng Biên tập Chu Phùng, chú Hồ Khiết, chú Ba Nhánh không còn nữa. Phó Tổng Biên tập Ngôn Vĩnh, phóng viên Hà Thế Cương, Phương Nam đã nghỉ hưu. Giờ nhắc lại kỷ niệm làm số đặc san gây ấn tượng một thời, chúng tôi cảm thấy tự hào về nghề cầm bút dưới màu áo Báo CAND.

Kim Thẩm
.
.
.