Cuộc sống bấp bênh của những lao động nữ ở KCN

Thứ Năm, 10/09/2009, 14:57

Việc làm bấp bênh và mức sống quá thấp, hầu hết phải thuê trọ trong điều kiện chật chội, kham khổ… nên những lao động nhập cư, chủ yếu là nữ tuổi từ 18 đến 30, đang phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa, mà đáng sợ nhất là nạn mua, bán người.

Một nghiên cứu về "Tác động của khủng hoảng kinh tế tới đời sống, việc làm của công nhân nữ nhập cư và nguy cơ mua bán người" vừa được Trung tâm Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực (C&D) công bố tại Hà Nội ngày 8/9, đã đưa ra một thực tế đáng lưu tâm về cảnh ngộ của những người lao động di cư từ khắp nơi đổ về Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

Thủ thuật bóc lột công nhân của doanh nghiệp

Lao động từ các vùng quê tìm về các khu công nghiệp ở các thành phố lớn chủ yếu là vì mục đích kinh tế, nuôi sống bản thân và tích cóp gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, khi kinh tế bước vào khủng hoảng, cuộc sống của họ càng trở nên bấp bênh hơn khi doanh nghiệp, chủ yếu ở lĩnh vực da giày, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử gặp khó trong việc xuất khẩu.

Hầu hết nữ công nhân sống trọ trong điều kiện không đảm bảo

Trong vòng 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8/2009, Trung tâm C&D đã vào từng phòng trọ, nhà máy và chính quyền địa phương nơi lao động làm việc và đã tổng kết được những "chiêu" lách luật để tận dụng bóc lột sức lao động công nhân của rất nhiều doanh nghiệp.

Thực tế, phần lớn công nhân nữ nhập cư chỉ được doanh nghiệp ký các hợp đồng ngắn hạn thay vì chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn theo quy định của Bộ luật Lao động. Một số doanh nghiệp sử dụng lao động của công ty cung ứng lao động, thường gọi là công nhân hợp đồng, lại có sự phân biệt rõ ràng về chế độ: tiền công, tiền lương, các chế độ phúc lợi của doanh nghiệp, sự đảm bảo việc làm… với những công nhân của doanh nghiệp.

Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, khi cần cắt giảm nhân công, các doanh nghiệp này đều cắt giảm công nhân hợp đồng trước tiên. Chiêu cho công nhân nghỉ việc tạm thời để chờ việc, khi có đơn hàng sẽ được gọi lại đi làm sau, cũng là thủ thuật thường được các doanh nghiệp áp dụng. Cắt giảm nhân công nên ở nhiều doanh nghiệp, cường độ lao động của công nhân nữ nhập cư vẫn ở trong tình trạng căng thẳng: 69% làm 48 giờ/tuần, 13% làm 49-56 giờ/tuần, 6% làm việc 57 - 63 giờ/tuần, 5% làm trên 73 giờ/tuần.

Theo khảo sát tiền lương tháng 4/2009 của công nhân nữ chỉ được doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu chung từ 50 đến 200 nghìn đồng. Cắt giảm những khoản trợ cấp nên dù được tăng lương tối thiểu nhưng thu nhập thực tế của công nhân không những không tăng mà còn giảm đi. Hầu hết chị em công nhân đều cho rằng mức lương không tương xứng với sức lao động họ bỏ ra. Làm 12 giờ/ngày, về nhà trọ, chị em chỉ có lăn ra ngủ, không có điều kiện tiếp cận các hoạt động văn hóa, thể thao.

Báo động nạn quấy rối tình dục và mua bán người

Hiện tượng quấy rối tình dục ở nơi cư trú là vấn đề gây lo lắng, bức xúc trong nhiều nữ công nhân trẻ nhập cư. Trong nước mắt cay đắng khi đang mang trong người căn bệnh thế kỷ, chị Phạm Thị L., 21 tuổi ở Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đã kể lại quá trình bị lừa bán sang Campuchia.

Từng làm công nhân tại Hải Phòng, Hải Dương đến đầu năm 2008, L. theo bạn vào làm công nhân công ty giầy da tại TP HCM. Cuối năm, khi đang nghỉ việc do thu nhập quá thấp, L. đã bị "cò mồi" lừa bán sang Campuchia làm gái mại dâm và bị ép dùng heroin. Tháng 3/2009, L. cùng một cô bạn có hoàn cảnh tương tự trốn được về Việt Nam và làm ở nhà hàng karaoke ở quận Tây Hồ.

Những hiện tượng quấy rối, lạm dụng được công nhân liệt kê thường xảy ra như: tán tỉnh, trêu ghẹo và có những lời nói, hành động bất nhã (17%), bị nhòm ngó khi tắm, thay quần áo. Thậm chí, theo một số chị em còn gặp một số đối tượng gạ gẫm, dụ dỗ, đề nghị cho quan hệ tình dục hoặc bị cưỡng ép quan hệ tình dục.

Nhiều doanh nghiệp còn không có tổ chức công đoàn nên khi gặp khó khăn, hoạn nạn, nữ công nhân chỉ trông đợi vào sự chia sẻ của đồng hương, bạn cùng khu trọ. Điều đáng lưu ý là chỉ có 4% công nhân nhờ cậy đến sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương.

Cùng với việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở lưu trú cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở những thành phố lớn thì sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, văn hoá tinh thần là những điều cần được cụ thể hoá thành những mô hình hỗ trợ trực tiếp để thay đổi căn bản những tồn tại không đáng có như đang diễn ra

Thu Uyên
.
.
.