Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Thứ Sáu, 26/12/2008, 09:09
Có lẽ, ý chí quyết tâm học tiếng để tìm con đã giúp anh Thắng tiến bộ rất nhanh. Sau 3 tháng, anh có thể giao tiếp và viết được khá nhiều câu hội thoại. Cảm thấy vốn tiếng Trung của mình đã khá, anh Thắng lên đường đi Quảng Tây, rà lại một lần nữa những nơi anh đã từng qua. 

>> Lại chuyện một người cha đi tìm con gái

Cùng thời điểm này, đọc báo Công an nhân dân, biết ông Hà Như Hà ở thôn Hà Xá, xã Đỗ Sơn, Thanh Ba, Phú Thọ đã tìm được 2 con gái bị bán sang Trung Quốc, anh Thắng quyết định đi Phú Thọ gặp bác Hà. Vừa trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tìm con, bác Hà cho địa chỉ và số điện thoại của cô con gái Hà Thị Liễu hiện đang sống cùng gia đình nhà chồng tại Lồ Tình, Quảng Đông, Trung Quốc, dặn anh Thắng có thể tìm Liễu để được giúp đỡ.

Gặp được bác Hà, dù chưa tìm được con nhưng được chia sẻ của những người đồng cảnh ngộ, anh Thắng cũng thấy ấm lòng và tin rằng, kết thúc có hậu sẽ đến với mình, giống như câu chuyện của gia đình bác Hà.

Vợ chồng ông Hà Như Hà (Phú Thọ) cùng hai mẹ con Hà Thị Liễu đoàn tụ tại Việt Nam.

Đầu tháng 11/2008, một người bạn của cháu Thanh thông báo có nhận được tin nhắn trên nick chat của Thanh. Nội dung tin nhắn chỉ vỏn vẹn có 2 chữ "Shongbai". Thế nghĩa là con bé đã tìm cách liên lạc về nhà, thông báo nơi nó đang bị giam giữ.

Nhưng Shongbai là phiên âm la tinh của tiếng Trung. Nếu viết ra tiếng Trung thì một từ có thể viết thành nhiều kiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Để giải câu hỏi "Shongbai" nghĩa là gì và ở đâu, anh Thắng tra cứu trên bản đồ 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây nhưng đều không thấy. Có thể những lần trước tìm con, anh đã đi sai hướng.

Nghĩ vậy, lần này anh Thắng quyết định đi sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, giống hướng đi tìm con của bác Hà. Có địa chỉ của Hà Thị Tuyết Liễu trong tay, anh đến thẳng đó. Vợ chồng Liễu đón tiếp anh rất chu đáo. Liễu gác việc đồng áng, đưa anh đi khắp mọi nơi tìm con. Nhưng không một ai biết "Shongbai" là nơi nào.

Chia tay anh Thắng, vợ chồng Liễu rất buồn vì anh Thắng chưa tìm được con. Liễu biếu anh Thắng chút tiền đi đường và dặn, nếu còn sang Trung Quốc tìm con, anh Thắng cứ qua nhà, vợ chồng cô sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ anh.

Về Việt Nam, anh Thắng đến gặp cô giáo dạy tiếng Trung, hi vọng cô giáo có thể giải mã từ "Shongbai" giúp. Cô giáo nhận định, "Shongbai" có thể là tên một khu phố, hoặc một thôn xóm nhỏ nào đó. Nhưng cụ thể "Shongbai" nằm ở thành phố hay thị trấn nào thì cô cũng không thể biết được. Thôi thì mò kim đáy bể vậy. Anh Thắng lại lên đường một lần nữa. Lần này, anh mang theo bản đồ chi tiết của tỉnh Quảng Tây.

Đến địa phương nào, anh Thắng lại dùng tay kẻ vẽ bản đồ chi tiết hướng đi và các đường phố đã đến tìm con, đánh dấu cẩn thận. Qua Viện Mỹ, Trúc Sơn, Đầm Cát, Long Châu, Cố Châu…, anh Thắng hỏi và tìm rất kỹ, nhưng "Shongbai" vẫn chưa xuất hiện. Anh đành quay về Đông Hưng.

Tại đây, anh gặp ông Hữu, 65 tuổi, người Trung Quốc. Biết chuyện anh đi tìm con gái, ông Hữu thương cảm lắm. Ông tình nguyện dẫn anh đi tìm mọi ngõ ngách ở Đông Hưng, tìm cho ra "Shongbai" là ở đâu. Nhưng đến ngày thứ 5, sục sạo mọi ngõ ngách mà không có kết quả, anh Hữu khuyên anh đến Đồn Công an Đông Hưng gửi đơn trình báo, rồi về Việt Nam chờ tin.

Nộp đơn xong, thấy anh Thắng vẫn đăm chiêu, ông Hữu ái ngại, không nỡ bỏ anh lại một mình. Ông vỗ vai anh Thắng bảo trong ngày hôm nay, sẽ dẫn anh đi một vòng nữa cho anh yên tâm. Hai người lại lang thang hết phố này đến phố khác.

Đến khoảng 10h trưa, đột nhiên anh Thắng nhìn thấy chữ "Shongbai" trên biển hiệu của một cửa hàng. Anh mừng quá, chỉ cho ông Hữu. Người đàn ông tốt bụng ấy nắm chặt tay anh, dặn anh thật bình tĩnh. Hai người bắt đầu dò tìm từng ngôi nhà trên khu phố ấy.

Qua một ngôi nhà cấp 4 có một bà già ngồi trước cửa với cái bàn bày vài chai nước và lỏng chỏng mấy chiếc ghế nhựa, thấy hai người đàn ông ngó nghiêng, bà già chợt giật mình, xoay người đứng dậy. Anh Thắng linh cảm thấy có điều gì đó bất thường nên bấm ông Hữu dừng lại. Ông Hữu ghé tai anh dặn không được nói gì, để ông nói chuyện với bà già sẽ tốt hơn.

Quả nhiên, sau khi nói chuyện với ông Hữu, bà già tỏ ra vui vẻ hẳn. Lát sau, bà vào trong nhà, dắt theo một cô gái ra. Nhìn thấy cô gái, anh Thắng đứng tim vì đó chính là con gái anh. Nhận ra bố, cô gái reo lên "bố" rồi chạy lại ôm chầm lấy anh. Bà già chỉ kịp kêu lên "hỏng rồi" và lắc đầu.

Để tránh mọi phiền hà có thể xảy ra, ông Hữu rút điện thoại báo cho Công an Đông Hưng. Còn anh Thắng cũng gọi điện luôn cho Công an Móng Cái, Quảng Ninh. Nơi anh tìm được con bé là khu vực giáp biên, cách Móng Cái chỉ hơn chục cây số. Được sự giúp đỡ của Công an 2 nước, ngày 16/11, hai bố con anh Thắng đã về đến Hà Nội trong niềm vui khôn xiết.

Anh Thắng kể, tìm con, gặp nhiều cô gái Việt Nam bị bán, anh rớt nước mắt trước cảnh ngộ của họ, anh Thắng lại nghĩ tới cô con gái bé bỏng của mình. Rất có thể, con bé cũng bị chủ hành hạ như vậy. Anh tự nhủ trong lòng, dù có khó khăn đến mấy cũng phải tìm bằng được con gái bởi cuộc đời và tương lai của nó còn dài lắm.

Trong lần cuối cùng đi tìm con, một lần vào nhà chứa bên phải ga Sùng Trổ do một phụ nữ tên Phương, khoảng trên 30 tuổi, người Việt Nam là chủ, anh Thắng đếm được hơn chục cô gái Việt. Tất cả bị lừa bán rồi bị ép làm gái mại dâm. Mỗi người bị lừa một kiểu, cô bị người yêu lừa bán, cô bị lừa đi tìm việc làm…

Nhân lúc chủ không để ý, một cô gái có tên Trần Thị Tình đã gửi anh Thắng mẩu giấy nhờ thông tin cho mẹ là Thương ở Tuyên Quang, cùng số điện thoại 027..., hoặc anh Hòa ở Hàm Yên, Tuyên Quang, cùng điện thoại 098...

Các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc gửi thông tin về gia đình qua anh Thắng.

Đối diện bến xe khách Sùng Trổ còn có một động mại dâm khác núp bóng quán cơm bình dân. Trong lúc ăn cơm, anh Thắng quan sát thấy chủ quán đến từng bàn, ghé tai khách thì thầm. Sau đó, lần lượt các vị khách mất hút vào sau nhà cùng một cô gái phục vụ trong quán. Các cô gái Việt bị ép làm mại dâm ở đây còn trẻ, nhưng cô nào cũng rầu rĩ và tàn tạ vì bị chủ bóc lột không thương tiếc. Các cô chỉ được nuôi ăn, tiền của khách, chủ thu hết không cho đồng nào.

 Thấy anh Thắng cho tiền, các cô lắc đầu bảo: Chú cho tiền bọn cháu cũng chẳng để làm gì vì chủ sẽ kiểm tra và lột hết. Nếu thương bọn cháu thì chú đi mua ít đồ ăn vậy. Trong cuốn sổ của anh Thắng mang theo còn có bút tích của cô Lê Thị Trí, khoảng 30 tuổi, ở Lâm Đồng. Cô Trí đã có chồng và 1 con năm nay 4 tuổi. Cô bị lừa bán từ năm 2007. Cô Trí cũng nhờ anh Thắng nhắn cho gia đình theo số điện thoại 063...

Sau khi trở về Việt Nam, anh Thắng đã liên lạc với các gia đình trên, nhưng người thân của các cô gái cho biết, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, khó thu xếp tiền nong để đi tìm các nạn nhân về.

Qua báo Công an nhân dân, anh Thắng hi vọng cơ quan chức năng sẽ phối hợp với gia đình các cô gái sớm giải cứu họ. Đồng thời, anh cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng giúp đỡ các gia đình và cơ quan chức năng trong việc đi tìm các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.

(Còn nữa)

Hương Vũ
.
.
.