Cuộc du ngoạn 58 năm của một bản “sắc phong thần”

Thứ Ba, 15/08/2006, 11:00

Một bác sĩ Việt kiều ở Pháp với tấm lòng từ thiện đã tìm được và trao lại cho một địa phương ở Sơn Tây một di sản văn hóa cổ truyền đã thất lạc 58 năm qua.

Chủ nhật 25/6/2006, là một ngày đặc biệt đối với người dân Mỹ Khê (nay là thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Hôm đó địa phương tổ chức đón nhận bản Sắc Phong Thần - một di sản văn hóa cổ truyền của mình đã bị thất lạc 58 năm nay, kể từ ngày đình Mỹ Khê bị quân đội Pháp đốt cháy trong một trận càn năm 1948.

Từ sáng sớm, bà con đã bắt đầu tụ tập tại hội trường thôn Tam Mỹ như ngày hội. Có đầy đủ đại diện của chính quyền, mặt trận, đoàn thể, và các dòng họ ở địa phương tham gia. Đông nhất là các cụ già đại diện cho Hội người cao tuổi, đặc biệt là các cụ bà mặc áo dài truyền thống đẹp như đi trẩy hội. Mọi người háo hức chờ đón bản "Sắc Phong Thần" là một di vật quý giá của đình Mỹ Khê mới được tìm thấy sau 58 năm thất lạc.

Lễ bàn giao bản Sắc Phong Thần tuy đơn giản nhưng tràn đầy tình nghĩa. Bác sĩ Phan Phạm Thủy, người đã tìm được bản Sắc Phong Thần bị thất lạc tận bên Pháp và cất công về Việt Nam tìm bằng được thôn Tam Mỹ để trao lại, đã xúc động nói lên tâm nguyện của mình. Bà Thủy chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền của địa phương và bản sắc dân tộc, coi đó là trách nhiệm chung của mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước. Các vị đại diện địa phương cũng xúc động phát biểu cảm tạ tấm lòng từ thiện của bác sĩ Phan Phạm Thủy và những người bạn khác đã giúp bà thực hiện tâm nguyện trên, như một đóng góp công đức cho địa phương.

Trong khi xã hội có nhiều tiêu cực như tham nhũng, sách nhiễu dân, trộm cắp cổ vật của đình chùa, xâm phạm di sản văn hóa lịch sử, thì vẫn còn những người có thiện chí và lòng hảo tâm. Họ ở những cương vị khác nhau: có người là Việt kiều, có người là cán bộ nhà nước, có người làm khoa học, có người làm kinh doanh, có người là giáo sư, có người là nhà tu hành... nhưng họ có cùng chung một tâm nguyện là làm điều thiện và góp phần bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền và bản sắc dân tộc.

58 năm đã trôi qua, nhưng người dân Tam Mỹ vẫn chưa xây lại được ngôi đình của làng mình. Có thể một phần vì điều kiện kinh tế khó khăn, có thể một phần vì các đồ thờ phụng của đình Mỹ Khê ngày xưa đã bị thiêu hủy sạch. Vì vậy, việc tìm được bản Sắc Phong Thần này là một cơ hội tốt lành để người dân Tam Mỹ củng cố thêm lòng tin và quyết tâm xây lại ngôi đình, góp phần cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho địa phương mình. Câu chuyện về đình làng Mỹ Khê và bản Sắc Phong Thần này nghe như một giai thoại chứa nhiều ẩn dụ và cơ duyên.

Từ xa xưa, Mỹ Tiền là một trong những làng Việt cổ giàu có ở gần khu vực làng cổ Đường Lâm là một vùng địa linh nhân kiệt, gần dãy núi Ba Vì có phong cảnh hữu tình. Trên cổng làng có một số họa tiết được trang trí bằng các đồng tiền trinh kẽm khá đẹp, có lẽ vì thế mà ngày xưa làng này được đặt tên là làng Mỹ Tiền. Nhưng sau một trận dịch lớn hoành hành làm nhiều người chết, những người sống sót đã bỏ đi nơi khác làm ăn, làm cho làng này tàn lụi dần theo năm tháng.

Vào những năm đầu của thế kỷ XIX, cụ Phùng Văn Phú là một trong những người đầu tiên trở về làng sinh sống, nên người ta coi cụ Phú là cụ tổ của dòng họ Phùng, một dòng họ lớn nhất trong làng. Về sau, một số gia đình thuộc dòng họ Nguyễn tiếp tục về đây sinh sống. Cuối thế kỷ XIX, con trai cụ Phú là cụ Phùng Văn Định đã đứng ra vận động dân làng và các xã lân cận đóng góp xây dựng được một ngôi đình khá lớn thờ Đức thánh Tản Viên. Làng Mỹ Tiền sau được đổi tên là làng Mỹ Khê. Từ đó, hàng năm, hội làng Mỹ Khê được tổ chức tại đình Mỹ Khê từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Về hành chính, trước năm 1945 các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài được chia thành 5 xã là: Mỹ Khê, Hiệu Lực, Yên Cư, Vân Mộng, Yên Bài thuộc tổng Mỹ Khê. Ngày nay, Mỹ Khê là tên một xóm của thôn Tam Mỹ (nay thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).

Năm 1924, nhân kỷ niệm 40 năm ngày sinh của Vua Khải Định, nhà vua đã ban cho xã Mỹ Khê một Sắc Phong Thần có nội dung như sau: “Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) nhân lễ mừng đức vua tròn 40 tuổi, Vua Khải Định đã ban chiếu cho xã Mỹ Khê, huyện Tùng Thiện, tỉnh SơnTây, sắc phong cho 3 vị tôn thần ở địa phương này có mỹ tự là Long Huân Phổ Trạch Hoằng Thúy Tuy Linh,  Dĩnh Sang Khác Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng, và Tản Viên Sơn Tam Vị Thượng Đẳng Thần, đã có công bảo vệ đất nước, che chở cho dân, trải qua các đời vua trước đã được sắc phong, nay xã Mỹ Khê phải tuân theo quy định của quốc gia mà thờ phụng chu đáo theo đại lễ”.

Vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình Mỹ Khê là cơ sở hậu cần, cũng là nơi tuyển quân và huấn luyện thiếu sinh quân của một đơn vị bộ đội do ông Phùng Thế Tài chỉ huy. Tháng 3/1948, sau khi Pháp tấn công chiếm đóng Sơn Tây, Tiểu đoàn Ký Con của ông Phùng Thế Tài đã tiến đánh bốt Bến và sau đó rút về đóng quân tại đình Mỹ Khê. Ngày 28/3/1948, quân Pháp truy lùng Tiểu đoàn Ký Con, đã tấn công vào xã Mỹ Khê và đốt phá nhiều nhà cửa, đình chùa, trong đó có đình Mỹ Khê.

Trong lúc đốt phá, một sĩ quan Pháp tên là De Sarzen đã trông thấy một ống quyển sơn mài khá đẹp trên bàn thờ đình Mỹ Khê, nghĩ là đồ vật quý giá sợ bị cháy uổng mất nên đã lấy mang đi, sau đó đem về Pháp làm kỷ niệm. Lúc đó viên sĩ quan Pháp không biết bên trong ống quyển đó có đựng bản Sắc Phong Thần của Vua Khải Định, được làm bằng một loại giấy đặc biệt, trang trí rất đẹp, đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. De Sarzen không biết rằng mình đã vô tình cứu được bản Sắc Phong Thần này khỏi đám cháy. 

Gia đình De Sarzen là một gia đình dòng dõi quý tộc sống ở tỉnh Dordogne (nằm giữa ToulouseBordeaux). Ông có một đứa cháu gái cưng tên là Ingrid De Sarzen. Cô rất thương ông nội vì về già sống rất cô đơn, nhưng mỗi khi cô hỏi chuyện về Việt Nam ông thường im lặng, buồn rầu, không muốn nhắc đến những kỷ niệm chiến tranh. Có lẽ ông bị lương tâm cắn rứt, bị dằn vặt bởi những kỷ niệm đau buồn, như những cơn ác mộng đã bám theo ông suốt đời, cho đến khi chết.

Cô Ingrid có lần đến chữa trị tại phòng khám của bác sĩ Phan Phạm Thủy (tại số 11 phố Andre Theurier, thành phố Toulouse). Bà Phan Phạm Thủy đã sang Pháp du học từ thời trẻ và hành nghề bác sĩ đã hơn 25 năm nay, cho đến khi về hưu. Vì bác sĩ thủy đã chữa khỏi bệnh cho cô Ingrid nên để cảm ơn, cô đã tặng lại bác sĩ Thủy ống quyển sơn mài mà ông nội cô đã mang từ Việt Nam về cách đây 58 năm.

Thật ra cô Ingrid cũng không biết nội dung tờ giấy trong ống quyển sơn mài đó có ý nghĩa gì. Cô cũng không biết rằng cử chỉ cảm ơn của cô đã vô tình mang lại "sự sống" cho bản Sắc Phong Thần bị thất lạc. Từ khi nhận được bản Sắc Phong Thần nói trên, bà Thủy đã chụp ảnh và nhờ bạn bè ở Việt Nam tìm chuyên gia Hán - Nôm dịch lại nội dung và xác định ý nghĩa lịch sử của di vật này, để tìm cách trả lại đúng địa chỉ và chủ nhân của nó. Bà Thủy không muốn di vật này một lần nữa lại rơi vào tay những người sưu tầm hay buôn bán cổ vật.

Tâm nguyện này của bà Thủy đã được những người bạn tốt ở Việt Nam chia sẻ và ủng hộ. Sau một thời gian khảo sát, họ đã tìm được về thôn Tam Mỹ (xưa là xã Mỹ Khê), xác định được đúng vị trí đình Mỹ Khê đã bị đốt cháy, nay chỉ còn lại một giếng cổ xây bằng đá ong, và gặp được một số hậu duệ của dòng họ Phùng nay đang tham gia vận động xây lại đình chùa. Được sự ủng hộ của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của địa phương, kế hoạch bàn giao lại bản Sắc Phong Thần cuối cùng đã được thu xếp. Bác sĩ  Phan Phạm Thủy và chồng là Tiến sĩ Phạm Văn Đỉnh đã đem bản Sắc Phong Thần về Việt Nam, và ngày 25/6/2006 đã bàn giao lại cho đại diện thôn Tam Mỹ như nói ở trên.

Câu chuyện về bản Sắc Phong Thần bị thất lạc sang Pháp sau khi đình Mỹ Khê bị đốt cháy năm 1948 nghe như một giai thoại, nhưng với một kết thúc có hậu. Sau 58 năm lưu lạc, di sản lại được quay về đúng chỗ cũ như câu chuyện “Trâu về Hợp Phố”, nó ẩn chứa khá nhiều sự trùng hợp, như là có cơ duyên được thần linh và trời đất sắp đặt. Do nhiều lý do, những người khách thập phương đã gặp nhau và quy tụ lại để cùng về Tam Mỹ nối nhịp cầu nhân tâm. Họ đã đem bản Sắc Phong Thần trả lại cho địa phương như một viên đá tảng về tâm linh để góp phần xây lại một ngôi đình mới. Bây giờ đến lượt người dân Tam Mỹ và dòng họ Phùng phải góp sức cùng nhau xây lại ngôi đình để bảo tồn di sản văn hóa cổ truyền, khôi phục lại đời sống tâm linh và cải thiện cuộc sống vật chất cho địa phương mình.

Sự kết thúc có hậu của câu chuyện về bản Sắc Phong Thần bị thất lạc có thể là sự khởi đầu cho một câu chuyện khác, có lẽ không kém phần ý nghĩa

.
.
.