Cuộc đoàn viên cảm động bên dòng Bến Hải

Thứ Tư, 22/08/2007, 16:27
Có một người thất lạc hơn 40 năm cả trong chiến tranh và sau ngày giải phóng đau đáu một nỗi lòng tìm bằng được cha mẹ đẻ của mình. Như một phép mầu, ngày 19/8 vừa qua, hành trình suốt mấy mươi năm ấy đã có được một cuộc đoàn viên đầy cảm động…

Một cuộc hẹn về đã định trước 1 tuần và trong suốt một tuần ấy, với đôi vợ chồng thương binh, ông Trịnh Hoài Bắc, bà Hoàng Thị Quýt ở thôn Kinh Môn, xã Trung Hải, huyện Gio Linh sao mà trôi đi rất chậm!

Hai con người già yếu hết nhìn tờ lịch treo tường, lại nhìn ra đầu ngõ, hồ như sắp thấy được mặt con mình.

Con trai của ông bà mất tích lúc mới 6 tháng tuổi trong một trận càn dữ dội của giặc Mỹ, ngày 19/5/1967. Bọn chúng huy động tối đa quân lực, vũ khí tối tân càn quét 3 xã nằm dọc bờ Nam sông Bến Hải, thuộc quận Trung Lương (nay là huyện Gio Linh), giết chết hàng trăm con người vô tội, lập nên vành đai trắng để dễ bề phá vỡ Hiệp định Génève.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Bắc, bà Quýt lặn lội khắp nơi, với hy vọng tìm kiếm được tung tích của đứa con, nhưng họ chẳng tìm ra được manh mối gì.

Trong chiến tranh, người lớn sống sót đã khó, huống hồ đứa trẻ chưa rời lòng mẹ. Sau những cuộc tìm kiếm dài ngày, năm 1980, ông bà lặng lẽ quay về lập nên một cái am nhỏ trước nhà và ngôi mộ gió để thờ cúng, tưởng nhớ đứa con xấu số của mình.

Lưu lạc sau trận càn tàn ác

Ở Vĩnh Linh, chuyện mất con trong chiến tranh nhiều như cơm bữa, nhưng may mắn thế nào, cách đây 10 ngày, ông Nguyễn Thanh Toàn, cán bộ huyện Vĩnh Linh đã đến xã Trung Sơn, tìm gặp ông Bắc, bà Quýt để lần hỏi lai lịch của đứa con trai họ và cho biết hành trình tìm kiếm cha mẹ đẻ của một người trung niên tên là Nguyễn Quang Sơn, 40 tuổi, ở xóm 1, thôn 4, xã Eađar, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk.

Câu chuyện được tóm tắt: Khoảng tháng 3/2006, lúc đó, ông Toàn đang là Chủ tịch xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), nhận được điện thoại của người đàn ông kể trên, hỏi tìm cha mẹ đẻ ở huyện Vĩnh Linh. Sau rất nhiều lá thư tâm sự, ông đã kết nghĩa anh em với người này, đồng thời tích cực dò hỏi bà con ở nhiều xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh để tìm kiếm giúp.

Ông được bà lão ở xã Vĩnh Quang nhắc đến một trường hợp rất giống. Bà kể: Cuối năm 1967, có chú bộ đội và cô giao liên, trước lúc hành quân vào miền Nam, tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968, đã nhờ bà nuôi một bé trai.

Họ cho biết, Mỹ -  quân đội Sài Gòn mở càn ngày 19/5/1967 đã ném bom và bắn đạn pháo rất dữ dội dọc hai bên bờ sông Bến Hải, nhằm ngăn chặn lực lượng yểm trợ của quân dân miền Bắc cho các đơn vị giải phóng chống càn ở quận Trung Lương, đồng thời giết hại đồng bào ở bờ Nam qua sông.

Khoảng 10h sáng hôm đó, trên đường lui quân do thế trận không cân bằng, họ đã đưa 2 mẹ con ở vùng địch càn ra bến đò Giang Phao (thôn Giang Phao, xã Trung Sơn) để qua bờ Bắc, nhưng máy bay B52 của địch oanh tạc quá dữ dội nên cho 2 mẹ con tạm trú vào hầm ếch ở bờ sông.

Khi loạt bom B52 vừa dứt, người phụ nữ kia vừa đưa được đứa trẻ ra khỏi miệng hầm, thì không may loạt bom khác đánh sập hầm, đứa trẻ văng ra xa. Trong tình huống như vậy, nghĩ chắc người mẹ đã chết nên họ vội ôm lấy đứa bé bơi sang bờ Bắc. Sau đó, đứa bé này được đặt tên là Nguyễn Quang Sơn (ghép chữ cuối của 2 vùng quê Trung Sơn, nơi cháu bé sinh ra và Vĩnh Quang, nơi cháu bé được nuôi sống).

Đầu năm 1969, bà cụ nói trên đưa con nuôi và con đẻ ra sơ tán ở Bệnh viện Thạch Thanh, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Tại đây, trong một lần cô y tá tên là Nguyễn Thị Lâm chăm sóc cho bé Sơn (lúc này mới biết ngồi) bỗng dưng gọi chị là mẹ rất ngọt ngào nên chị đã xin bà cụ nuôi cháu bé.

Cuộc đoàn viên cảm động

1h sáng 19/8, chuyến xe tốc hành từ Đắk Lắk dừng lại trước Trường THCS xã Trung Sơn, nơi có con đường đất đỏ dẫn vào thôn Kinh Môn. Người đàn ông bước vội xuống xe, theo đó hàng chục con người bao quanh anh.

Đám đông bất chợt trở nên im lặng sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi và liên tục gọi điện thoại thông báo từng quãng đường mà người kia đã đến và địa điểm xuống xe, trong tiếng khóc sụt sùi vừa bỡ ngỡ, vừa cảm động của nhiều người. Căn nhà của ông Bắc, bà Quýt cũng đông chật người, với bà con, xóm làng chờ đợi từ hôm trước.

Riêng ông Bắc nằm úp mặt xuống gối, không sao cầm được dòng nước mắt cứ tuôn trào. Còn bà Quýt thì run rẩy bước ra thềm cửa, rồi khựng lại, nước mắt cứ thế chảy ròng.

- Có phải mẹ của con không?!

Bà Quýt không đứng vững, ôm lấy cột nhà, từ từ khụy xuống và khóc nức nở.

- Có phải mẹ của con không?! - Câu hỏi vừa mừng vừa tủi lặp lại vài lần, dẫu anh biết chắc đó là mẹ của mình.

- Bom. Bom thằng Mỹ.

Đôi bàn tay quắt lại vì tuổi tác, và hơn nữa là vì thời gian thấp thỏm nghĩ ngợi, hy vọng đứa con mất tích còn sống sẽ tìm về, bỗng run rẩy đưa ra phía trước. Họ ôm chặt lấy nhau, tràn trề nước mắt và niềm hạnh phúc khôn nguôi.

- Bom thằng Mỹ con ơi, bà Quýt bứt từng tiếng một trong nghẹt thở…

Chị Trịnh Thị Thu, con gái của ông Bắc, bà Quýt dìu bố ra khỏi giường trong tiếng khóc sụt sùi.

Họ ngồi bệt bên cột nhà, ôm chặt lấy nhau và bắt đầu kể đến núm thịt thừa của đứa con thất lạc nằm ở dái tai phải, rồi bao câu chuyện trên thân thể họ như vết thương do bom đạn, cái sẹo do ngã từ lưng trâu… hồ như quay về thời quá vãng, đã là ký ức của nhau.

Tôi chợt thấy ông Bắc và người con thất lạc kia giống nhau như hai giọt nước!

Trở lại lúc bà Quýt bị bom vùi lấp trong hầm. Khoảng 2h chiều cùng ngày, các chiến sĩ Công an bờ Bắc, đang tuần tra trên cầu Hiền Lương bỗng nghe tiếng kêu từ phía bên kia bờ sông, họ quan sát và phát hiện đầu người phụ nữ ló ra từ một miệng hầm. Các anh đã bí mật vượt sông, cứu chị, rồi đưa chị ra Trạm Quân y thôn Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) cấp cứu. Chị đã sống trở lại, nhưng đứa con thì không tìm thấy được…

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi một thời là nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc, và từ sau hơn 40 năm cái ngày giặc Mỹ mở trận càn tàn ác ở quận Trung Lương, có lẽ cuộc đoàn viên này là hy hữu nhất.

Suốt đêm, người làng Kinh Môn không ngủ, họ chuyện trò chia vui với gia đình ông Bắc, bà Quýt và cầu nguyện cho những ai còn sống bị thất lạc trong chiến tranh sẽ tìm thấy được người thân của mình...

Phan Thanh Bình
.
.
.