"Cuộc chiến" bảo vệ rừng phòng hộ vùng duyên hải ĐBSCL

Thứ Ba, 13/10/2009, 10:15
Diễn biến phức tạp của thời tiết và hậu quả của nó gây ra trong thời gian qua càng cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của rừng phòng hộ (RPH) ven biển. Và trong dự báo về hậu quả của biến đổi khí hậu, những cánh rừng ven biển giống như những lá chắn hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng hàng triệu người dân. Thực tế thật đáng ngại khi công tác bảo vệ khoảng 100.000 ha RPH vùng duyên hải ĐBSCL đang khó khăn, quyết liệt và nguy hiểm chẳng thua vùng núi, trung du, thượng nguồn…

Cam go… "cuộc chiến"

Chúng tôi xin bắt đầu câu chuyện từ Cà Mau - địa phương có 254km bờ biển và gần 100.000ha rừng, trong đó có hơn một nửa là RPH ven biển. Trạm Kiểm lâm Trại Xẻo đóng trên lâm phần xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chịu trách nhiệm bảo vệ RPH trên 2 cồn bãi tại cửa ông Trang thuộc địa bàn xã Lâm Hải, huyện Năm Căn.

Trạm trưởng Trần Vĩnh Lia kể câu chuyện xảy ra cách nay chưa bao lâu: "Đêm đó, trong lúc đang tuần tra, chúng tôi phát hiện có khá đông người đang chặt cây. Lập tức, tôi báo cho Phân khu bảo tồn biển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM) cho người yểm trợ. Lát sau, thấy chúng tôi đang bủa vây, bọn lâm tặc quẳng cưa, búa xuống biển, đồng thời lên vỏ lãi nổ máy. Không tẩu thoát được, các đối tượng quay sang tấn công chúng tôi, đánh trọng thương một cán bộsau đó điện thoại gọi thêm ba bốn chục người cầm hung khí tới tiếp ứng.”.

Một hầm than đước của người dân di cư.

Thực tế, lâm tặc tấn công cán bộ thi hành công vụ không phải là chuyện mới ở Cà Mau. Anh Liêm - cán bộ VQGMCM, có 20 năm gắn với công việc giữ rừng cũng từng là nạn nhân với tỷ lệ thương tật 12%. "Thực tế này thật đáng ngại đối lực lượng bảo vệ rừng" - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Phan Hùng Dũng bộc bạch.

Theo một cán bộ VQGMCM, tổng diện tích của Vườn Quốc gia này gần 42.000ha, trong đó gần 15.300ha đất rừng và 26.600ha vùng bảo tồn biển. Chiều dài quản lý RPH của Vườn bắt đầu từ rẫy Trương Phi, xã Đất Mũi, đến cửa Bảy Háp, xã Viên An (đều thuộc huyện Ngọc Hiển) với hơn 80km, chiều sâu vào đất liền từ 500 - 3.000m, bị hàng trăm kênh rạch chằng chịt chia cắt. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm nơi đây chỉ 32 người.

Chi cục Kiểm lâm Cà Mau tổng kết, chỉ hơn nửa năm 2009, cấp có thẩm quyền đã xử lý trên 340 vụ vi phạm lâm luật, trong đó tại VQGMCM trên 70 vụ. Theo nhận định, con số này chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn so với thực tế "ăn cắp tài nguyên" trên lâm phần. Các khu vực cồn cát Trảng Sáo, cồn Ông Trang… hiện được xem là "điểm nóng" của nạn chặt phá RPH ở Cà Mau...

Giải pháp đồng bộ và căn cơ

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 1980-1995, các tỉnh ĐBSCL đã bị mất 72.825ha RPH (bình quân mất 4.855 ha/năm, tốc độ 5%/năm) bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do con người. Thời gian qua, dù công tác bảo vệ, phát triển hệ sinh thái RPH ven biển đã được các tỉnh quan tâm thực hiện, đặc biệt là dự án trồng 5 triệu ha rừng của quốc gia và các dự án hợp tác quốc tế… nhưng những tác động tiềm ẩn vẫn đang ngày đêm đe dọa hệ sinh thái RPH.

Lực lượng Kiểm lâm Cà Mau phát hiện một phương tiện chở gỗ đước bán cho lò hầm than.

Vì vậy, các Bộ, ngành TW, địa phương đang tiếp tục gắng sức thực hiện các chiến lược dài hơi nhằm bảo vệ và phát triển RPH nói chung. Tại Tiền Giang, Chính phủ vừa phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đê biển Gò Công đến năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Cạnh những hạng mục chính, tỉnh sẽ trồng khoảng 100ha RPH bảo vệ đê tại đoạn xung yếu có bề dày rừng tối thiểu 200m về phía biển.

Tại Kiên Giang - địa phương có khoảng 180km đê biển, với diện tích RPH trên 2.600ha, Đoàn Tư vấn của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) ngày 5/10 vừa qua có buổi làm việc với UBND tỉnh. Đoàn rất quan tâm đến mục tiêu phát triển RPH ven biển từ huyện An Minh đến TX Hà Tiên bởi đây là 1 trong 3 mục tiêu nằm trong dự án "Phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng đối phó với tác động biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển Tây Nam tỉnh Kiên Giang" với giá trị tài trợ dự kiến khoảng 8 triệu euro.

Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã ký viện trợ Dự án "Quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu", thực hiện từ 2009 - 2011 với tổng kinh phí 1,76 triệu euro. Bộ NN&PTNT cũng đã được Chính phủ giao chủ trì thực hiện đề án "Khôi phục và phát triển RPH ven biển, giai đoạn 2008-2015" với kinh phí lên đến 2.490 tỉ đồng.

Tất nhiên, những chiến lược dài hạn này vẫn không thể tách rời phương án mà các địa phương từng vận dụng để ngăn chặn nạn "chảy máu rừng" như lời Giám đốc VQGMCM Trần Quốc Tuấn là giải quyết đồng bộ các nhu cầu an sinh xã hội cho cư dân làng rừng kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, đẩy mạnh quản lý, bảo vệ.

Theo một nghiên cứu tại Nhật Bản, một khu RPH có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm ít nhất 50% năng lượng của sóng. Các nhà khoa học Việt Nam đúc kết, thực tế cho thấy những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam trong 3 năm vừa qua, nơi nào có RPH được bảo vệ tốt thì đê biển mặc dù chỉ được xây dựng bằng đất nện vẫn đứng vững hơn cả các đê biển bằng bê tông hoặc kè đá ở những khu vực không có RPH hoặc rừng bị chặt phá. Ở ĐBSCL, để nâng cao nhà ở cho 1,3 triệu gia đình lên 1m phải tốn chi phí khoảng 3,7 tỉ USD nhưng nếu biết kết hợp trồng RPH và đắp đê ven biển thì chi phí sẽ giảm đi nhiều và hiệu quả cao hơn.

Thái Bình
.
.
.