Cùng tìm ánh sáng

Thứ Sáu, 03/04/2009, 11:23
Người ta bảo giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay. Với một người đã mất đi đôi mắt, hoặc hai cánh tay, thì còn nỗi bất hạnh nào bằng. Trước mặt tôi, một cô giáo đang dạy chữ nổi cho đám học trò khiếm thị, cùng một mất mát như cô giáo chúng.

Bao nhiêu bóng tối đã trôi qua rồi, cô không biết. Còn hạnh phúc riêng tư thì mong manh quá, với một cô giáo như chị Trần Thị Cúc. Nhưng Cúc đã quên đi chuyện đó, để sống và dạy các học trò của mình. Cô và trò cùng tìm ra ánh sáng niềm tin trong cuộc đời.

Bệnh hiểm cướp đi đôi mắt

Theo địa chỉ, tôi và nhà thơ Vương Tâm "phi" con xe cà tàng của tôi về thôn Đầu Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên tìm chị Cúc. Nhưng chị đã đi dạy ở 86 đường Phố Hiến (TP Hưng Yên, Hưng Yên). Lái xe quay trở lại, chúng tôi nhất định gặp cho bằng được cô giáo Cúc, được đám học trò quen gọi là "mẹ".

Ngồi tâm sự với chị, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, khi nước mắt chị đã chực trào ra.  Chị Cúc kể rằng, thủa nhỏ cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, được đi học, sống trong tình yêu thương của gia đình. Hồn nhiên trong những buổi chăn trâu cắt cỏ. Vào một năm Cúc đang học lớp ba, khi gia đình và dân làng chuẩn bị đụng lợn đón Tết thì Cúc bị lên sởi.

Ông Trần Văn Bờ, bố của Cúc thấy bệnh này chưa đến nỗi nguy hiểm, nên không đưa con đi khám, định đợi ra Tết. Mồng ba Tết, Cúc ra sân tắm nắng. Lúc vào thì mắt bỗng bị mờ đi. Ông Bờ đi gọi bác sĩ, nhưng bác sĩ lắc đầu không biết bệnh gì. Ông Bờ lại đưa con lên bệnh viện tỉnh, Trung ương, nhưng đều không chữa được. Trước đó anh con cả của gia đình là anh Trần Văn Sách, cũng bị mù vì sởi, năm đang học lớp 7. Anh Sách giờ là Chủ tịch Hội Người mù TP Hưng Yên.

Chấp nhận đôi mắt tối, Cúc cố chịu đựng và sống như người bình thường. Trong học tập, Cúc cố gắng để theo kịp các bạn. Suốt quãng thời gian đi học, chỉ bằng nghe và ghi nhớ lời cô giảng rồi trả bài miệng và không bỏ bất cứ một buổi học nào, kết quả học tập của chị luôn đạt loại tốt. Lên cấp hai, do hoàn cảnh gia đình, chị phải nghỉ học khi đang học lớp 7.

Chị bảo: "Đó là lần đầu tiên tôi ý thức về mất mát của mình một cách sâu sắc. Từ đó, tất cả các cháu là con của anh chị trong nhà đều do tôi bế bồng. Chăm con mọn cũng mệt lắm. Nhưng phải yêu quý chúng thì chúng mới ngoan. Tạm biệt thầy cô, bè bạn và lớp học, tôi thấy cô đơn khủng khiếp. Thế giới giao tiếp bị thu hẹp, tôi lặng lẽ y như con rùa vậy".

Ông bà Trần Văn Bờ đã già, ngoài 70 tuổi. Dù thương con đấy nhưng lực bất tòng tâm. Bởi cuộc sống của ông bà cũng chỉ nhờ vào mấy sào ruộng. Hai ông bà tập cho con làm, dạy con tự lập và luôn tâm niệm một điều là phải sống. Nhưng sự chán nản bi quan ám ảnh thường trực trong lòng đứa con gái.

Lúc này, khi ngồi tâm sự, chị Cúc thổ lộ: "Không dưới hai lần tôi định tìm đến cái kết cục bi thảm cho mình, nhưng trái tim tuổi trẻ khao khát được sống đã mách bảo tôi rằng: Lẽ nào chết uổng phí, khi chưa làm được gì cho người thân, cho cuộc đời. Mình còn may mắn hơn nhiều người khác là có một gia đình là chỗ dựa, rằng cuộc đời vốn rất công bằng chẳng lấy hết của ai bao giờ".

Năm 2001, Hội Người mù tỉnh Hưng Yên được thành lập, anh Trần Văn Sách, anh trai của Cúc đã được nhận vào làm. Hội Người mù 2002 chỉ có vài người, trong đó Cúc là nữ duy nhất. Chị được cử đi học khóa nữ công đầu tiên của Hội Người mù Việt Nam. Sau đó, Cúc lại được cử đi học thêm khóa đào tạo giáo viên, khóa quản lý cán bộ, rồi khóa xóa mù chữ. Chị lại học thêm nghề mát xa tẩm quất, xin đi làm thêm để có tiền trang trải thêm việc học.

Năm 2003 chị về dạy khóa xóa mù chữ đầu tiên do Tỉnh hội tổ chức ở khách sạn Hồng Ngọc. Tháng 3 năm 2004, lớp tiền hòa nhập được thành lập, Cúc được Hội điều về giảng dạy và gắn bó với lớp đến bây giờ. Hai năm liền Cúc được nhận bằng khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam (năm 2005, 2007), năm 2006 được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen.

Cô và trò cùng tìm ánh sáng

Tôi đang ngồi với chị tại lớp tiền hoà nhập dành cho trẻ em mù, gồm các em từ 7 tuổi trở lên, khi đủ kiến thức sẽ đưa các em ra học hoà nhập ở các trường phổ thông. Hầu hết các em không tự phục vụ được bản thân, chị Cúc cùng hai chị khác của Hội phải chăm sóc các em, hướng dẫn các em tỉ mỉ từng bước, từng việc để chúng tự chăm sóc được bản thân mình.

Để có thêm kiến thức trong giảng dạy, chị mày mò học hỏi mọi người. Nhờ mua sách báo về những nội dung mà chị quan tâm, nhờ người đọc để thu băng, chị nghe rồi viết ra chữ nổi, tự mình đúc rút kinh nghiệm giảng dạy. Câu chuyện về lớp học của chị Cúc có cả những chuyện vui và buồn. Nhưng tất cả đều hướng đến ánh sáng, đó là thu lượm kiến thức sống tốt ở đời.

Trăn trở của cô giáo Cúc là làm sao cho các em được ăn no, được ngủ yên lành và có điều kiện học tập hơn. Hiện tại các em hiểu và học được rất khó vì trang thiết bị học tập rất hạn chế. Về chuyện ăn uống, Hội chỉ cho một số tiền nhất định, chị Cúc và hai cô khác phải thuê nhà, chi phí các khoản khác thì chẳng còn lại là mấy. Hiện tại chị Cúc đã có những học trò ra ngoài đi làm. Hội cũng mở được phòng mát-xa tẩm quất dành cho người khiếm thị tại thị xã. Đó là những nơi tiếp nhận các em vào làm việc, để sống và hoà nhập với cộng đồng.

Khi tôi hỏi về chuyện riêng tư, chị Cúc cười. Chị tâm sự rằng, cũng đã có những người đàn ông "đặt vấn đề" với chị. Nhưng chị không dám nhận lời. Bởi vì, chị nghĩ chẳng biết mình có mang tới hạnh phúc cho người ta, hay chỉ mang gánh nặng. Có một người đàn ông chưa vợ, yêu chị thật lòng, nhưng gia đình anh ta cấm.

Tạm biệt chị, tôi không trông đợi chị sẽ về được một bến đỗ nào. Chỉ mong chị khỏe để có thể dìu dắt, đồng hành cùng các em học sinh khiếm thị, đi tìm ánh sáng cho đời mình

Văn Tình
.
.
.