Cùng ngư dân miền Trung ra biển

Thứ Bảy, 13/10/2012, 23:05
Ồn ào và lặng lẽ, bao đời nay biển Đông vẫn vậy. Với hàng vạn ngư dân miền Trung, mỗi lần giong thuyền ra biển là mỗi lần họ đặt niềm tin và hy vọng. Hy vọng cho trời yên biển lặng, tin vào những mẻ cá, mẻ tôm để nuôi sống gia đình, con cái được cắp sách tới trường, mẹ già được nương tựa. Giữa muôn trùng sóng gió, tình người, tình quốc tế cao cả trên biển Đông đã giúp các ngư dân yên tâm bám biển.

Sâu đậm tình người trên biển

Trời quang. 8h sáng, sau khi thắp nén nhang cầu cho trời yên biển lặng, chúng tôi lên tàu của ông Nguyễn Thành Nam, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới rẽ sóng ra khơi. 65 tuổi đời, 50 năm làm ngư dân trên biển, với ông Nam, biển cả không chỉ là nơi ông cất mẻ lưới tìm con mực, con cá, mà biển còn là quê hương, là mạch máu ngầm gắn với cuộc đời ông vậy.

"Mai đi biển là tối nằm thức đến sáng, háo hức như trẻ chuẩn bị vào khai giảng năm học mới", lão ngư Nguyễn Thành Nam bảo vậy. Trên còn tàu chòng chành sóng vỗ để đến ngư trường, câu chuyện về tình người trên biển đã cuốn hút chúng tôi một cách kỳ lạ. Giữa mênh mông biển cả, sức người có hạn nên mỗi khi gặp thiên tai cũng như nhân tai, các ngư dân chỉ còn cách kề vai truyền cho nhau hơi ấm tình người mới tồn tại.

Cách đây không lâu, tàu cá của anh Tô Hải Nam chạy xa cách bờ hơn 15 hải lý và bắt đầu xuống lưới. Bất ngờ anh phát hiện phía xa có người đang bám vào miếng xốp dập dờn trên sóng. Anh Nam cho tàu chạy đến cứu người bị nạn. Người được cứu là anh Trương Châu, ở Bảo Ninh, Đồng Hới. Anh Châu gắng gượng báo còn 5 người nữa. Lập tức anh Nam cho tàu quần thảo trên vùng biển. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, anh cứu được cả 5 người. Sơ cứu xong cho ngư dân gặp nạn, anh Nam cho tàu trực chỉ huy đất liền để sớm đưa các ngư dân về nhà cứu chữa.

Nói về việc cứu hộ, cứu nạn trên biển, rất nhiều ngư dân mà chúng tôi gặp đều cho rằng, sự giúp đỡ lẫn nhau khi gặp nạn của ngư dân mới giúp họ vững tâm khi ra biển. Trên mênh mông biển cả, sự giúp đỡ lẫn nhau không chỉ có ngư dân với nhau, mà còn đối với ngư dân các nước bạn. Tại một số nơi đánh cá chung việc ngư dân nước ta và ngư dân Trung Quốc thường xuyên giúp đỡ nhau khi gặp nạn là chuyện thường.

Ngư dân miền Trung chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.

Ông Nhựt kể, có lần ngư dân tàu cá nước bạn bị đau sốt nặng, ông và các ngư dân đã đưa ngư dân bạn lên tàu cá của mình để nằm cho yên tĩnh, rồi thuốc thang cho ngư dân bạn gần chục ngày trời. Không biết ngôn ngữ của nhau, nhưng các ngư dân đã trao hơi ấm cho nhau bằng hành động nhân văn ăm ắp tình người.

Trở trăn sau mỗi chuyến tàu

Cách đây độ mươi năm, ngư dân dọc dải đất miền Trung thường gắn với  nghề giã cào truyền thống, với những chiếc thuyền nhỏ ngư dân chỉ quẩn quanh đánh bắt gần bờ. Năm năm trở lại đây đời sống khấm khá hơn nên người dân miền Trung đóng tàu và băng thẳng ra đại dương của Tổ quốc để đánh bắt hải sản. Cuộc chinh phục biển cả của người dân biển đã thực sự thành công. Song phải thẳng thắn thừa nhận, cuộc sống của bà con ngư dân vẫn còn rất nhiều vất vả, có nơi, có lúc còn khốn khó.

Để đầu tư cho một chuyến ra khơi, các chủ tàu phải chạy tìm mướn nhân công khắp nơi. Thấy được giá trị bản thân, nên các nhân công đã lừa gạt làm nhiều chủ tàu điêu đứng. Có những nhân công hôm nay ký hợp đồng đi biển cho chủ tàu này, nhận tiền xong nhưng ngày mai trốn đi cho tàu khác. Chủ tàu Trương Văn Phương tâm sự: "Nhân công họ không chịu ký hợp đồng, toàn là người ở các địa phương khác đến nên việc họ lừa mình cũng chịu. Có nhân công hợp đồng đi tàu một năm nhưng chỉ đi về một chuyến là biến đâu mất trong đêm tối. Chính vì việc nhân công bỏ trốn hàng loạt sau khi đã nhận tiền đặt cọc nên làm nhiều chủ tàu khốn khó".

Mười ngày vật vã cùng sóng biển và các ngư dân, tôi xin theo tàu của ngư dân về lại đất liền, nhìn các tàu chất đầy cá, tôi động viên ngư phủ: “Chuyến này trúng đậm à nghe”, chủ tàu xuýt xoa: “Ăn thua gì nhà báo, giá cá thấp, nhiên liệu tăng... không đi biển thì sống bằng gì? Cực lắm”.

Niềm mong ước của ngư dân

Để một chuyến tàu ra khơi, nếu như tàu trên 120 CV trở lên chủ tàu phải đổ mười ngàn lít dầu với chi phí lên cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể cánh phụ nữ phải chạy đôn, chạy đáo thu mua lương thực, thực phẩm đủ để cho một chuyến tàu rời bờ. Mấy năm trước giá nhiên liệu thấp nên ngư dân còn có đồng ra, đồng vào. Nhiều nhà sắm được nhà cao tầng, các tiện nghi đắt tiền... Nhưng rồi giá nhiên liệu, nhân công cao nên có chủ tàu đã gạt nước mắt bán tàu. Sinh nghề, tử nghiệp vốn chi nghề ngư phủ, khi đã chọn biển cả là quê hương nên các ngư phủ quyết giữ lấy nghề. Thiếu vốn, nên nhiều ngư phủ miền Trung mỗi lần đi biển thường phải mua nợ dầu trước trả tiền sau, bán cá trước lấy tiền sau.

Nắm được khó khăn của ngư dân không thể có đủ tiền trả một lần để mua dầu nhà nước nên một số tư nhân bán dầu với giá cao cho ngư dân rồi cho họ trả dần. Một số nơi, chính quyền có giúp đỡ ngư dân về xăng dầu, nhưng cũng chỉ đi được một vào chuyến, vì vậy, để bám biển, ngư dân vẫn phải luôn tìm cách xoay xở. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương ở miền Trung, mặc dù có số tàu cá rất lớn, song các địa phương chưa đầu tư được các công ty thu mua hải sản lớn, có uy tín nên sau mỗi chuyến đánh bắt ngư dân lại phải bán nhỏ, lẻ hoặc bán cho một số tiểu thương qua đường tiểu ngạch sang nước khác. Chính vì vậy, ngư dân vẫn thường xuyên bị ép giá.

Chia tay những đoàn tàu đánh cá, tôi vẫn trăn trở cùng nhiều ngư phủ. Mong sao mỗi tỉnh có một nhà máy lớn thu mua, chế biến hải sản cho tụi tui nhé, cho mua dầu đúng giá nữa...!”

Dương Sông Lam
.
.
.