"Cung đường đau khổ"

Thứ Năm, 27/11/2008, 09:43
Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư xây dựng tuyến tránh Sông Cầu với chiều dài 6km. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường từ rạn nứt đến vụn vỡ, sình lún, tạo ra hàng trăm "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu". Nhiều lái xe đi qua tuyến tránh Sông Cầu đã phải lắc đầu ngao ngán khi gọi đó là "cung đường đau khổ".

Hơn 4 năm trước, những người lái xe ôtô xuôi Nam, ngược Bắc trên đường xuyên Việt qua địa phận tỉnh Phú Yên đều lo ngại khi vượt qua những cung đường đèo dốc đầy hiểm nguy như dốc Găng, đèo Cả, Cù Mông, Quán Cau.

Trong đó dốc Găng ở thị trấn Sông Cầu, huyện Sông Cầu có chiều dài gần 3km, độ dốc hơn 10%, khiến cho nhiều lái xe phải thận trọng khi điều khiển ôtô lên xuống dốc, thế nhưng đã có không ít vụ tai nạn xảy ra do tụt dốc, mất phanh…

Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư xây dựng tuyến tránh Sông Cầu với chiều dài 6km, từ lý trình Km 1277+740 đến 1283+250. Sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp hư hỏng nghiêm trọng, mặt đường từ rạn nứt đến vụn vỡ, sình lún, tạo ra hàng trăm "ổ gà" nối tiếp "ổ trâu", trong đó tập trung chủ yếu từ Km 1280 đến Km 1282.

Với hiện trạng chất lượng nêu trên, nhiều lái xe đi qua tuyến tránh Sông Cầu đã phải lắc đầu ngao ngán khi gọi đó là "cung đường đau khổ". UBND tỉnh Phú Yên đã phải gửi văn bản kiến nghị Thanh tra đường bộ Việt Nam, Khu quản lý đường bộ 5 đã phải gửi nhiều văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư sửa chữa, nhưng đến nay các loại phương tiện ôtô đi qua cung đường này đều phải ì ạch bò từng mét một gập ghềnh.

Do cầu Đà Rằng cũ trên tuyến QL1A qua địa phận TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã quá niên hạn sử dụng, nhưng phải “oằn lưng” vì lưu lượng hàng ngàn xe ôtô qua lại mỗi ngày đêm, nên đầu tháng 7/2003, cầu Đà Rằng mới được khởi công xây dựng với chiều dài 1.500m, bắc qua hạ lưu sông Ba từ xã Hòa An, huyện Phú Hòa đến Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ngoài cầu Đà Rằng mới dài nhất miền Trung, còn có đường dẫn ở hai đầu có tổng chiều dài 12km do Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Giữa tháng 11/2004, công trình đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Thế nhưng, sau hơn 1 năm sử dụng, tuyến đường dẫn ở phía Bắc đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nơi. Bê tông nhựa mặt đường bị bong tróc, sau đó hoá thành "ổ gà", "ổ trâu", gây khó khăn trở ngại cho các phương tiện tham gia giao thông.

Đã đến lúc Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm kiểm tra thực tế để đầu tư tu sửa lại những cung đường nêu trên. Đó không chỉ là động thái góp phần bảo đảm an toàn giao thông thông suốt, mà còn là một trong những giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông

Phan Văn Lương
.
.
.