Cụ Vũ Đình Hòe - vị đại biểu quốc hội khóa đầu tiên của Thủ đô Hà Nội

Chủ Nhật, 26/09/2010, 10:30

Cụ Vũ Đình Hòe là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 của Thủ đô Hà Nội

Tôi được tiếp kiến Bậc công huân của đất nước tại nơi hai cụ đang cư trú thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM. Phong thái quắc thước, thần thái tinh anh, mái tóc bạc phơ phơ của vị tiên ông gần trọn trăm năm rung rung theo.

Phải nói thực một điều, thế hệ chúng tôi lớp hậu sinh tuổi 8X rất ngưỡng mộ nhà giáo, nhà báo, nhà văn hóa kỳ cựu Vũ Đình Hòe. Khi chúng tôi liên hệ với kỹ sư Vũ Bảo Tuyên (nguyên Tổ trưởng bộ môn kỹ thuật điện Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật), con gái cụ Hòe, bà có vẻ băn khoăn. Tôi đành phải chìa "giấy thông hành" của mình. Chẳng là trước khi sang Pháp thăm người thân, bà Ngô Thị Mỹ Văn - bà quả phụ nhà ngoại giao Hoàng Nguyên có biết tôi vào Nam nên đã gửi tôi chuyển đến biếu hai cụ Vũ Đình Hòe cuốn sách "Năm vở kịch một hồi" (Nhà xuất bản Thế giới 2009) do ông Hoàng Nguyên dịch. Khi nghe tên ông Hoàng Nguyên, cụ giục con gái cho tôi được gặp.

Các đại biểu Quốc hội khóa I ra mắt đồng bào Thủ đô (từ trái qua phải): Kỹ sư Hoàng Văn Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác sĩ Trần Duy Hưng, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Giáo sư Vũ Đình Hòe và Giáo sư Nguyễn Thị Thục Viên (Ảnh tư liệu của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản).

Hẳn nhiều người biết trước khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên, cụ Vũ Đình Hòe đã là giáo sư nổi tiếng giảng dạy tại các trường tư thục Gia Long và Thăng Long - cái nôi đào tạo nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng thời làm Chủ nhiệm Tạp chí Thanh Nghị - với chủ trương tuyên truyền văn hóa, khoa học trong nhân dân.

Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8/1945, dưới ách cai trị của thực dân Pháp với chiêu bài "Khai hóa văn minh" thì "95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì" (Kỷ yếu của Nha Học chính Đông Dương do người Pháp viết năm 1930). Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có chủ trương lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, để xóa mù chữ cho nhân dân.

Sau 6 năm hoạt động, Đại hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc Kỳ ngày 23/11/1944 đã họp kiểm điểm tình hình, đề ra chương trình hành động mới. Trên 700 hội viên ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc về dự. Đại hội đã bầu ra Ban trị sự mới trong đó nhiều người đã đứng trong hàng ngũ các tổ chức cứu quốc: Hội trưởng Nguyễn Văn Tố; Phó hội trưởng Vũ Đình Hòe, Vương Kiêm Toàn...

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Lâm thời họp phiên đầu tiên tại Bắc Bộ phủ. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe trình Hồ Chủ tịch ngay hai dự thảo Sắc lệnh: Một, quyết định việc thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm. Hai là đề nghị Chính phủ chỉ thị cho Bộ Giáo dục, ngay niên học tới  trong tất cả các trường, kể cả đại học, chỉ được dùng tiếng Việt khi học, khi dạy và trong các kỳ thi.

Sau đó, Sắc lệnh số 20 ngày 6/9/1945 về xóa nạn mù chữ và Sắc lệnh số 17 ngày 8/9/1945 về tổ chức Nha Bình dân học vụ được công bố. Và chỉ sau năm đầu thành lập (8/9/1945 - 8/9/1946) Nha Bình dân học vụ đã giúp cho 2,5 triệu người biết đọc biết viết... 

Để chuẩn bị cho việc giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, đã có các ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Nha Đại học vụ và ông Ngụy Như Kon Tum, Giám đốc Nha Trung học vụ, ông Hoàng Xuân Hãn cựu Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim… Vì vậy, chỉ 20 ngày sau Tuyên ngôn Độc lập Hội đồng Chính phủ trong phiên họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch ngày 22/9/1945, đã "Quyết nghị đến 15/11/1945, trường Đại học sẽ mở cửa".

Việc làm ấy đáp ứng rất trúng ý nguyện của sinh viên, thanh niên. Họ đến dự khai giảng rất đông. Và Đại học Quốc gia Việt Nam không chỉ khai giảng lại các trường, khoa sẵn có, mà còn mở khoa mới. Đó là các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, với những giảng viên lỗi lạc như Giáo sư Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Phạm Văn Đồng, Giáo sư Trần Văn Giàu, Giáo sư Hồ Hữu Tường... với các môn triết học, sử học cũng như các môn chuyên nghiệp về kinh tế, tài chính, về luật học cùng hai môn ngoại ngữ Anh văn và Nga văn. Lớp xã hội - chính trị ấy mang đầy đủ tinh thần đại học, hơn nữa bắt đầu xây đắp nền tảng triết lý giáo dục cho toàn bộ hệ thống giáo dục của nước Việt Nam mới trên cơ sở hoà hợp văn minh Đông và Tây.

Ngày 15/11/2005 tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày khai giảng ĐHQG Hà Nội, anh chị em sinh viên được thấy bên cạnh Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, là cụ Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời. Hôm ấy, anh chị em sinh viên đã đón nhận bài phát biểu về "tinh thần đại học" của cụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên ở tuổi 94 với những nội dung thời sự:

"Các em là sinh viên đại học, không phải học sinh phổ thông "cấp 4". Chỉ cung kính tiếp thu những điều thầy cô dạy bảo và chăm chăm trả lời cho phù hợp để được điểm cao thì chưa phải là học đại học. Tiếng Việt ta nói "học hỏi". Vậy chưa hỏi là chưa học, đặc biệt ở đại học. 

Hãy tham gia vào bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí - hãy "cãi lại" (tôi để trong ngoặc kép) thầy cô, đương nhiên một cách lễ độ và có lý lẽ. Tôi đã trải qua những tình huống đó trong đời dạy học của mình, lại là dạy ở các lớp trường tư, nhiều học sinh cùng tuổi với thầy nên dám "ngang bướng" lắm (ngang bướng hợp lý)".

Có lẽ ít người biết cụ Vũ Đình Hòe là hậu duệ trực hệ của cụ Nghè làng Tự Tháp, Tiến sĩ Vũ Tông Phan triều Nguyễn, một danh sĩ ưu dân ái quốc, người đã cùng cụ Nguyễn Siêu và các danh sĩ Bắc Hà dựng lên quần thể kiến trúc quanh hồ Hoàn Kiếm với Đài Nghiên - Tháp Bút - cầu Thê Húc - đền Ngọc Sơn.

Cụ Vũ Đình Hòe và cụ bà.

Vào TP HCM từ mấy năm nay để đảm bảo sức khỏe, cụ Hòe tiếp tục hoàn thành công trình nghiên cứu đang dang dở của mình, tiếp theo công trình "Thanh Nghị hồi ký), "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh". Sống ở đô thị phương Nam từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" nhưng cụ vẫn không nguôi nhớ về Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến, nơi cụ đã sinh ra và thừa kế lớp sĩ phu yêu nước.

Mùa thu 2008 cụ Vũ Đình Hòe ra Hà Nội, người con trưởng của cụ - Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi đẩy xe đưa cụ thăm lại "lối xưa". Đến trước gần đền Ngọc Sơn, cụ chỉ sang cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm đối diện phía bên kia con phố, kể chuyện cho "thầy Khôi" và các cán bộ văn hóa Thủ đô Hà Nội đi bên cạnh cùng nghe.

Đã bao lần tới nơi đây mà thầy Vũ Thế Khôi vẫn như đứa trẻ lên bảy lên tám theo ông nội vào viếng bản đền. Cụ Xuân Tăng Vũ Bội Hoàn xoa đầu cháu nội đích tôn sáng dạ rồi chỉ cho biết những chữ Nho trước cửa đền Ngọc Sơn. Kia là câu đối dẫn cho người ta biết trong đền thờ Phật, thờ Tiên, thờ Thánh hay thờ Anh hùng. Câu đối đền Ngọc Sơn không nói Phật - Tiên - Thánh. Cháu ơi, vế thứ nhất Lâm thủy đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh. Lâm thủy là xuống bến nước, trước năm 1863 vào đền Ngọc Sơn phải đi thuyền. Năm 1863 cụ Nguyễn Văn Siêu mới cho bắc cầu Thê Húc. Xuống nước rồi mới trèo lên non: đăng sơn - đảo Ngọc Sơn là núi.

Vế thứ hai: Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang. Các cụ truy tìm cái nguồn cội từ văn hóa dân tộc cho nên mới tầm nguyên. Phỏng cổ là vì các cụ phải nghiên cứu đạo Nho cổ đại, không tán thành Tống Nho sau này. Cho nên mới tầm nguyên phỏng cổ. Trong việc ấy, ánh sáng văn hóa hòa vào.

Ngồi nghe cụ Vũ Đình Hòe kể chuyện tỉ mỉ những sự kiện đã qua, chúng tôi không khỏi bất ngờ về sự minh tuệ của một bậc trí giả sống gần trọn trăm năm. Cụ cho biết: "Nói chuyện có những bạn bè đến chơi thì mừng". Tuy nhiên bệnh giãn phế nang kinh niên thỉnh thoảng gây phiền phức đã làm gián đoạn cuộc trò chuyện với cụ: "Đấy, nói một tí mà thở không ra hơi. Cái phổi nó yếu. Nó yếu là bởi vì mình già thôi chứ cũng chẳng có bệnh gì. Nó không hít được đủ khí giời…".

Tin rằng ngày tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ lại được thấy mái tóc bạc phơ của bậc tiên ông quốc lão Vũ Đình Hòe, như 65 năm trước cụ cùng Hồ Chủ tịch và các vị Bộ trưởng Chính phủ Lâm thời đứng trên Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập ra mắt quốc dân, như 64 năm trước cụ cùng Hồ Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội khóa I ra mắt đồng bào Thủ đô tại Việt Nam học xá.

Đền Ngọc Sơn là nơi ông Vũ Bội Hoàn (thân sinh Vũ Đình Hòe) tiếp Cụ Hồ. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập là Cụ Hồ đi thăm lại nhà cụ Lương Văn Can, rồi thăm bản điện Ngọc Sơn. Cụ Xuân Tăng - Vũ Bội Hoàn, là chủ bản điện đền Ngọc Sơn đã mười năm, từ năm 1936, thấy Cụ Hồ đến, cụ mừng quá chạy ra đón. Hồ Chủ tịch thân mật: "Thưa, cụ năm nay thọ bao nhiêu tuổi?". “Thưa cụ Chủ tịch, tôi tuổi Mậu Dần (1878)". "Thế là cụ hơn tôi hẳn một giáp. Xin rước cụ ngồi trước" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp từ. Mặt nước Hồ Gươm xanh trong như thấu tận đáy. Ánh nắng lấp lóa làm tỏa rạng thêm khuôn mặt các cố lão ba mươi sáu phố phường. “Các cụ cao niên mà còn giảng thiện cho con cháu là quý lắm. Tôi xin được góp thêm một ý kiến: Xin các cụ giảng thêm cho điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ”...

“Có lẽ nên gắn biển di tích lịch sử Cụ Hồ từng đến nơi đây” - tiếng cụ Vũ Đình Hòe hòa trong gió thu.

Khải Đăng
.
.
.