Công ty Lâm sản Bình Thuận và “kịch bản” phá rừng

Thứ Hai, 11/07/2005, 09:00

Lập dự án trồng rừng, Công ty Lâm sản Bình Thuận vừa khai thác được hàng ngàn mét khối gỗ "tận dụng", vừa rút được kinh phí để trồng tre, điều cao sản thay cây gỗ, lại vừa có công là trồng được nhiều rừng…

Để chuẩn bị cho kế hoạch triệt phá rừng nguyên sinh ở khu vực xã La Dạ, ngày 25/12/2000, Công ty Lâm sản Bình Thuận đã cho lập một "Dự án trồng rừng và cây công nghiệp tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc…".

Điều không bình thường trong dự án này lại nằm trong mục tiêu dự án mà Công ty Lâm sản Bình Thuận nêu ra là: "Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trống, đất lâm nghiệp có rừng nghèo…" để "chuyển sang trồng rừng kinh tế và trồng cây công nghiệp; giải quyết việc làm cho công nhân lao động của Công ty Lâm sản Bình Thuận; góp phần cải tạo môi trường, cân bằng sinh thái…".

Qua kiểm tra thực tế chúng tôi thấy, khu vực được xác định trong dự án lại là một khu rừng nguyên sinh, là loại rừng hỗn giao chứ không phải là "đất trống". Chỉ đi vòng ở bìa rừng thì thấy toàn tre, nứa và những cây gỗ lúp xúp. Nhưng nếu luồn sâu vào trong thì có rất nhiều cây gỗ có tuổi thọ hàng trăm năm, tồn tại cùng tre, nứa ở tầng thấp. Chúng tôi gặp rất nhiều gốc cây cổ thụ có đường kính từ 60cm đến trên 1m, còn trơ lại trên khu vực đã được Công ty Lâm sản Bình Thuận khai thác trắng, chưa kịp chở đi tiêu thụ.

Một điều hết sức khôi hài là ở tỉnh Bình Thuận còn tồn tại hàng ngàn ha đất đồi, đất rừng trống, thuộc loại đất tốt bị bỏ hoang hóa nhiều năm nay, nằm rải khắp các huyện như Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, Tánh Linh đang rất cần đầu tư, cải tạo, trồng rừng như dự án của Công ty Lâm sản Bình Thuận. Thế nhưng, điều đó lại không được cơ quan nào để mắt tới.

Trong khi đó, một khu rừng nguyên sinh tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, là một xã vùng sâu, vùng xa, xa nhất của tỉnh Bình Thuận, lại được Công ty Lâm sản Bình Thuận đặc biệt quan tâm đến vậy? Đây là diệu kế "2 trong 1" của Công ty Lâm sản Bình Thuận: vừa khai thác được hàng ngàn mét khối gỗ "tận dụng", vừa rút được kinh phí để trồng tre, điều cao sản thay cây gỗ, lại vừa có công là trồng được nhiều rừng…

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến bãi gỗ "tận dụng" của Công ty Lâm sản Bình Thuận rộng tới gần một ha, nằm tại bìa rừng, thuộc thôn 1, xã La Dạ. Tại bãi gỗ này còn tồn tại hàng trăm cây gỗ, ước tính có tới hàng ngàn mét khối, gồm đủ các loại từ nhóm I đến nhóm VIII đang được xe cơ giới hàng ngày vận chuyển đi tiêu thụ.

Cấp phép khai thác 7.150m3 gỗ trên "đất trống"?

Ngày 16/1/2001, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt bút ký Quyết định số 97/QĐ-CT-UBBT "phê duyệt Dự án khả thi trồng rừng, trồng cây công nghiệp tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc của Công ty Lâm Sản Bình Thuận". Tổng diện tích được quy hoạch thực hiện là 1.600ha, trong đó diện tích quy hoạch dự án là 1.450ha.

8 ngày sau (ngày 28/2/2001), ông Dũng lại ký Quyết định số 306/QĐ-CT.UBBT "thu hồi 1.450 ha đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 516 do lâm trường Hàm Thuận Bắc đang quản lý để giao cho Công ty Lâm sản Bình Thuận thuê để trồng rừng, trồng cây công nghiệp tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc". Với quyết định này, UBND tỉnh Bình Thuận đã "giúp" Công ty Lâm sản Bình Thuận đặt được một chân vào rừng phòng hộ đầu nguồn.

Khác với nhiều dự án ở Bình Thuận, theo đúng quy định, nếu sau 1 năm chủ dự án không triển khai thì dự án sẽ bị thu hồi. Song, riêng dự án trồng rừng của Công ty Lâm sản Bình Thuận được “ngâm” tới 4 năm.

Ngày 16/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng đã ký Quyết định số 407/QĐ-CT.UBBT "Cấp phép khai thác gỗ trên diện tích đất trống Ic, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng cho Công ty Lâm sản Bình Thuận khai thác để khai hoang trồng rừng, trồng cây công nghiệp".

Điều bi hài trong chính quyết định này là, nếu "đất trống" thì làm gì có gỗ để khai thác? Một điều không bình thường nữa là tại trang 2 và 3 của Quyết định này lại xác định chi tiết loại gỗ "tận dụng" mà Công ty Lâm sản Bình Thuận được phép khai thác là: giáng hương, sao, căm xe, sến, từ nhóm I đến nhóm VIII, với một khối lượng lên tới  7.150,98m3 gỗ và 77.000 cây cừ

Nhóm PV PL-BĐ
.
.
.