Công khai khai thác khoáng sản tại huyện Tân Uyên (Bình Dương)

Thứ Tư, 12/03/2008, 11:24
Tình trạng khai thác khoáng sản (đất sét, đất cao lanh) trái phép làm nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói, gốm sứ… ở huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã kéo dài từ nhiều năm nay. Xe ben chở đất đá chạy ầm ầm suốt ngày đêm, cuốn bụi đất mù mịt gây ô nhiễm môi trường, gây TNGT khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Trên địa bàn huyện hiện có khoảng trên 10 hầm khai thác khoáng sản trái phép. Qua công tác trinh sát nắm tình hình, ngày 7/3 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với lực lượng tăng cường từ Cục Cảnh sát môi trường; Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường tỉnh và cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Uyên kiểm tra một điểm khai thác trái phép với quy mô lớn tại xã Khánh Bình.

Chủ hầm đất là ông Mai Hùng An đã không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản, tại hiện trường có trên 10 xe ben đang chờ vận chuyển đất đá, khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, nhiều xe đã bỏ chạy. Lực lượng phối hợp đã lập biên bản tạm giữ 6 xe ben, 2 xe cuốc, và tiến hành đo đạc khối lượng đất đã bị khai thác.

Theo biên bản của đoàn, hầm đất này được khai thác trên diện tích khá rộng, tới 4.410m2; độ sâu bị khoét tới 12m; tổng khối lượng đất đã bị khai thác trái phép lên tới gần 50.000m3. Việc vi phạm đã rõ ràng, tuy nhiên, do chưa có quy định về thẩm quyền, hiện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương chỉ biết củng cố hồ sơ, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng vi phạm, đất sét khai thác từ hầm này được chở đi bán cho các cơ sở sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh với giá từ 750 - 850 ngàn đồng/xe; với lớp đất mặt, chở đi bán cho các điểm san lấp mặt bằng cũng được trên 100 ngàn đồng/xe. Mỗi ngày, hầm đất này khai thác được từ 50 - 80 xe, như vậy, trừ chi phí, việc khai thác trái phép tại đây đã cho thu lợi bất chính khoảng 20 - 30 triệu đồng/ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai thác đã diễn ra công khai từ lâu, Công an huyện Tân Uyên và Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường đã từng kiểm tra, xử lý nhưng vì mức thu lợi quá lớn, mức xử phạt không đủ sức răn đe, không có chế tài nào kèm theo đã khiến các chủ hầm sẵn sàng… tiếp tục vi phạm.

Do mới được thành lập, cũng giống như lực lượng Cảnh sát chống tham nhũng, hiện Pháp lệnh Điều tra hình sự chưa có quy định đối với lực lượng Cảnh sát môi trường. Nên ngay cả việc tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trường, Cảnh sát Môi trường cũng không thể làm mà phải "mượn" tay của Thanh tra Sở TNMT.

Đối tượng vi phạm thu lợi bất chính số tiền lớn là thế, nhưng Cảnh sát Môi trường hiện chưa có quy định về quyền xử phạt để áp dụng xử lý. Lại tiếp tục phải "mượn" uy của Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, theo thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên môi trường chỉ được phép xử phạt từ mức 20 triệu đồng… trở xuống!

Còn nếu muốn Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt ở mức 70 triệu đồng, phải qua nhiều bước củng cố hồ sơ khá chặt chẽ với thời gian từ 3 - 4 tháng. Một cán bộ ở Cục Cảnh sát môi trường cho biết, theo quy định, đối với hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép thì phải hội tụ đủ các yếu tố là "Đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó và gây hậu quả nghiêm trọng" mới có thể xử lý hình sự!

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương, việc khai thác trái phép như vậy không chỉ gây thiệt hại đến nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia; do trốn thuế nên giá bán nguyên liệu từ các điểm khai thác lậu này đang cạnh tranh không lành mạnh với những mỏ nguyên liệu khác đã được cấp phép.

Khai thác theo kiểu khoét sâu như vậy còn rất nguy hiểm, đất có thể bị sụp, lún, đè chết người bất kể lúc nào. Vào mùa mưa, ngay cả người lớn khi không may rớt xuống đó cũng chết đuối chứ không nói đến trẻ em.

Mức xử phạt so với số tiền thu lợi bất chính là quá nhẹ, hiện tại, Phòng Cảnh sát môi trường đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi toàn bộ số khoáng sản đã bị khai thác trái phép.

UBND tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng xử lý kiên quyết. Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn hiện nay, tỉnh Bình Dương cần có quy hoạch vùng nguyên liệu đủ phục vụ ngành sản xuất gạch ngói, gốm sứ trên địa bàn và giao các cấp, ngành quản lý một cách chặt chẽ

Đức Thắng
.
.
.